Khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền nước ta trên biển

09/05/2018 - 07:04

BDK - Nhận thức rõ tầm quan trọng và cục diện Biển Đông đối với sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn và nhất quán trong việc thể hiện ý thức biển đảo của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ.

Cán bộ, chiến sĩ Trạm KSBP Bình Thắng tuyên truyền cho ngư dân về Chỉ thị  số  01 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Biên Cương

Cán bộ, chiến sĩ Trạm KSBP Bình Thắng tuyên truyền cho ngư dân về Chỉ thị  số  01 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Biên Cương

Chính phủ ra tuyên bố ngày 12-11-1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; Tuyên bố của Chính phủ ngày 12-2-1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam và trong các văn bản này đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Trong các năm 1979, 1981 và 1988, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam công bố các sách trắng về chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các tài liệu này đã chứng minh rõ ràng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo về tất cả các khía cạnh: lịch sử, pháp lý và thực tiễn quốc tế.

Xuất phát từ nhu cầu quản lý hai quần đảo, ngày 9-12-1982, Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam ra Nghị định tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và tổ chức quần đảo Trường Sa thành huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 28-12-1982, trong Kỳ họp thứ IV Quốc hội khóa VII đã ra Nghị quyết tách huyện đảo Trường Sa ra khỏi tỉnh Đồng Nai và sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa). Nghị quyết ngày 6-11-1996 Kỳ họp thứ X Quốc hội khóa IX nước CHXHCN Việt Nam tách huyện Hoàng Sa khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, sáp nhập vào TP. Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Đến nay, ngoài hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nước ta còn có 10 huyện đảo ven bờ khác. 12 huyện đảo này là các đơn vị hành chính đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.

Tiếp sau Hiến pháp nước ta năm 1980, Hiến pháp năm 1992 sửa đổi (Điều 1) khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của nước ta trên biển. Nghị quyết của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa IX, Kỳ họp thứ V ngày 23-6-1994 phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982 đã nêu rõ: “Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các bất đồng liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ khí hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.

Năm 2003, Luật Biên giới quốc gia của Việt Nam cũng một lần nữa xác lập các đơn vị hành chính biển với 12 huyện đảo thuộc 28 tỉnh, thành phố có biển.

Ngày 12-6-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra văn bản yêu cầu hàng năm tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ ngày 1 đến 7-6) để tập trung tuyên truyền về biển, đảo và hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới (8-6).

Có thể nói, biển mãi mãi quan trọng và thiêng liêng với dân tộc Việt Nam. “Thông điệp dân tộc về biển đảo” đã được cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm chuyển tải trong mấy câu thơ: “Biển Đông vạn dặm giăng tay giữ/ Đất Việt trăm năm vững trị bình”. Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, ý thức và ý chí biển cả đã được hội tụ trong câu nói bất hủ của Bác Hồ: “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ!” khi Người về thăm làng cá Tuần Châu (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng) vào dịp cuối tháng 3, đầu tháng 4-1959.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn từng nói: “Viên ngọc quý của người khác ta không màng, nhưng một viên sỏi của ta bị lấy ta phải đòi lại bằng được”. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần khẳng định trên các diễn đàn quốc tế và khu vực về lập trường giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông, tuân thủ và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982… Những phát ngôn chính trị về biển, đảo như vậy thực sự là những mệnh lệnh hành động trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam.

Quốc Hùng (lược trích)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN