Cameroon: Tuyên bố thắng cử của ứng viên đối lập là vi phạm pháp luật

09/10/2018 - 13:42

Ứng cử viên phe đối lập Maurice Kamto. Nguồn: africanews.com
Ứng cử viên phe đối lập Maurice Kamto. Nguồn: africanews.com

Ngày 8-10-2018, Chính phủ Cameroon khẳng định việc ứng cử viên phe đối lập Maurice Kamto tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua khi kết quả chính thức chưa được công bố là "vi phạm pháp luật".

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Thông tin Cameroon Issa Tchiroma Bakary nêu rõ: "Chính phủ có trách nhiệm bảo vệ trật tự kỷ cương... ngay khi một ai đó có hành động trái với các phép tắc, người đó sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật." 

Trước đó cùng ngày, bất chấp những cảnh báo của chính phủ về việc không được đưa ra những kết quả không chính thức, ứng cử viên Kamto - lãnh đạo Phong trào Tái sinh Cameroon (MRC) đối lập, đã tuyên bố vượt qua đương kim Tổng thống Paul Biya - thủ lĩnh Phong trào Dân chủ Cameroon cầm quyền, để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra hôm 7-10-2018. 

Theo ông Kamto, việc ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử là vì nhận được sự ủng hộ rõ ràng của người dân.

Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, ông Kamto đã thành lập một liên minh với Mặt trận Phát triển nhân dân (FDP) nhưng vẫn bị đánh giá là không thể đe dọa quyền lực kéo dài 35 năm qua của Tổng thống đương nhiệm Biya. Đối thủ chính của ông Biya là lãnh đạo phe đối lập chủ chốt Mặt trận Dân chủ xã hội Joshua Osih đã không tham gia tranh cử vào phút cuối.

Theo quy định của luật pháp Cameroon, mỗi điểm bỏ phiếu phải nộp kết quả sau khi được Ủy ban bầu cử quốc gia xác nhận. Tòa án Hiến pháp sẽ chịu trách nhiệm công bố kết quả cuối cùng trong vòng 15 ngày tới.

Cameroon là quốc gia chủ yếu nói tiếng Pháp. Trong thời gian qua, quốc gia này rơi vào tình trạng bất ổn khi cộng đồng nói tiếng Anh tại hai tỉnh Vùng Tây Nam và Vùng Tây Bắc thúc đẩy những nỗ lực đòi độc lập. 

Xung đột giữa lực lượng chính phủ và các nhóm ủng hộ ly khai đã khiến hàng trăm người tại hai tỉnh này thiệt mạng, trong khi khoảng 246.000 người phải dời bỏ nhà cửa và 25.000 người sang lánh nạn ở quốc gia láng giềng Nigeria.

Nguồn: Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN