Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 23-8-2020:

Ấn Độ vượt mốc 3 triệu ca bệnh

23/08/2020 - 07:18

Theo trang mạng worldometer.info, tính đến 6 giờ sáng 23-8-2020 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận trên 23,3 triệu ca bệnh COVID-19, trong đó trên 807.000 ca tử vong. Riêng Ấn Độ đã vượt mốc 3 triệu ca bệnh sau khi ghi nhận số ca mắc trong ngày 22-8-2020 cao kỷ lục.

Trong vòng 24 giờ qua, đã có thêm trên 247.000 bệnh nhân COVID-19 và trên 5.000 người tử vong trên thế giới.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại công viên Sunset ở Brooklyn, New York, Mỹ ngày 13-8-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại công viên Sunset ở Brooklyn, New York, Mỹ ngày 13-8-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong đó, số ca mắc mới ở châu Mỹ cao nhất thế giới (trên 119.000 ca), với Nam Mỹ ghi nhận trên 68.000 ca, còn Bắc Mỹ ghi nhận trên 51.000 ca. 

Hai nước Mỹ và Brazil tiếp tục ghi nhận số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất châu lục. Số ca mắc mới ở hai nước này lần lượt là trên 41.000 và trên 45.000, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Mỹ lên trên 5,8 triệu người, trong khi ở Brazil là trên 3,5 triệu người. 

Số bệnh nhân nhiễm mới ở hai nước khác tại châu Mỹ là Argentina và Colombia tăng thêm trên 8.000 người tại mỗi nước.

Tại châu Á, Ấn Độ có 70.068 ca nhiễm trong 24 giờ qua. Đây là ngày đầu tiên số ca nhiễm hàng ngày ở nước này vượt mốc 70.000 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên trên 3 triệu ca, chỉ sau Mỹ và Brazil. Tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Ấn Độ đã lên tới 56.846 ca sau khi có thêm 918 ca tử vong.

Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ ngày 6-8-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ ngày 6-8-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Ấn Độ đang gây sức ép đối với chính phủ trong việc hạn chế các cuộc tụ tập đông người trong bối cảnh lễ hội thần Ganesh đầu voi của tín đồ Ấn Độ giáo kéo dài 11 ngày đã diễn ra trong tháng này tại phần lớn các vùng ở miền Tây nước này, nhất là ở thủ đô tài chính Mumbai. Lễ hội này thường thu hút một lượng rất lớn người dân tham gia. 

Tại Đông Nam Á, trong ngày 22-8-2020, ASEAN ghi nhận 7.053 ca mắc COVID-19 tại sáu quốc gia và 120 ca tử vong tại hai quốc gia. Số ca mắc ở cả Philippines và Indonesia chiếm gần 99% tổng số ca bệnh mới trong ngày 22-8-2020 ở ASEAN. Hai quốc gia có ca tử vong trong ngày 22-8-2020 là Philippines (26 ca) và Indonesia (94 ca).

Philippines có số ca mắc COVID-19 cao nhất ASEAN. Ảnh: THX/TTXVN
Philippines có số ca mắc COVID-19 cao nhất ASEAN. Ảnh: THX/TTXVN

Nước có số ca mắc nhiều nhất trong 24 giờ qua vẫn là Philippines với 4.884 ca. Trong 5 ngày qua, Philippines liên tục ghi nhận trên 4.000 ca mắc hàng ngày và có xu hướng tăng dần mỗi ngày. Tính tới hết 22-8-2020, tổng số ca mắc ở Philippines là 187.249 ca, trong đó 2.966 ca tử vong. Nước này có số ca mắc cao nhất Đông Nam Á và số ca tử vong cao thứ hai, sau Indonesia.

Trước đó, chính phủ Philippines đã nới lỏng phong tỏa ở trong và quanh thủ đô Manila khi Tổng thống Rodrigo Duterte cam kết làm mới cách tiếp cận trong phòng chống COVID-19. Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Duterte nói cần mở lại nền kinh tế với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó tồn tại, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ biện pháp an toàn phòng dịch.

Người dân đeo khẩu trang và tấm chắn khi mua sắm tại một khu chợ ở Manila, Philippines ngày 16-8-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang và tấm chắn khi mua sắm tại một khu chợ ở Manila, Philippines ngày 16-8-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Philippines đã rơi vào suy thoái lần đầu sau 29 năm khi GDP giảm kỷ lục trong quý hai năm nay do đại dịch COVID-19. Các biện pháp cách ly đã được áp đặt trở lại ở thủ đô và các tỉnh lân cận từ 4/8 đến 18/8 sau khi một nhóm bác sĩ và y tá cảnh báo hệ thống y tế có thể sụp đổ. Phát ngôn viên của ông Duterte nói rằng chính phủ dùng khoảng thời gian hai tuần này để làm mới và kích hoạt lại phản ứng chống dịch bệnh, cho phép hoạt động doanh nghiệp nối lại và cho nhiều người trở lại làm việc. Theo quy định nới lỏng, phần lớn doanh nghiệp, kể cả dịch vụ ăn uống, đã được mở cửa lại. 

Nhật Bản đã quyết định nới lỏng các hạn chế nhập cảnh có thể ngay trong tháng này đối với sinh viên nước ngoài. Trước đó, lệnh hạn chế này được áp đặt để hạn chế COVID-19.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: THX/TTXVN

Theo đó, những hạn chế đối với sinh viên nước ngoài trước hết sẽ được nới lỏng đối với những người được Chính phủ Nhật Bản bảo trợ và việc nới lỏng dự kiến sau đó sẽ được mở rộng cho sinh viên quốc tế tự túc. Tất cả người nước ngoài sẽ được yêu cầu thực hiện các xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase để chứng minh rằng họ không mắc COVID-19 khi nhập cảnh Nhật Bản. Các sinh viên cũng sẽ được yêu cầu tự cách ly trong 2 tuần để theo dõi sức khỏe.

Phần lớn sinh viên nước ngoài thường tới Nhật Bản vào mùa xuân và mùa thu khi năm học mới tại nước này bắt đầu. Tuy nhiên, nhiều người trong số này không thể nhập cảnh Nhật Bản trong mùa xuân này do tháng 4 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã mở rộng số nước nằm trong diện hạn chế nhập cảnh trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. 

Hàn Quốc sẽ thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn trên toàn quốc từ ngày 23-8-2020, sau khi liên tiếp ghi nhận số ca mắc COVID-19 hằng ngày ở mức trên 300 người.

Nhân viên y tế chuẩn bị tiến hành xét nghiệm PCR cho người dân tại một trạm xét nghiệm ở thành phố Daejeon, Hàn Quốc ngày 20-8-2020. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Nhân viên y tế chuẩn bị tiến hành xét nghiệm PCR cho người dân tại một trạm xét nghiệm ở thành phố Daejeon, Hàn Quốc ngày 20-8-2020. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Cơ quan Quản lý và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 22-8-2020 cho biết nước này ghi nhận 332 ca mắc, trong đó 315 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số người mắc bệnh lên 17.002 ca. Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất tại Hàn Quốc kể từ ngày 8-3-2020 ghi nhận 367 ca mắc mới.

Trong số 315 ca lây nhiễm cộng đồng, thủ đô Seoul chiếm nhiều nhất với 127 trường hợp, tỉnh lân cận Gyeonggi ghi nhận 91 ca và thành phố Incheon ghi nhận 21 ca. Theo đó, 3 địa phương này chiếm 70% số ca mắc mới ghi nhận ngày 22-8-2020. Ngày 21-8-2020 Hàn Quốc cũng đã ghi nhận hơn 300 ca mắc mới.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên kể từ khi Hàn Quốc xác nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 20-1-2020, tất cả 17 tỉnh, thành lớn của Hàn Quốc đều đã có các trường hợp mắc bệnh.

Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc ngày 22-8-2020 cho biết không có ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Trung Quốc trong 24 giờ qua. Theo NHC, tất cả 22 ca nhiễm mới đều là các trường hợp nhập cảnh; không có thêm ca tử vong nào, trong khi có thêm 59 bệnh nhân được xuất viện. 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày 17-8-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày 17-8-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong số các ca nhập cảnh có 13 trường hợp ở Thượng Hải, các tỉnh Hà Bắc và Sơn Đông mỗi nơi ghi nhận 3 trường hợp, 2 ca ở Thiểm Tây và 1 ca ở Phúc Kiến. 

Tại châu Âu, Trung tâm ứng phó dịch COVID-19 của Nga ngày 22-8-2020 thông báo nước này trong 24 giờ qua ghi nhận 4.921 ca nhiễm và 121 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 951.897 ca và 16.310 ca tử vong. 

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Nga. Ảnh: Moskva News Agency/TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Nga. Ảnh: Moskva News Agency/TTXVN

Trong đó, thủ đô Moskva vẫn là khu vực chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với tổng số ca nhiễm lên tới 256.513 ca sau khi có 687 ca nhiễm mới. Đến nay, 767.477 bệnh nhân ở Nga đã được phục hồi sau khi có 6.147 bệnh nhân phục hồi trong 24 giờ qua. 

Đức ghi nhận có 829 ca nhiễm trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Đức lên 233.850 ca và tổng số ca tử vong do COVID-19 lên tới 9.331 ca sau khi có thêm 3 ca tử vong. 

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Frankfurt, Đức ngày 16-8-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Frankfurt, Đức ngày 16-8-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 tăng mạnh tại Đức mà theo giới chức nước này nguyên nhân là do một lượng lớn du khách về nước, trong đó có những người trở về từ những vùng có nguy cơ lây nhiễm cao. Chính phủ Đức đã kêu gọi người dân hành động một cách "có trách nhiệm" bằng cách tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch như thực hiện giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.

Bộ Y tế Italy ngày 22-8-2020 cho biết nước này đã ghi nhận 1.071 ca nhiễm COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 3 ca tử vong. Đây là lần đầu tiên kể từ hồi tháng 5, thời điểm Chính phủ nới lỏng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, số ca nhiễm mới trong ngày ở Italy lại vượt mức 1.000 ca.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Rome, Italy ngày 18-8-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Rome, Italy ngày 18-8-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong vòng một tháng qua, số ca nhiễm mới ở Italy đang có chiều hướng gia tăng trở lại. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do người dân, đặc biệt là giới trẻ, thường tập trung quá đông tại các bãi biển hoặc nhiều địa điểm vui chơi giải trí khác nhân kỳ nghỉ è. Tính đến nay, Italy đã ghi nhận tổng cộng 258.136 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 35.430 ca tử vong.

Ngày 22-8-2020, Bộ Giáo dục Italy đã ra thông báo chính thức về việc mở cửa trở lại đối với các trường học từ nhà trẻ tới trung học phổ thông. Theo đó, các trường học trên cả nước Italy sẽ mở cửa trở lại từ ngày 1-9-2020 và học sinh sẽ đi học từ ngày 14-9-2020.

Thông báo của Bộ Giáo dục Italy cũng cho biết bộ này đã thành lập một bộ phận trợ giúp nhằm hỗ trợ cho các trường trong việc khôi phục lại các hoạt động sau thời gian đóng cửa kéo dài từ tháng 3 và hướng dẫn các trường trong việc thực hiện các quy định phòng chống dịch bệnh trong trường học.  

TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN