G7 thảo luận biện pháp đảm bảo an ninh năng lượng bền vững

12/05/2015 - 07:29
Ảnh minh họa. (Nguồn: ieee-bv.org)

Ngày 11-5, Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) đã khai mạc tại thành phố Hamburg của Đức với chủ đề "An ninh năng lượng bền vững."

Trong hai ngày nhóm họp, các bộ trưởng năng lượng G7 và đại diện của Ủy ban châu Âu (EC) tập trung thảo luận về các cách thức nhằm đảm bảo an ninh năng lượng một cách lâu dài, bền vững.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và năng lượng Đức Sigmar Gabriel cho biết, ngoài thảo luận các biện pháp đảm bảo lâu dài an ninh năng lượng một cách bền vững, các bộ trưởng G7 cũng sẽ thảo luận về các nguồn nhiên liệu góp phần vào an ninh năng lượng bền vững.

Theo ông Gabriel, hội nghị cũng sẽ thảo luận về vấn đề sử dụng hiệu quả năng lượng, các công nghệ cải tiến như năng lượng gió ngoài khơi, đảm bảo hệ thống cung ứng điện chủ yếu với nguồn năng lượng tái tạo.

Tiếp theo tiến trình tại hội nghị Bộ trưởng Năng lượng G7 năm 2014, tại hội nghị năm nay, các bộ trưởng sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề an ninh năng lượng ở châu Âu, cụ thể là Kế hoạch 13 điểm nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, trong đó có đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải, nâng cao khả năng lưu trữ và xây dựng các cảng nhập khẩu khí hoá lỏng từ các nước vùng Vịnh. Ngoài ra, các bộ trưởng cũng thảo luận cách thức nhằm đảm bảo an ninh năng lượng bền vững thông qua đổi mới và cải tiến công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của các nước G7.

Nhân dịp này, các bộ trưởng G7 đã khánh thành Công viên gió ngoài khơi Nordsee Ost ở miền Bắc nước Đức, với 48 cột phong điện trên biển có thể sản xuất 295MW, đủ cung cấp điện sinh hoạt cho khoảng 320.000 hộ gia đình. Thông qua đó, Bộ trưởng Gabriel muốn thuyết phục các nước khác trong nhóm G7 đi theo mô hình chuyển đổi năng lượng của Đức.

Hội nghị G7 lần gần đây nhất diễn ra năm 2014 ở thành phố Roma của Italy trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine, do vậy hội nghị đã chuyển trọng tâm sang đảm bảo an ninh năng lượng cho châu Âu.

Theo số liệu của EC, các nước Liên minh châu Âu hiện nhập khẩu 30% lượng khí đốt và 35% lượng dầu thô từ Nga, trong đó riêng Đức nhập khoảng 1/4 nguồn năng lượng từ Nga./.

Theo Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN