Mỹ - Iran và 'trò chơi' mạo hiểm

06/11/2019 - 17:28

Cuộc đối đầu dai dẳng Mỹ - Iran có vẻ ngày càng quyết liệt với những bước leo thang liên tiếp.

Người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi (trái) báo cáo với Tổng thống Iran Hassan Rouhani (phải) tại một triển lãm nhân Ngày công nghệ hạt nhân ở Tehran. Ảnh: AFP/TTXVN

Người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi (trái) báo cáo với Tổng thống Iran Hassan Rouhani (phải) tại một triển lãm nhân Ngày công nghệ hạt nhân ở Tehran. Ảnh: AFP/TTXVN

Iran tuyên bố kể từ ngày 6-11-2019 sẽ làm giàu urani ở mức 5% tại cơ sở hạt nhân Fordow, đồng thời để ngỏ khả năng nâng mức làm giàu urani lên 20% nếu cần thiết, cũng như bơm khí urani vào 1.044 máy ly tâm tại nhà máy này.

Đây là bước đi thứ tư trong lộ trình cắt giảm cam kết hạt nhân mà Iran thực hiện từ tháng 5 vừa qua như một cách đáp trả mạnh mẽ việc Mỹ siết chặt trừng phạt Tehran, sau khi Washington vào tháng 5/2018 đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức). 

Bước đi cứng rắn của Iran tiếp tục cắt giảm cam kết hạt nhân được đưa ra ngay sau khi Mỹ công bố đợt trừng phạt mới chống Tehran, lần này là nhằm vào 9 người liên quan tới lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, người cũng chỉ 1 ngày trước tuyên bố Iran sẽ không đầu hàng trước sức ép từ Mỹ, đồng thời khẳng định cấm tổ chức các cuộc đàm phán với Mỹ cho tới khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Mỹ đang sử dụng công cụ trừng phạt, một biện pháp được “ưa thích” của Washington, như một phần trong chiến dịch “gây áp lực tối đa” đối với Iran, vốn đã khiến nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, có vẻ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa thể lường hết được tính chất nguy hiểm và "hai mặt" của các biện pháp trừng phạt. Iran, khi bị dồn vào chân tường, trong bối cảnh  các giao dịch thương mại của nước này với phần còn lại của thế giới bị giảm sút, doanh thu từ buôn bán dầu mỏ suy yếu, đã đáp trả theo cách “được ăn cả, ngã về không”. 

Động thái của Iran khiến cho số phận của JCPOA, vốn đã hết sức bấp bênh sau khi Mỹ rút khỏi, càng nguy cấp.

Trên thực tế, biện pháp của Iran không chỉ nhằm đáp trả Mỹ, mà đây còn là cách gây áp lực đối với các đồng minh của Washington ở châu Âu - bao gồm Pháp, Đức và Anh, cũng như Liên minh châu Âu (EU) - những bên muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân, buộc các đối tác này phải can thiệp để đảm bảo những lợi ích cho Iran. Tuy nhiên, biện pháp này của Iran được đánh giá là có phần mạo hiểm khi xét tới tính chất nhạy cảm của cơ sở hạt nhân Fordow.

Theo JCPOA, Iran đã nhất trí chuyển đổi mục đích của nhà máy Fordow thành một trung tâm chuyên sản xuất chất đồng vị ổn định, vốn được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và hóa dược. Iran cũng chỉ được phép sử dụng các máy ly tâm IR-1 thuộc thế hệ thứ nhất tại nhà máy Fordow và không bơm khí urani vào các máy ly tâm này. Do vậy, bước đi của Tehran có thể bị coi là hành động vi phạm JCPOA.

Tất cả các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân đều lo ngại trước những diễn biến mới liên quan tới vấn đề hạt nhân Iran, bởi việc hủy hoại JCPOA chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Một nhà ngoại giao cấp cao châu Âu bình luận rằng JCPOA đã trở thành một “mảnh đất vô chủ” và nguy cơ sụp đổ đang có vẻ rất gần. Phương Tây đang chờ đợi báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) để cân nhắc những động thái tiếp theo đối với vấn đề hạt nhân Iran, song Mỹ ngay lập tức tuyên bố Tehran sẽ tiếp tục bị trừng phạt, cô lập về kinh tế và chính trị, điều càng khiến căng thẳng giữa hai quốc gia đối địch khó có cơ hội tháo gỡ.

Khách quan mà nói, trước đó, bất chấp việc Mỹ rút khỏi JCPOA, Iran vẫn tiếp tục thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của nước này theo thỏa thuận hạt nhân. Trong 1 năm, Tehran cũng để cho các bên còn lại có thời gian cũng như điều kiện để thực hiện cam kết, đặc biệt là việc giúp Iran chống đỡ trước các lệnh trừng phạt kinh tế của Washington. Tuy nhiên, mọi việc dường như vẫn cứ “giậm chân tại chỗ” và không diễn ra như mong đợi của Tehran, vô hình trung đã đẩy nước Cộng hòa Hồi giáo tới bước buộc phải “vận dụng” các điều 26 và 36 của JCPOA để tiến hành cắt giảm cam kết của mình theo thỏa thuận.

Mặc dù vậy, Tổng thống Iran cũng khẳng định rằng tất cả các động thái mà Tehran thực hiện cho đến nay liên quan đến việc cắt giảm các cam kết theo JCPOA vẫn có thể được đảo ngược. Iran sẵn sàng khôi phục những cam kết của mình khi các bên tham gia JCPOA thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm của họ theo thỏa thuận đã ký. Tổng thống Rouhani còn bày tỏ rằng Iran sẵn sàng “khởi động lại” các cuộc đàm phán hạt nhân với các nước nhóm P5+1 nếu Mỹ quay trở lại tham gia JCPOA đồng thời bãi bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đối với Tehran

Xét về khía cạnh kinh tế, Iran đang phải hứng chịu những tổn thất nặng nề do Washington liên tiếp gia tăng các lệnh trừng phạt. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa đưa ra dự báo rằng nền kinh tế Iran sẽ giảm tới 9,5% trong năm 2019, so với ước tính trước đó là giảm 6%, và mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Iran sẽ gần bằng 0% vào năm tới.

IMF dự báo xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Iran sẽ giảm xuống còn 60,3 tỷ USD trong năm nay so với mức 103,2 tỷ USD của năm ngoái và sẽ tiếp tục giảm xuống còn 55,5 tỷ USD trong năm tiếp theo. Thể chế tài chính trên cũng cho biết Iran sẽ cần giá dầu thô ở mức 194,6 USD/thùng - một mức giá không tưởng, để cân bằng ngân sách vào năm tới. Có thể thấy nền kinh tế Iran đang bị "bóp nghẹt" do các biện pháp trừng phạt của Mỹ, và Tehran đang chấp nhận trò chơi "ăn miếng trả miếng" với Mỹ dù hiểu rằng nó quá rủi ro và mạo hiểm.

Tuy nhiên, động thái của Iran và phản ứng ngay sau đó của Mỹ đang đẩy tình hình khu vực Trung Đông càng thêm căng thẳng, trong khi nơi này vốn dĩ đang có nhiều diễn biến phức tạp, bất ổn luôn thường trực và cận kề. Dư luận lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang khi các nước trong khu vực sẽ phải tăng cường năng lực phòng thủ để đối phó với những thách thức an ninh mới một khi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới đổ vỡ. Ngoài ra, động thái của Iran cũng có thể khiến nước này ngày càng bị cô lập và có thể phá hỏng những nỗ lực cứu vãn JCPOA. 

Có thể thấy cả Iran và Mỹ đều đang lao vào một “trò chơi mạo hiểm” khiến cuộc đối chọi giữa hai bên có nguy cơ cao vượt tầm kiểm soát, đe dọa cả khu vực Trung Đông. Nếu các bên không kiềm chế các hành động của mình, không thể loại trừ khả năng Tehran và Washington có thể rơi vào thế đối đầu trực tiếp và khi ấy hậu quả sẽ khôn lường.

Về mặt lý thuyết, một giải pháp ngoại giao để giảm bớt những căng thẳng giữa Iran và Mỹ vẫn có thể khả thi, song sẽ phụ thuộc vào toan tính của tất cả các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân nói riêng cũng như các các nước liên quan trong khu vực.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích