Các nước Liên minh châu Âu vẫn bất đồng về nhân sự cấp cao

01/07/2019 - 10:17

Một thỏa thuận đạt được giữa một số nước chủ chốt của châu Âu, theo đó trao cho cựu Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmemans chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đã bị phá vỡ tại hội nghị thượng đỉnh tối 30-6-2019

Cựu Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmemans, ứng cử viên hàng đầu cho chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu. (Nguồn: EPA)

Cựu Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmemans, ứng cử viên hàng đầu cho chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu. (Nguồn: EPA)

Một thỏa thuận đạt được giữa một số nhà lãnh đạo chủ chốt của châu Âu, theo đó trao cho cựu Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmemans chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đã bị phá vỡ tại hội nghị thượng đỉnh bất thường vào tối 30-6-2019 sau khi các nhà lãnh đạo Đông Âu và Trung Âu từ chối kế hoạch này.

Theo phóng viên TTXVN tai Liên minh châu Âu (EU), ông Frans Timmermans thuộc đảng Xã hội của Hà Lan đã nổi lên như một ứng viên hàng đầu để thay thế ông Jean-Claude Juncker làm chủ tịch Ủy ban châu Âu sau khi các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Tây Ban Nha đồng ý ủng hộ ông.

Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải sự phản đối gay gắt bất ngờ từ Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia. Bế tắc này đã cho thấy một vấn đề rộng hơn về việc ra các quyết định đối với các chính phủ 28 nước EU. Các chính phủ đến từ các nhóm chính trị khác nhau và luôn bất đồng trong một loạt các cuộc khủng hoảng những năm gần đây từ vấn đề người di cư cho đến vấn đề kinh tế.

Hội nghị thượng đỉnh là nỗ lực thứ ba nhằm thống nhất danh sách ứng cử viên cho các vị trí hàng đầu của EU trong 5 năm tới, hoạch định chính sách cho 500 triệu người châu Âu. Các nhà lãnh đạo EU cũng có ý định chọn chủ tịch tiếp theo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nhưng quyết định đó dường như bị hoãn lại vì thiếu sự đồng thuận.

Các ứng cử viên cho 4 vị trí cao nhất gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Nghị viện châu Âu và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU vẫn đang bị "treo" hoặc bị chặn do những bất đồng giữa những người có quyền ra quyết định.

Nguồn: (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN