Một phiên họp của Quốc hội Hungary. Ảnh: Hungarytoday
Ngày 12-12-2018 các nghị sĩ phe đối lập Hungary đã có những phản ứng khác thường, gây ra cảnh hỗn loạn hiếm thấy tại nghị trường trong gần 30 năm qua sau khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua hai đạo luật gây tranh cãi.
Một trong hai đạo luật được thông qua là luật sửa đổi Bộ luật lao động hiện hành, cho phép giới chủ có thể yêu cầu người lao động làm thêm tới 450 giờ thay vì 250 giờ trong một năm như hiện nay.
Trong khi chính phủ cho rằng sự thay đổi trên nhằm phục vụ lợi ích của các lao động khi muốn làm thêm giờ một cách tự nguyện thì các nghiệp đoàn phản đối, bởi theo họ luật mới cho phép giới chủ trực tiếp đàm phán thời gian làm thêm với người lao động chứ không thông qua nghiệp đoàn như trước.
Khi quá trình bỏ phiếu diễn ra, các nghị sĩ phe đối lập đã đồng thanh hát quốc ca, thổi sáo la ó, giơ cao thẻ nghị sĩ để phản đối và sau đó rời khỏi nghị trường. Một số thậm chí ngăn cản chủ tọa phiên họp lên bục phát biểu và đặt nhiều câu chất vấn với Thủ tướng.
Các đảng đối lập đòi hủy bỏ kết quả bỏ phiếu, cho rằng nó không có hiệu lực pháp lý đồng thời mô tả việc bỏ phiếu là một vụ bê bối. Còn Đảng Fidesz cầm quyền lên án những hành động của các nghị sĩ đối lập mà họ mô tả là côn đồ và gây rối, đồng thời khẳng định sẽ có hành động đáp trả.
Đạo luật còn lại cũng gây không ít tranh cãi khi Hungary sẽ thành lập hệ thống tòa án hành chính mới và Bộ trưởng Tư pháp sẽ có nhiều quyền hạn hơn. Theo đó, các tòa hành chính sẽ do các thẩm phán độc lập điều hành, nhưng Bộ trưởng Tư pháp sẽ là người kiểm soát, có tiếng nói cuối cùng về việc bổ nhiệm, đề bạt và xác định mức lương của các thẩm phán.
Chính phủ nói rằng đạo luật trên cho phép các tòa xử lý các vụ hành chính một cách hiệu quả hơn, còn phe đối lập thì lo ngại động thái trên sẽ mở đường cho ngành hành pháp can dự nhiều hơn vào ngành tư pháp, đe dọa tới nguyên tắc pháp quyền của Hungary và của Liên minh châu Âu. Cả hai đạo luật trên vẫn cần phải có sự phê chuẩn của Tổng thống trước khi có hiệu lực.
Nguồn: VOV