Cần tạo mọi điều kiện để báo chí phát triển
|
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thu Trang (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh: Đăng Dương) |
Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) quy định: “Người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc, giám đốc; cấp phó của người đứng đầu là phó tổng giám đốc, phó giám đốc”. Thảo luận vấn đề này, đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi và Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Đoàn Hà Nội) đề nghị, cần quy định rõ chức danh người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng Giám đốc với đài truyền hình, phát thanh và thông tấn xã; Tổng biên tập với báo in, báo điện tử.
Về đối tượng được xét cấp thẻ nhà báo, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) có thêm quy định: Những người thực hiện nghiệp vụ về nội dung thông tin ở các đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và tương đương có thời gian công tác liên tục từ 03 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ và có tham gia đóng bảo hiểm xã hội (trừ những trường hợp khác theo quy định pháp luật); là cộng tác viên thường xuyên của đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 12 tác phẩm báo chí đã được phát sóng trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong 01 năm tính đến thời điểm xét cấp thẻ và được đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện, đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị cấp thẻ nhà báo.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Minh (Đoàn Thành phố Hồ CHí Minh), quy định như trên là không sát thực tế, dễ dẫn đến việc lợi dụng danh nghĩa nhà báo để vi phạm pháp luật. Ở cấp huyện, đa phần chỉ có đài phát thanh, không có đài truyền hình, mà trưởng đài phát thanh huyện không phải là người đứng đầu cơ quan báo chí nên cấp thẻ nhà báo cho những đối tượng này là chưa phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Văn Minh cũng không đồng tình với việc cấp thẻ nhà báo cho những người “có ít nhất 12 tác phẩm báo chí đã được phát sóng trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong 01 năm tính đến thời điểm xét cấp thẻ”, vì nếu làm thế sẽ... loạn các nhà báo.
Về cơ chế cung cấp thông tin, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) quy định: Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên, cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Chưa đồng tình với quy định nêu trên, đại biểu Đoàn Nguyễn Thu Trang (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích: Việc bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng đối với nghề báo và đạo đức nhà báo. Thực tế hiện nay, loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng. Nếu quy định như dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Luật chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Liên quan đến quy định về họp báo, một số đại biểu bày tỏ chưa đồng tình với quy định khi họp báo cơ quan, tổ chức, công dân phải thông báo trước 24 giờ, vì trong cuộc sống luôn có những sự kiện đột xuất, bất thường xảy ra như thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn, tai nạn…cần họp báo để kịp thời cung cấp thông tin cho công chúng.
Vấn đề ưu đãi về thuế đối với cơ quan báo chí, một số đại biểu Quốc hội đề nghị dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cần quy định cụ thể chính sách ưu đãi về thuế đối với cơ quan báo chí (không phân biệt loại hình). Theo đại biểu, hiện nay cơ quan báo chí nhận được sự ưu đãi về thuế còn quá ít.
Một số đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cần có thêm những chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm việc đăng tin sai sự thật, đưa tin giật ngân câu khách, quảng cáo sai sự thật...
Cơ quan nhà nước phải cung cấp thông tin chuẩn
|
Đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh: Đăng Dương) |
Thảo luận về dự thảo Luật Tiếp cận thông tin, đa số đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật nhằm cụ thể hóa và bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp về quyền tiếp cận thông tin của công dân, tương thích với Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà nước ta là thành viên.
Tuy nhiên, có đại biểu cũng chưa đồng tình với một số điều, khoản của dự thảo Luật Tiếp cận thông tin.
Dự thảo Luật quy định về đối tượng được thực hiện quyền tiếp cận thông tin là công dân; đồng thời, cũng quy định người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có quyền yêu cầu cung cấp thông tin liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ.
Bên cạnh nhiều đại biểu đồng tình với quy định trên, thì cùng có một số đại biểu đề nghị dự thảo Luật Tiếp cận thông tin nên quy định chung về việc tiếp cận thông tin của mọi chủ thể, không chỉ giới hạn đối với công dân.
Về trách nhiệm xử lý thông tin không chính xác, dự thảo Luật Tiếp cận thông tin quy định: Trong trường hợp phát hiện có nhiều cơ quan nhà nước cung cấp thông tin khác nhau về cùng một vấn đề thì cơ quan tạo ra thông tin có trách nhiệm khẳng định tính chính xác của thông tin do mình tạo ra. Trong trường hợp phát hiện thông tin không chính thức, không chính xác, không đầy đủ, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội thì cơ quan nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chủ động, kịp thời cung cấp thông tin do mình tạo ra.
Thảo luận vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Đoàn Hà Nội) đặt vấn đề: Nếu tôi cần thông tin về số liệu GDP, nhưng các cơ quan lại cung cấp số liệu vênh nhau, thì cơ quan nào xác thực đâu là thông tin chuẩn? Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường đề nghị cần xác định rõ trách nhiệm, việc xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đưa tin không chính xác và việc khắc phục hậu quả đã xảy ra.
Về chi phí tiếp cận thông tin, dự thảo Luật Tiếp cận thông tin quy định: Người yêu cầu cung cấp thông tin phải trả chi phí thực tế để in ấn, sao, chụp, gửi hồ sơ, tài liệu qua đường bưu điện, fax, trừ trường hợp chi phí thực tế để in ấn, sao chụp hồ sơ, tài liệu thấp hơn mức phải tính chi phí theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Đoàn Hà Nội) cho rằng, danh mục phí, lệ phí đã có trong Luật Phí và lệ phí, nên không cần thiết phải quy định trong dự thảo Luật Tiếp cận thông tin.
Đại biểu Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để thảo luận những vấn đề đang có ý kiến khác nhau như: Việc từ chối cung cấp thông tin theo yêu cầu; Trình tự, thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin; Trình tự, thủ tục, thời hạn cung cấp thông tin theo yêu cầu qua mạng điện tử, đường bưu điện, fax; Biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân v.v.../.