Quan tâm chăm lo cho trẻ em mồ côi

31/05/2023 - 08:37

BDK - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) đang nuôi dưỡng 396 trẻ em mồ côi. Trong đó, có 2 cơ sở BTXH công lập là Trung tâm BTXH và Làng Trẻ em SOS; 5 cơ sở BTXH ngoài công lập nuôi dưỡng 232 trẻ em. Các cơ sở xã hội đều thực hiện và tuân thủ theo đúng các quy định của Nhà nước.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức trao hỗ trợ khó khăn đột xuất cho trẻ em mồ côi cha/mẹ do dịch Covid-19.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức trao hỗ trợ khó khăn đột xuất cho trẻ em mồ côi cha/mẹ do dịch Covid-19.

Toàn tỉnh có 108 trẻ em mồ côi do Covid-19. Tổng kinh phí đã thực hiện hỗ trợ cho các em hơn 2,4 tỷ đồng. Ngoài ra, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cũng đã cấp kinh phí về tỉnh tổ chức thăm và trao hỗ trợ cho các em với tổng kinh phí 381 triệu đồng. Qua việc hỗ trợ cho các em và gia đình, các em được hòa nhập với cuộc sống cộng đồng, xóa đi mặc cảm và sự kỳ thị của xã hội…

Sau dịch Covid-19, tỉnh cũng đã kết nối được với trường tiểu học, THCS và THPT Hy Vọng (thuộc Tập đoàn FPT) nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và học tập nội trú tại trường, với chi phí 0 đồng cho 5 trẻ em của tỉnh. Đây là một cơ hội cho các em có được điều kiện theo đuổi việc học tập sau những mất mát do dịch Covid-19 gây ra. Hướng tới, tỉnh tiếp tục duy trì kết nối để hỗ trợ cho các em còn lại, nếu các em và gia đình có nhu cầu.

Từ năm 2018 - 2022, tỉnh đã tổ chức 98 lớp tập huấn cho 445.806 người tham dự. Qua các lớp tập huấn, năng lực quản lý và thực hiện hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cấp cơ sở có nâng lên; có nhận thức sâu sắc hơn về tác hại của tai nạn thương tích, bạo lực và những hành vi xâm hại trẻ em; lan tỏa trong cộng đồng và toàn xã hội thông điệp cùng chung tay bảo vệ trẻ em nói chung và trẻ em mồ côi nói riêng. Ngoài ra, qua việc tham gia tập huấn, trẻ và phụ huynh còn được trang bị kỹ năng tự bảo vệ chính mình và bảo vệ con mình; nhận diện được đâu là hành động bị người khác xâm phạm để có cách phòng tránh.

 Tỉnh cũng đã tổ chức 10 lớp tập huấn cho 629 cán bộ là lãnh đạo UBND cấp xã và công chức Lao động - Thương binh và Xã hội, cán bộ bán chuyên trách giảm nghèo trẻ em và xã hội cấp xã, cán bộ các cơ sở BTXH công lập và ngoài công lập về hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội.

Hàng năm, tỉnh đã tổ chức lễ phát động tháng hành động vì trẻ em trên phạm vi toàn tỉnh, thu hút hàng chục ngàn trẻ em tham dự; tổ chức nhiều đợt truyền thông qua các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương; tổ chức diễn đàn trẻ em; xây dựng các bài viết, bản tin đăng tải trên các website trong và ngoài tỉnh. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quyền trẻ em; gia đình, cộng đồng có trách nhiệm tố cáo những hành vi vi phạm về quyền trẻ em để pháp luật nghiêm trị; cung cấp cho trẻ những kiến thức để trẻ biết tự bảo vệ mình.

Các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh phối hợp tổ chức các đợt tuyên truyền phổ biến trực tiếp Luật Trẻ em thu hút sự quan tâm của hàng chục ngàn em tham dự; tổ chức các mít-tinh, diễn đàn, hội thi, tọa đàm nhằm từng bước đưa Luật Trẻ em đi vào cuộc sống. 

Hiện nay, người thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cấp huyện, cấp xã còn kiêm nhiệm nhiều việc, chưa thật sự quan tâm đến việc thực hiện công tác trẻ em, đặc biệt là quan tâm đến trẻ em mồ côi. UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ cần nâng mức hỗ trợ và có một hệ số hỗ trợ riêng cho nhóm trẻ em mồ côi để đảm bảo được cuộc sống tối thiểu cho các em trước biến động của giá cả thị trường hiện nay.

Bộ Y tế cần quan tâm phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em nói chung và trẻ em mồ côi nói riêng. Do phần lớn trẻ em mồ côi trong đại dịch Covid-19 đều là con của những người lao động. Trong đó, có nhiều trường hợp con hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Việc mất đi một người thân trong gia đình khiến các em mất đi một tình cảm thiêng liêng. Những sang chấn tâm lý của trẻ ở nhiều cấp độ khác nhau, trong đó có sự gia tăng các cảm xúc tiêu cực bên cạnh những khó khăn kinh tế mà trẻ phải hứng chịu.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích