Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bác yêu cầu của Mỹ tái áp đặt trừng phạt Iran

26/08/2020 - 13:00

Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 25-8-2020, nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) trong tháng 8 là Indonesia đã bác yêu cầu của Mỹ tái áp đặt tất cả các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran.

Toàn cảnh phiên họp Hội đồng bảo an LHQ tại New York, Mỹ, ngày 28-7-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Toàn cảnh phiên họp Hội đồng bảo an LHQ tại New York, Mỹ, ngày 28-7-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trưởng phái đoàn thường trực của Indonesia tại LHQ, Đại sứ Dian Triansyah Djani nêu rõ Indonesia "không ở vị trí có thể hành động thêm nữa" vì không có sự đồng thuận trong HĐBA về vấn đề này. 

Đại sứ Dian Triansyah Djani đưa ra tuyên bố trên để hồi đáp ý kiến của Trung Quốc và Nga tại cuộc họp của HĐBA về Trung Đông. Hai nước này đề nghị nước Chủ tịch HĐBA công bố kết quả tập hợp quan điểm của tất cả 15 nước thành viên trong hội đồng về vấn đề trên. 

Tuần trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kích hoạt “quy trình đảo ngược” nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ, một bước đi bị cho là có thể phá hủy hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân ký năm giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức). Quy trình này cho phép bất kỳ nước nào trong nhóm P5+1 đề xuất tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran nếu Tehran không tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận. Sau khi nhận đề nghị chính thức của Mỹ, các nước thành viên còn lại trong HĐBA có 10 ngày để đưa ra quyết định có chấp thuận hay không.

Ngày 21-8-2020 vừa qua, 13 nước thành viên HĐBA đã đưa ra ý kiến phản đối, cho rằng bước đi của Mỹ là không phù hợp vì Washington muốn áp đặt cơ chế trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 trong khi Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này năm 2018. Cộng hòa Dominicana là nước duy nhất trong hội đồng ủng hộ động thái của Mỹ.

Tuyên bố trên của Indonesia đã được đa số các thành viên trong HĐBA LHQ hoan nghênh. Theo các nhà ngoại giao, Washington có thể đưa ra một dự thảo nghị quyết riêng, nguy cơ gây phức tạp hơn về vấn đề trên. Một Đại sứ cho biết trong trường hợp này các thành viên trong hội đồng phản đối có thể bỏ phiếu trắng đối với dự thảo.   

Trong khi đó, phái bộ Mỹ tại LHQ đã ra tuyên bố khẳng định Mỹ "có cơ sở pháp lý để kích hoạt khôi phục các biện pháp trừng phạt Iran" theo nghị quyết của HĐBA xác nhận về thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Giới quan sát cho rằng diễn biến trên đồng nghĩa HĐBA, ít nhất trong thời gian Indonesia giữ chức chủ tịch, sẽ không đáp ứng đề nghị của Mỹ. Nước tiếp quản chức chủ tịch HĐBA trong tháng 9 là Niger, và đại sứ nước này cũng đã gửi thư khẳng định động thái của Mỹ là bất hợp pháp. 

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN