Sửa Hiến pháp là một vấn đề hệ trọng, cần tổ chức việc nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện các chế định của Hiến pháp và chờ ĐH Đảng toàn quốc sửa đổi cương lĩnh. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu kết luận buổi sáng đầu tiên phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH), 11/10.
|
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu trao đổi với Chủ tịch Hội Luật gia VN và Viện trưởng VKSNDTC giờ giải lao phiên họp. Ảnh: VA |
Ông Uông Chu Lưu nói: "Việc sửa đổi Hiến pháp liên quan đến nhiều vấn đề của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, tổ chức bộ máy và các hoạt động cơ bản của Nhà nước. Cho nên phải tổ chức việc nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện các chế định của Hiến pháp, làm cơ sở cho việc thực hiện một số chủ trương, đường lối, chính sách đã đề ra trong nghị quyết của Đảng".
Phó Chủ tịch QH cho rằng, cần chờ ĐH Đảng toàn quốc để sửa đổi cương lĩnh, trên cơ sở đó, đặt vấn đề sửa đổi Hiến pháp thì sẽ đáp ứng được nhiều yêu cầu hơn. "Bây giờ nếu chúng ta sửa Hiến pháp, rồi sau khi Đảng sửa cương lĩnh, lại đặt vấn đề sửa Hiến pháp nữa thì rất phức tạp".
Như vậy, sau rất nhiều ý kiến đề nghị của UBTVQH, việc sửa đổi Hiến pháp không được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XII. Tuy nhiên, QH sẽ đề nghị Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, đánh giá, tổng kết việc thực hiện các chế định của Hiến pháp.
Không sửa Hiến pháp, không sửa đổi được cơ bản một số luật?
Chủ nhiệm UB Quốc phòng, an ninh QH Lê Quang Bình cũng đề nghị UBTVQH báo cáo Bộ Chính trị nghiên cứu sửa Hiến pháp, nếu đặt vấn đề tiếp tục sửa Luật tổ chức QH, Luật Tổ chức Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát và chính quyền địa phương.
"Nếu không sửa Hiến pháp thì nhiều vấn đề không sửa được cơ bản. Động vào quy định gì cũng đều vướng cả, hôm trước đặt vấn đề QH chỉ nên bầu chủ nhiệm, phó chủ nhiệm các ủy ban thôi, không cần phải bầu đến các thành viên vì rất hình thức, đến khi muốn thay một thành viên nào đó cũng khó, nhưng vướng Hiến pháp. Rồi vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm cũng thế".