Những hệ lụy khi đạo đức kinh doanh bị vấy bẩn

13/10/2008 - 15:14

Ngành công nghiệp sữa Trung Quốc sẽ phải mất nhiều thời gian mới có thể lấy lại lòng tin của khách hàng. (Ảnh: Sina)

Trong kinh doanh, khi lấy lợi nhuận là tiêu chí hàng đầu mà quên đi quyền lợi người tiêu dùng, bản thân chính doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu những hậu quả. Đầu tiên, đó là sự tẩy chay và mất lòng tin của người tiêu dùng...

Đánh mất lòng tin

Đằng sau những con số về scandal sữa bẩn đang diễn ra tại Trung Quốc như ít nhất bốn trẻ đã tử vong, hàng chục nghìn em bị ốm, hàng chục quốc gia trên thế giới thu hồi sản phẩm "made in China"... người ta thấy rõ rằng, công nghiệp sữa Trung Quốc sẽ phải mất nhiều thời gian và khó khăn để lấy lại lòng tin người tiêu dùng.

Khi vụ bê bối sữa nhiễm hóa chất melamine bị phát hiện ở Trung Quốc, ngay lập tức, hàng nghìn cha mẹ Trung Quốc tất bật, chen chúc đưa con tới bệnh viện xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe. Họ không thể tìm nổi lời giải đáp cho câu hỏi "có thể cho con dùng loại sữa an toàn nào?".

"Chúng tôi tin ai đây? Tôi không biết nữa? Một công ty lớn như vậy còn có vấn đề, thì tôi thực sự không biết ai còn đáng tin", một phụ nữ họ Dương 31 tuổi đang chờ ở phía ngoài văn phòng của hãng Tam Lộc, cho biết.

Tam Lộc là cái tên "tiêu điểm" trong vụ sữa bẩn. Công ty này từng luôn được coi là chuẩn mực và được miễn các cuộc kiểm tra an toàn thực phẩm của Chính phủ từ tháng 12/2005. Sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 7 tuổi của Tam Lộc được Tổng cục Kiểm định Chất lượng Quốc gia Trung Quốc (AQSIQ), xác nhận là "sản phẩm được miễn kiểm tra" trong 3 năm.

Điều này đồng nghĩa với việc "các sản phẩm sẽ được miễn trừ các cuộc kiểm tra chất lượng và thanh tra do Chính phủ tiến hành", website của AQSIQ giải thích. Hiện nay, có 47 công ty sữa ở Trung Quốc được miễn trừ kiểu trên.

Một phụ nữ họ Vương, có con trai một tuổi đã uống sữa Tam Lộc được hai tháng, thì tỏ ra không còn tin tưởng gì. "Bây giờ, tôi chẳng biết cho con uống loại nào, tất cả đều có vấn đề".

Một bà mẹ khác chờ bên ngoài phòng khám ở bệnh viện Nhi Bắc Kinh thì nói: “Tôi lập tức quyết định đem con đi kiểm tra sức khoẻ. Tôi không thể tin vào bất kể loại sữa bột nào ở Trung Quốc nữa. Tôi sẽ mua sữa nhập khẩu, dù có đắt hơn nhưng an toàn”. Nói như vậy nhưng người mẹ này vẫn oà khóc, cô đã cho con mình dùng sản phẩm của 1 trong số 22 công ty có sữa nhiễm hoá chất. “Tôi không bao giờ dùng lại loại sữa ấy nữa”, cô khẳng định.

Ông Kỷ Thế Doanh - Ủy viên Chính hiệp Bắc Kinh, Hội trưởng Hiệp hội các nhà thực nghiệm khoa học kỹ thuật dân doanh thành phố - nói, nền kinh tế thị trường Trung Quốc hiện nay đang tồn tại nguy cơ thất tín vô cùng nghiêm trọng. Chính môi trường mất tín nhiệm lẫn nhau như thế đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự quyền lợi người tiêu dùng và đầu tư của công ty.

Biểu hiện trực tiếp nhất, đó là trong cuộc sống thường nhật của mình, người dân Trung Quốc phải vô cùng thận trọng trong tất cả mọi lựa chọn. Khi mua đồ phải hết sức cảnh giác, liệu đồng tiền này có phải tiền giả hay không, rồi lại phải lo lắng chuyện cân điêu cân thiếu hay hàng nhái, hàng giả, hàng kém phẩm chất…

Không chỉ có Trung Quốc, Nhật Bản - với hình ảnh một quốc gia có những nhà máy nổi tiếng về hệ thống vệ sinh hoàn hảo, đảm bảo chuẩn an toàn cao độ cũng bị xói mòn vì những vụ bê bối an toàn thực phẩm.

Chính người dân Nhật Bản cũng đang hết sức lo ngại sau khi nhiều thông tin như "dán nhầm mác sản phẩm", dùng nguyên liệu quá hạn làm sản phẩm mới, thay đổi hạn sử dụng sản phẩm... liên tục được công bố trên báo chí hàng ngày.

"Tôi luôn cố gắng mua các sản phẩm sản xuất trong nước vì cho rằng nó an toàn, nhưng bây giờ thì tôi chẳng thể tin vào bất cứ ai’’, Toshie Kano, 72 tuổi, một người về hưu đi mua sắm ở siêu thị thuộc trung tâm Tokyo cho biết. "Các công ty không thể phớt lờ những sản phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày của chúng tôi. Thử hình dung điều gì sẽ xảy ra khi chúng tôi cho con cái mình ăn những loại thực phẩm kém chất lượng’’.

Theo các nhà phân tích, một cuộc chiến giá cả dai dẳng trong ngành công nghiệp thực phẩm ở Nhật nhằm tìm kiếm lợi nhuận tối đa, đặc biệt đối với các công ty quy mô nhỏ, đã khiến người tiêu dùng trở thành ’’nạn nhân’’.

Giới phân tích cũng e ngại rằng, những vụ bê bối sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh thực phẩm của Nhật Bản ở nước ngoài vào đúng thời điểm các công ty cố gắng mở rộng quy mô ở phạm vi quốc tế nhằm bù đắp tổn thất về lợi nhuận ở trong nước.

"Đây là cú đánh mạnh vào các công ty thực phẩm mong muốn bắt đầu hoạt động ở thị trường quốc tế hoặc tăng cường doanh thu ở nước ngoài’’, Hiroshi Saji, một nhà phân tích công nghiệp tại Mizuho Securities, cho biết.

Vào năm 2000, Công ty sữa Snow xuất xưởng sản phẩm sữa ’’tái chế’’ khiến hơn 14.000 người bị ngộ độc, đây là vụ ngộ độc thực phẩm tồi tệ nhất ở Nhật Bản từ trước tới nay. Sau vụ này, tất cả các siêu thị, trường học và gia đình Nhật từ chối sản phẩm của Snow. Nhà kinh doanh bán lẻ cũng “tẩy chay” sản phẩm Snow, 10% sữa phân phối trong các trường mẫu giáo, tiểu học cũng không còn chỗ đứng.

Hiroshi Saji, nhấn mạnh: "Những vụ việc này đã ảnh hưởng xấu tới thương hiệu Nhật Bản’’.

Nông dân khốn đốn

Những người nông dân đem đổ sữa nguyên liệu xuống đất tại một trạm thu mua sữa ở Vũ Hán, Trung Quốc. (Ảnh: AFP)

Người nông dân Trung Quốc, vốn điêu đứng vì chi phí đầu vào tăng vọt, nay lại thêm khốn khổ vì sữa bẩn.

Những người từng cung cấp sữa nguyên liệu sạch cho Tam Lộc sống ở một ngôi làng của Thạch Gia Trang. Bây giờ, không ai còn muốn nguồn sữa ấy nữa, kể cả miễn phí, không ai nói việc mua bán nữa. Và những gì làm đảo lộn cuộc sống của họ là bò sữa cần được vắt sữa hàng ngày nếu không sẽ bị chứng viêm vú, rất nhiều sữa nguyên liệu sạch bị đổ bỏ.

20 nông dân trong làng đã đem bò sữa đi bán, người khác cố giữ bò nhưng cũng trong cảnh giữa dòng. Một bên là sự gắn bó với những con bò họ nuôi từ khi chúng còn nhỏ, một bên là khoản chi phí lớn để chăn nuôi mà lại không hề có khoản thu về.

Kể từ khi có thông báo những trường hợp bệnh nhi tử vong vì sữa bẩn, người nông dân như anh Bằng, đã quyết định bán bò sữa và tìm việc ở một nhà máy địa phương. "Tôi đã thoát khỏi rắc rối, nhưng bây giờ, rất nhiều bạn bè tôi không thể kiếm nổi việc làm". anh nói.

Trước scandal, anh Bằng bán mọi sản phẩm của nông trại mình cho Tam Lộc. Khi Tam Lộc ngừng hoạt động, hàng trăm nông dân nhỏ từng cung cấp sữa cho công ty đã không thể bán nổi sữa và bò trong thời điểm hiện tại. Bằng và một số người bạn tìm tới internet để bán sữa nhưng chỉ tiêu thụ được rất ít. Anh không phải là người duy nhất rời xa thị trường sữa.

Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã quyết định chi 300 triệu Nhân dân tệ hỗ trợ cho nông dân nhỏ chăn nuôi bò sữa tồn tại, song rất nhiều người không còn muốn mạo hiểm nữa. Hai vợ chồng anh Ngưu bắt đầu chăn nuôi bò sữa từ 10 năm trước đây, công việc và thu nhập của họ tiến triển nhanh khi lợi nhuận của Tam Lộc tăng vọt bởi nhiều người trung lưu ở Trung Quốc quyết định sử dụng nhiều sản phẩm sữa.

Vài tuần nay, tài sản của hai vợ chồng "đội nón’’ ra đi dần theo bê bối sữa bẩn. Mặc dù nhận được trợ cấp của Chính phủ (10 Nhân dân tệ/con bò/ngày) nhưng họ vẫn quyết định bán bò sữa, chuyển hướng chăn nuôi lợn và bò lấy thịt.

Công nhân bất ổn

Tam Lộc - nhà máy sản xuất sữa lớn nhất của Hà Bắc, Trung Quốc có khoảng 10.000 nhân viên. Sau khi xảy ra vụ bê bối sữa bẩn, những người lao động trong nhà máy rất lo lắng về tương lai của mình. "Tôi không có ý kiến về những gì xảy ra", Thiên, nữ công nhân khoảng 30 tuổi nói. Cô đã làm việc ở Tam Lộc 12 năm và đây cũng là công việc đầu tiên của cô.

"Nếu công ty đóng cửa và tôi mất việc làm thì thế nào? Tôi không còn trẻ và cũng không dễ dàng tìm ra công việc mới. Tôi con cha mẹ và con nhỏ", cô nói. Thiên ở trụ sở Tam Lộc từ sáng tới tối, kể cả cuối tuần, để tham gia dán các thông báo, trả lời những câu hỏi từ khách hàng.

Cạnh trụ sở Tam Lộc là khu dân cư với rất nhiều công nhân đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu của tập đoàn.

Trần Tú Kiều, người nghỉ hưu khỏi Tam Lộc cách đây 7 năm, đã sinh sống tại đây nhiều năm cho biết. "Tôi làm cho Tam Lộc khoảng 30 năm nay, những năm qua, công ty phát triển tốt và lương hưu của tôi cũng tăng theo. Tôi không bao giờ chờ đợi chuyện này, làm sao có thể nghĩ một tập đoàn với lịch sử 50 năm lại gặp chuyện như vậy?".

Còn một công nhân trẻ thì nói thêm: "Tất cả chỉ có thể là chờ đợi, nếu là tình hình xấu, tôi mong sẽ có một giải pháp để công nhân nhanh chóng thích nghi và chuẩn bị".

Sau vụ bê bối sữa Snow (Nhật Bản), tập đoàn Snow đã phải cắt giảm số nhân viên từ 15.000 người năm 2000 xuống còn 4.591 người năm 2003.

Tổn thất kinh tế

Một siêu thị Đài Loan trống trơn các sản phẩm sữa xuất xứ từ Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Theo các nhà phân tích, vụ khủng hoảng sữa ở Trung Quốc gây tổn thất hàng tỉ USD và nước này phải mất nhiều năm để lấy lại lòng tin vào sản phẩm. Chưa có ước tính cụ thể và chính thức nào về con số tổn thất kinh tế với ngành công nghiệp sữa đại lục.

Doanh thu của các công ty có sản phẩm sữa nhiễm hóa chất giảm 60-70% trong tháng trước. Tiêu thụ sữa trong cả năm nay thấp hơn năm ngoái 20%. Khoảng 3 triệu công nhân, hầu hết làm việc trong các nhà máy sản xuất sữa quy mô nhỏ - chiếm 80% sản xuất sữa ở Trung Quốc - bị ảnh hưởng.

Ở những khu vực chăn nuôi, cung cấp sữa nguyên liệu chính ở Trung Quốc, người ta đã chứng kiến cảnh những "dòng sông trắng" chảy tràn trên mặt đất, bởi rất nhiều lít sữa đã phải đổ đi khi không tiêu thụ nổi.

Giá cổ phiếu của ba công ty sữa hàng đầu Trung Quốc gồm Mông Ngưu, Yili và Bright đều rơi tự do và hiện Chính phủ Trung Quốc chưa quyết định chính sách nào để hỗ trợ cho họ.

Scandal sữa bẩn đã khiến hàng chục nước trên thế giới tuyên bố ngừng tiêu thụ hoặc cấm bán các sản phẩm sữa hoặc có liên quan tới sữa xuất xứ từ Trung Quốc. Đặc biệt vào ngày 26/9, Liên minh châu Âu (EU) - một thị trường nhập khẩu rất lớn của Trung Quốc - đã quyết định quay lưng với hàng Trung Quốc, kể cả bánh kẹo và thực phẩm.

Theo thông báo của cơ quan y tế EU thì không những cấm nhập các sản phẩm sữa từ Trung Quốc mà còn loại trừ luôn các sản phẩm dùng cho trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc, kể cả bánh kẹo. Không những thế, EU còn tỏ ý sẽ hạn chế nhập hàng hoá thực phẩm từ Trung Quốc, bất cứ là sản phẩm dành cho trẻ em hay người lớn.

Thậm chí, ngay cả ở thị trường dễ tính như các nước châu Phi cũng đã có lệnh cấm nhập các sản phẩm sữa từ Trung Quốc. Cụ thể, các nước châu Phi là Burundi, Gabon và Tanzania đã quyết định ngưng nhập tất cả mọi sản phẩm sữa có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc do lo ngại các sản phẩm này mang lại nhiều nguy cơ cho sức khoẻ trẻ em.

Trở lại bê bối sữa và vụ "dán nhầm xuất xứ" sản phẩm của Công ty Thực phẩm Snow thuộc Tập đoàn sữa Snow. Tập đoàn này đã lỗ gần 71,4 tỷ yên (tương đương 541 triệu USD) trong năm tài khóa 2001. Bản thân Công ty Thực phẩm Snow thì tuyên bố phá sản vào ngày 30/4/2002 sau khi thiệt hại trên 25 tỷ yên và hoàn toàn bị đẩy ra khỏi thị trường cung cấp thịt bò tại Nhật Bản. Giá cổ phiếu của Tập đoàn Snow đã tụt dốc nghiêm trọng trên thị trường chứng khoán Tokyo - Osaka.

Cuối cùng, xin trích ra đây đoạn viết trong cuốn "Nguy cơ lớn” (xuất bản đầu năm 2007) của tác giả Thả Đông, Trung Quốc. Trong tác phẩm này, ông đã nhìn thẳng vào một trong những nguy cơ lớn đang tồn tại và ảnh hưởng tới nền kinh tế thị trường Trung Quốc: Một môi trường mà ở đó con người và các doanh nghiệp mất lòng tin lẫn nhau.

Ông nói: "Niềm tin đã trở thành chứng minh thư thứ hai của cá nhân và công ty, nếu một cá nhân đánh mất chữ Tín trong điều kiện kinh tế thị trường thì sẽ không ai muốn hợp tác với anh ta nữa. Nếu một doanh nghiệp mất đi sự thành tín, nó cũng không thể tiếp tục có chỗ đứng trên thị trường". 

Kỳ Thư (Tổng hợp - nguồn VNN)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN