
Thủ tướng Boris Johnson phát biểu tại Hạ viện Anh khi Quốc hội thảo luận về Brexit. Ảnh: Reuters
Với tỷ lệ 322 phiếu thuận và 306 phiếu chống, các Nghị sĩ đã thông qua đề xuất do cựu nghị sĩ Đảng Bảo thủ Oliver Letwin soạn thảo. Đồng thời, không ủng hộ thỏa thuận Brexit mới của Thủ tướng Boris Johnson cho đến khi chính thức thông qua một dự luật, bước đi sẽ buộc ông Johnson phải đề nghị Liên minh châu Âu (EU) lùi thời hạn Brexit.
Điều này có nghĩa là Quốc hội Anh sẽ không bỏ phiếu trong ngày 19-10-2019 về việc liệu có ủng hộ thỏa thuận của Thủ tướng Johnson hay không, đồng thời sẽ buộc thủ tướng phải lùi thời hạn bỏ phiếu và đề nghị EU kéo dài thời hạn Brexit tới 31-1-2020.
Về phần mình, Thủ tướng Johnson cho biết, ông sẽ không đàm phán về việc gia hạn đối với Brexit, sau khi các nhà lập pháp từ chối bỏ phiếu thỏa thuận Brexit của ông.
Sau khi Quốc hội Anh bỏ phiếu hoãn quyết định về thỏa thuận Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu - EU) mới đạt được giữa Thủ tướng Boris Johnson và các lãnh đạo EU, Ủy ban châu Âu (EC) đã hối thúc Chính phủ Anh nhanh chóng giải thích những bước đi tiếp theo về Brexit.
Trên mạng xã hội Twitter, người phát ngôn của EC Mina Andreeva cho biết EU "lưu ý" cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện về điều khoản theo đó thỏa thuận Brexit không được đưa ra bỏ phiếu trong ngày 19-10-2019. Bà kêu gọi Chính phủ Anh thông báo với EU về những biện pháp tiếp theo "càng sớm càng tốt".
Dự kiến ngày 21-10-2019, các nhà lập pháp Anh sẽ tranh luận và bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Johnson.
P. Nghi (th)