 |
Nghề đan ghế bằng dây nhựa tạo việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương. |
Những năm qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) đã không ngừng phấn đấu, đoàn kết, tập trung đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua và 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội đạt nhiều kết quả tích cực. Hội LHPN xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú là một trong những điển hình.
Hội LHPN xã An Nhơn có hơn 930 hội viên. Năm 2016, Hội
phát động toàn thể hội viên phụ nữ tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, Hội
duy trì 10 mô hình “5 không, 3 sạch” như gia đình cùng tiến, nói không với túi
ni-lon, đường ngõ sạch, đẹp… đồng thời, thành lập mới 6 mô hình như tuyến đường
hoa, nhà nhà treo ảnh Bác, hố xí hợp vệ sinh. Tiếp tục thực hiện mô hình “Dân vận
khéo” và thi đua “Đồng khởi mới”, Hội đã đăng ký thực hiện 2 mô hình là “Công
tác từ thiện trong hội viên phụ nữ và tín đồ tôn giáo” cấp tỉnh và “Dự trữ nước
ngọt, nước mưa phục vụ nhu cầu sinh hoạt” cấp huyện, được cấp trên kiểm tra
công nhận.
Hội luôn quan tâm công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ phát
triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững. Theo đó, bằng nhiều hình thức như
hỗ trợ vốn vay, vốn tương trợ, hụi xoay vòng hay cây, con giống, tư vấn, giới
thiệu việc làm, đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao kỹ thuật… năm qua, có hơn 90
chị được Hội giúp đỡ, riêng 66 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được hỗ trợ 100%. Hội
đã vận động 12 chị có kinh tế khá giúp 12 chị có hoàn cảnh khó khăn phát triển
kinh tế; duy trì và phát triển các phong trào nuôi heo đất, hũ gạo tình thương,
tổ tương trợ với gần 250 thành viên tham gia, số tiền hơn 190 triệu đồng; phát
triển mới 3 tổ nghề nghiệp, nâng tổng số lên 8 tổ, gần 170 thành viên với các
ngành nghề như đan đát, tách hạt điều, kết cườm… góp phần giải quyết việc làm
cho lao động nữ ở địa phương. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Trung tâm Giáo dục
nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở lớp dạy nghề đan dây nhựa trên
khung sắt, may công nghiệp cho hơn 60 chị. Qua các hoạt động, đã có 24 hộ thoát
nghèo, trong số này có 10 chị làm chủ hộ.
Chị Bùi Thị Lường (sinh năm 1985, ấp An Bình) vừa mới
thoát nghèo cuối năm 2016 cho biết, trước đây khi lập gia đình ra ở riêng, do
hoàn cảnh khó khăn, hai con còn nhỏ, bản thân lại không biết làm ăn nên hai vợ
chồng luôn sống trong cảnh nghèo túng, ai thuê gì làm nấy. Tuy nhiên, từ khi
tham gia công tác hội, chị được Hội bảo lãnh vay 50 triệu đồng đào ao nuôi tôm
(trên diện tích 2.000m2 của cha mẹ cho), rồi mua thêm bò về nuôi. Do biết áp dụng
kỹ thuật vào sản xuất nên năm qua, gia đình chị liên tiếp trúng hai vụ tôm, giải
quyết được phân nửa số nợ ngân hàng, phần còn lại để tái đầu tư. Ngoài việc
hàng ngày là cắt cỏ nuôi 2 con bò, chị còn tranh thủ thời gian nhàn rỗi lãnh
thêm dây nhựa về đan trên khung sắt để tăng thu nhập gia đình. Anh thì khi hết
vụ tôm, tranh thủ đi làm thuê, thu nhập gia đình vì vậy cũng tạm ổn, mỗi tháng
khoảng 5 - 6 triệu đồng.
Bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất cho phụ nữ, Hội
cũng đã phối hợp với các ngành liên quan duy trì và nâng cao chất lượng các mô
hình, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, phòng chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy.
Phối hợp với Phòng Tư pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục
pháp luật cho chị em, hỗ trợ thực hiện tiêu chí gia đình không có thành viên vi
phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Mặt khác, luôn chú trọng đến công tác xây dựng
và phát triển tổ chức Hội vững mạnh. Trong năm 2016, đã phát triển 25 hội viên
mới, nâng tổng số lên hơn 930 người, đạt trên 78,4% phụ nữ 18 tuổi trở lên có
điều kiện vào Hội. Tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên đạt 71%. Với
những nỗ lực, phấn đấu, trong lãnh đạo thực hiện tốt các chỉ tiêu trên giao,
năm 2016, Hội LHPN xã An Nhơn được Hội cấp trên và Đảng ủy xã công nhận là đơn
vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bà Phạm Thị Yến Ly - Chủ tịch Hội LHPN xã An Nhơn cho biết,
thời gian tới, ngoài việc xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, thì Ban Thường
vụ Hội LHPN xã cũng đặc biệt quan tâm việc giúp chị em phát triển kinh tế, nhất
là phụ nữ nghèo. Trong đó, sẽ bảo lãnh cho hơn 10 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ
vay vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; vốn vay từ ngân hàng
chính sách để phát triển kinh tế. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các phong trào
thi đua, mô hình sản xuất hiệu quả, các lớp nghề để phụ nữ áp dụng, học tập. Vận
động chị em thực hiện có hiệu quả 8 tiêu chí của cuộc vận động xây dựng gia
đình “5 không, 3 sạch” gắn với tiêu chí về môi trường, góp phần cùng với địa
phương xây dựng thành công xã nông thôn mới vào cuối năm nay.