Người tiêu dùng mua bánh mứt ngày Tết. Ảnh: Lê Uyên
Cân nhắc chọn thực phẩm
Nhiều người quan niệm, ngày Tết trong nhà phải đủ đầy nên thường mua thực phẩm dự trữ cho những ngày Tết. Tuy nhiên, việc bảo quản không đúng cách, đúng thời gian sẽ làm cho thực phẩm không được tươi ngon. Do đó, khi chọn mua thực phẩm phải cân nhắc lượng vừa đủ, tránh lãng phí và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe vì chất lượng sản phẩm giảm đi do dự trữ nhiều ngày.
Với những món chính ưa dùng trong ngày Tết: chả lụa, nem chua, giò thủ… nên chọn mua loại có bao bì, nhãn mác tại cửa hàng uy tín, có người chịu trách nhiệm. Đối với thịt, nên tìm chọn mua tại quầy sạp có điều kiện đảm bảo an toàn theo quy định vệ sinh thú y như bàn, giá treo hợp vệ sinh. Sản phẩm phải được kiểm tra và chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật. Thịt phải có màu đỏ còn tươi, mới, không có mùi lạ, không lạnh, không nhão. Rau củ quả chọn cửa hàng rau sạch có rõ ràng nguồn gốc, chọn loại tươi có màu xanh tự nhiên, không biến dạng, hư, úng.
Những thực phẩm đã chế biến nên ăn ngay, nếu bảo quản trong ngăn mát thường chỉ sử dụng trong vòng 5 - 7 ngày vì nhiệt độ trong ngăn mát tủ lạnh chỉ có tác dụng hạn chế vi khuẩn phát triển mà không thể tiêu diệt được vi khuẩn. Sau bữa ăn, thức ăn còn dư nên hâm nóng lại khi ăn để đảm bảo sức khỏe. Thức ăn sống và chín nên để riêng biệt tránh nhiễm khuẩn chéo. Thức ăn sống cũng cần sơ chế sạch sẽ, chia nhỏ theo khẩu phần vừa đủ cho vào hộp đậy kín để tiện khi sử dụng, tránh tình trạng rã đông nhiều lần làm ảnh hưởng chất lượng của các loại thực phẩm.
Thực tế, phần lớn người tiêu dùng chưa quan tâm kiểm tra các giỏ quà được các cửa hàng gói sẵn để làm quà biếu gia đình và người thân. Lợi dụng sự dễ dãi của người mua mà không ít cửa hàng sử dụng sản phẩm không chất lượng hoặc hết hạn, thậm chí là dùng hộp không ruột. Với những giỏ quà gói sẵn, người mua cần chú ý kiểm tra kỹ, tốt nhất là chịu khó chọn các sản phẩm chất lượng, đảm bảo thời gian sử dụng rồi nhờ gói lại góp phần đảm bảo an toàn khi sử dụng và nâng lên sự quý trọng của người được nhận quà.
Cân đối chế độ Ăn uống
Ngày Tết, hầu như gia đình nào cũng sử dụng các món ăn chứa nhiều đạm, chất béo và các loại bánh ngọt rất dễ tích tụ mỡ thừa gây tăng cân. Do đó, phải cân đối thực đơn hàng ngày, nên ăn uống điều độ và chế độ dinh dưỡng hợp lý với nhiều rau xanh và hoa quả để bổ sung vitamin. Các món nhiều chất xơ giúp quá trình tiêu hóa dễ dàng hơn, tránh dư thừa năng lượng. Bên cạnh đó, cần duy trì chế độ vận động để giúp giải phóng năng lượng, cải thiện sức khỏe.
Mặc dù ngày Tết bận rộn rất khó để đảm bảo bữa ăn đúng thời gian nhưng mọi người nên cố gắng sắp xếp công việc để bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như gia đình. Đặc biệt, người lớn tuổi và trẻ em hệ tiêu hóa không như những người trưởng thành càng phải được chăm sóc các bữa ăn và ăn đúng giờ. Đối với trẻ nhỏ phải đảm bảo dinh dưỡng với 4 nhóm thực phẩm: tinh bột, đạm, xơ và chất béo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển phù hợp với lứa tuổi. Người lớn tuổi không ăn quá nhiều bữa trong ngày cũng như không bỏ bữa. Mỗi bữa ăn một lượng vừa đủ, không nên ăn nhiều thức ăn có chỉ số đường huyết cao như bánh kẹo, nước ngọt, các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, các món chiên xào dễ gây đầy bụng, khó tiêu hóa, người mệt mỏi.
Bia, rượu là thức uống không thể thiếu trong ngày Tết nhưng không nên lạm dụng. Vì lạm dụng rượu, bia làm chậm phản ứng của não, gây viêm loét dạ dày, tăng nguy cơ loãng xương và mắc các bệnh ung thư… Bên cạnh bia, rượu, nước ngọt có ga cũng nên được hạn chế. Nếu dùng quá nhiều nước ngọt có ga sẽ làm đầy hơi. Lượng đường và axit citric có trong nước ngọt gây thừa cân, béo phì, thậm chí là tiểu đường.
Phan Hân (ghi)