Qui hoạch, phân cấp lại mạng lưới giao thông thủy nội địa

20/08/2013 - 15:58

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT), thời gian qua, mặc dù Bến Tre đã có nhiều cố gắng trong việc qui hoạch, đầu tư, phân cấp lại mạng lưới giao thông đường thủy, nhưng công tác quản lý nhà nước còn chồng chéo, tình trạng lấn chiếm hành lang chưa kịp thời ngăn chặn. Để khắc phục tình trạng trên, ngành giao thông đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành đầu tư, qui hoạch, phân cấp lại mạng lưới từ tỉnh đến cơ sở.

Tỉnh đã ban hành qui hoạch phát triển giao thông vận tải thủy năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Trong đó, xây dựng gần 20 dự án kè, bến cảng, một số công trình khác trên địa bàn thành phố Bến Tre, Ba Tri, Châu Thành, Bình Đại, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách, Mỏ Cày Nam. Công tác quản lý, khai thác bến khách ngang sông, bến thủy nội địa cũng được phân cấp quản lý chặt chẽ. Sở GTVT cấp giấy phép hoạt động đối với các bến khách ngang sông trên các sông, kênh do Trung ương, tỉnh quản lý, kể cả các bến có chở ô-tô, bến nằm trên sông. Các huyện, thành phố cấp phép hoạt động các bến khách ngang sông, kênh do huyện, thành phố quản lý, các phương tiện đăng ký, không đăng kiểm, phương tiện đò chèo nằm trên sông của Trung ương và tỉnh thuộc địa giới hành chính huyện, thành phố. Hiện nay, toàn tỉnh có 147 bến đò ngang, trong đó Sở GTVT quản lý 92 bến đò ngang, huyện quản lý 55 bến. Riêng cảng, bến thủy toàn tỉnh cũng đã có 94 bến, trong đó có 2 cảng thủy nội địa, bến đang đầu tư, 13 bến mới đang phát sinh. Đặc biệt, Bến Tre có địa bàn khá phức tạp do sông rạch chằng chịt nên có rất nhiều luồng, tuyến cần được phân cấp quản lý. Tuyến sông Trung ương do Đoạn Quản lý Đường thủy nội địa số 11 quản lý với 6 tuyến, dài 208km; các tuyến sông địa phương được giao cho Đoạn Quản lý giao thông thủy bộ quản lý 21 tuyến, dài 235km. Các tuyến còn lại do UBND các huyện, thành phố quản lý, dài khoảng 4.000km. Việc tổ chức quản lý, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, kịp thời nên thời gian qua cơ bản đã hạn chế được tình trạng phát sinh lấn chiếm luồng chạy tàu, thuyền. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ luồng kéo dài, phức tạp, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Đã thực hiện thường xuyên công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống báo hiệu, phát quang cây xanh nhằm phát huy tốt hệ thống báo hiệu, thông báo kịp thời đến chất lượng quản lý và bảo trì đường thủy nội địa, hệ thống biển báo. Cùng với đầu tư, qui hoạch lại mạng lưới giao thông thủy, Sở GTVT cũng đã tổ chức việc đăng ký, đăng kiểm 7.790 phương tiện, hiện còn khoảng 1.500 phương tiện chưa đăng ký. Đã cấp bằng thuyền trưởng hạng ba cho 1.529 người, chứng chỉ chuyên môn 3.534 người.

Qua thời gian tổ chức triển khai qui hoạch, phân cấp quản lý, tình hình hoạt động giao thông thủy nội địa có sự chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông thủy giảm đáng kể, việc xây cất lấn chiếm, đăng ký, đăng kiểm đã được người dân ý thức hơn. Nhiều cấp, ngành và địa phương có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời hơn, nhất là đối với các công trình xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng trên sông lớn, kênh rạch giao thông thủy. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng đường thủy nội địa chủ yếu là ngân sách Nhà nước nên chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu phục vụ giao thông thủy, cần tăng cường đầu tư, bổ sung nhiều nguồn khác.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN