Quan tâm hơn nữa chất lượng hàng mỹ nghệ từ dừa

07/04/2010 - 09:03
Đan giỏ xách từ cọng lá dừa. Ảnh: C.Tr

Ở Việt Nam, dừa có đến 1001 công dụng. Qua những bàn tay khéo léo, từ thân cây dừa, gáo dừa, trái dừa, vỏ dừa, chà dừa, cọng dừa, nan dừa… đã có hàng trăm mặt hàng thủ công mỹ nghệ ra đời. Những sản phẩm này của Bến Tre được xuất khẩu sang nhiều nước, gần nhất là Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia, Lào và xa hơn là Mỹ, Pháp, Canada, Úc… Việc sản xuất hàng mỹ nghệ từ dừa đem lại nhiều lợi ích như giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần làm giàu cho quê hương.

Những mặt hàng xuất khẩu đầu tiên
Bến Tre hiện có đến hàng chục cơ sở làm thủ công mỹ nghệ có tầm cỡ như Công ty TNHH Thanh Bình, cơ sở Hưng Tiến, Trần Ngọc Tuấn, Phúc Sang (Châu Thành), cơ sở thủ công mỹ nghệ Trường Ngân, Lục Thiện Tâm, doanh nghiệp tư nhân Yên Thạnh, Thành Mỹ (TP Bến Tre), Mỹ nghệ Thanh Liêm (Mỏ Cày Nam), Thanh Nhàn (Giồng Trôm)… Ngoài ra, còn có doanh nghiệp hợp tác xã được thành lập tại Phước Long (Giồng Trôm) và Quới Điền (Thạnh Phú). Mỗi cơ sở trên lại có đến hơn chục vệ tinh khác đang hoạt động rải rác các huyện.
Nói đến nghệ thuật hóa thân dừa thành những sản phẩm sống động với muôn hình vạn trạng, trước hết phải kể đến một trong những người có công đầu là ông Trường Ngân với chiếc giỏ xách bằng cọng lá dừa (thay cho các nguyên liệu mây, tre), ra đời vào năm 1987. Một hôm, ông Trịnh Văn Y – Phó Chủ tịch UBND tỉnh bấy giờ đến thăm và nhìn thấy, liền trịnh trọng bảo với Trường Ngân: “Đây là tài sản trí tuệ của Bến Tre, anh phải giữ gìn và phát huy, chúng tôi sẽ ủng hộ”. Câu nói đó đã đánh dấu thành công bước đầu của ông nói riêng và của ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa nói chung!
Người dân từ các nơi hay tin đã đổ về cơ sở của ông để học miễn phí cách đan giỏ. Đặc biệt, bà con xã Hưng Phong, Phước Long (Giồng Trôm) đã phát triển nghề thành làng nghề đan giỏ bằng cọng lá dừa. Mặt hàng này được tiêu thụ trong nước, đến năm 1994, nó chính thức được xuất khẩu sang Đài Loan. Loại hình sản xuất này giúp hai xã dần dần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho cả ngàn lao động địa phương. Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Hưng Phong kể, cứ 1 tấn cọng dừa có thể làm nên 7 ngàn chiếc giỏ. Mặt hàng này ngày càng được thị trường ưa chuộng bởi có công dụng thay thế bao bì bằng nhựa, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Vì thế, hàng năm, nơi đây có đến hàng triệu sản phẩm được chuyển qua trung gian để xuất khẩu.
Tưởng tượng ra được mẫu nào, kể cả thấy trong phim ảnh, hoạt họa, báo chí là các “nông dân khéo tay” quyết mày mò, đẻo gọt để chế tác nên hàng trăm mẫu sản phẩm độc đáo bằng dừa, thay cho các loại nguyên liệu khác như gỗ rừng, nhựa, nhôm, sành, sứ. Sản phẩm từ dừa rất đa dạng, phong phú, từ đồ dùng nhà bếp đến dụng cụ văn phòng, đồ chơi trẻ em, trang trí nội thất, xây nhà…
Cần quan tâm chất lượng sản phẩm
Hiện nay, phần lớn những người thợ xuất thân từ nông dân tranh thủ thời gian lao động nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập nên còn nhiều hạn chế trong tác phong lao động. Lúc không tiền thì làm, có tiền thì nghỉ hoặc chỉ vì một buổi tiệc mà cả xóm đồng loạt nghỉ việc. Trách nhiệm của họ cũng chưa cụ thể đối với sản phẩm tạo ra. Thái độ thỏa mãn với kết quả đạt được dẫn đến uy tín của cơ sở và độ tinh xảo sản phẩm ngày bị mai một, giá trị sản phẩm trên thị trường cũng bị giảm sút. Đây là nguyên nhân khiến không ít nhà kinh doanh ái ngại khi đặt hợp đồng xuất khẩu lâu dài với nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.                                   
Chủ cơ sở Trường Ngân cho rằng người lao động vẫn còn quan niệm đây là việc “làm thêm” nên ít đầu tư về năng lực quản lý, kế hoạch phát triển, học tập nâng cao tay nghề, áp dụng công nghệ, máy móc vào một số khâu trong sản xuất để tiết kiệm công lao động, nâng cao năng suất.
Mặt khác, tuy thị trường nước ngoài đang tiêu thụ từ 70 đến 80% sản lượng hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa của Bến Tre, nhưng phần đông người sản xuất và các thương nhân chân chính đang rất lo ngại. Xuất phát từ sự cạnh tranh chưa lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, giá sản phẩm được đẩy xuống thấp hơn so với thị trường. Từ đó, chất lượng sản phẩm cũng giảm. Những biểu hiện của các mặt hàng kém chất lượng như nhanh chóng bị nấm mốc, gãy đổ, bung, sút… Hơn nữa, người mua chưa có kinh nghiệm, hoặc mua theo kiểu chụp giựt để khi xuất khẩu sẽ sinh lợi cao hẳn sẽ chọn hàng giá rẻ hơn là quan tâm về độ bền, độ tinh xảo của sản phẩm. Chủ cơ sở mỹ nghệ Thanh Liêm thật sự lo ngại thị trường của ngành hàng này trong vài năm nữa, nếu để tình trạng như thế kéo dài. Như vậy, cách duy nhất để thu hút và “giữ chân” khách hàng lâu dài của cơ sở là cùng chấp nhận bán với giá rẻ để tiêu thụ được hàng hóa, nhưng cũng vừa cố gắng đảm bảo chất lượng hàng hóa để xây dựng uy tín và sáng tạo nhiều mẫu mới mang tính độc quyền của cơ sở để hấp dẫn người mua.
Về khách quan, việc khai thác các thứ phẩm từ dừa chưa theo quy hoạch nên cùng lúc không thể cung cấp đủ nguyên liệu sản xuất ra số lượng sản phẩm cho các hợp đồng lớn. Tuy nhiên, về tương lai, nguyên liệu sẽ không thiếu mà quan trọng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần ý thức đứng vững trên đôi chân của chính mình. Người lao động cần thay đổi tác phong lao động. Việc sản xuất hàng mỹ nghệ từ dừa không chỉ có niềm đam mê, mà cần đầu tư thích đáng để nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp ngành nghề này ngày càng vươn xa hơn.  

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích