COVID-19 đến 6h sáng 6-12-2020:

Nước Mỹ gần 15 triệu ca bênh; Nga tiêm chủng hàng loạt

06/12/2020 - 06:27

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 593.477 ca mắc COVID-19 và 9.796 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh lên trên 66,8 triệu, trong đó có trên 1.533.000 bệnh nhân không qua khỏi.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở Houston, bang Texas (Mỹ) ngày 4-12-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở Houston, bang Texas (Mỹ) ngày 4-12-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 6-12-2020 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 66.807.251 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 1.533.442 ca tử vong.

Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 46.181.272 người, 19.092.537 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 105.929 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (194.993 ca), Brazil (42.226 ca) và Ấn Độ (28.431 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.174 ca), tiếp theo là Nga  (508 ca) và Ba Lan (502 ca).

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở Worcester, Massachusetts (Mỹ) ngày 4-12-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở Worcester, Massachusetts (Mỹ) ngày 4-12-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ cảnh báo chỉ vaccine là không đủ chấm dứt đại dịch

Các chuyên gia y tế Mỹ cảnh báo, vaccine COVID-19 đang mang đến "tia sáng cuối đường hầm", nhưng chỉ vaccine sẽ không đồng nghĩa với chấm dứt đại dịch. "Tôi muốn nói rằng vaccine không đồng nghĩa với 0 COVID. Vaccine và việc chủng ngừa sẽ bổ sung một công cụ mạnh mẽ, quan trọng cho bộ công cụ mà chúng ta có, Nhưng chỉ riêng chúng thì không hoàn thành được công việc", Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo. 

Nước Mỹ đang chứng kiến những ngày tồi tệ nhất của đại dịch, với kỷ lục ngày có ca nhiễm và tử vong cao nhất hôm 4-12-2020, theo dữ liệu của trường Đại học John Hopkins. Trong 24 giờ qua, nước Mỹ  ghi nhận thêm 174,127 ca nhiễm, nâng tổng số ca bệnh lên 14,948,718, trong đó gồm 287,611 ca tử vong.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 27-11-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 27-11-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tiểu bang California ngày 5-12-2020 báo cáo con số nhiễm mới kỷ lục là 25.068 trường hợp và 209 ca tử vong mới. Bang này hiện đã có 19.791 ca tử vong và tỉ lệ xét nghiệm dương tính là 7,6%. Tiểu bang  Pennsylvania cũng báo cáo kỷ lục tương tự với 12.884 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Tỉ lệ xét nghiệm dương tính tại bang này cũng đang ở mức kỷ lục 14,4% trong tuần từ 27-11 đến 3-12-2020. 

Tại khu vực Bắc Mỹ, Mexico đã ghi nhận 1.156.770 ca nhiễm và 108.863 ca tử vong. Tại Canada, trong số 406.839 ca nhiễm có 12.583 ca tử vong. Các nước Panama, CH Dominica, Costa Rica, Guatemala và Honduras đều ghi nhận trên 100.000 ca nhiễm. và từ 1.000 - 4.000 ca tử vong.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Belem, bang Para, Brazil ngày 3-12-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Belem, bang Para, Brazil ngày 3-12-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Nam Mỹ, Argentina và Colombia ghi nhận lần lượt 1.459.832 và 1.362.249 ca nhiễm, cùng 39.632 và 37.633 ca tử vong.  

Nga triển khai tiêm vaccine Sputnik V

Tại châu Âu, Nga và Pháp đều đã có hơn 2,2 triệu ca nhiễm, song hai nước có số ca tử vong cao nhất châu lục là Anh với hơn 60.000 ca, và Italy với 58.852 ca. Ngày 5-12-2020, Nga ghi nhận 28.782 ca nhiễm mới, trong đó có 7.993 ca tại riêng thủ đô Moskva, và thêm 508 ca tử vong mới.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại nhà ga tàu điện ngầm ở Moskva, Nga ngày 4-12-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại nhà ga tàu điện ngầm ở Moskva, Nga ngày 4-12-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Giới chức y tế thủ đô đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine Sputnik V cho người dân thông qua hệ thống 70 cơ sở y tế, đánh dấu đợt tiêm chủng đại trà đầu tiên của Nga để ngăn ngừa bệnh COVID-19. Đối tượng ưu tiên là các bác sĩ và nhân viên y tế, giáo viên và nhân viên làm công tác xã hội. Chính quyền thành phố Moskva đã thiết lập dây chuyền công nghệ và tổ chức tiêm chủng đồng bộ gồm kho bảo quản vaccine Sputnik V, tủ lạnh và phòng lạnh để vận chuyển vaccine. Tổng cộng, khoảng 10 tỷ ruble sẽ được phân bổ cho công tác tiêm phòng cho người dân thủ đô. Khoản chi tiêu này được đưa vào ngân sách thành phố năm 2021.

Ngày 5-12-2020, Nga ghi nhận 28.782 ca nhiễm mới, con số cao kỷ lục trong một ngày. Hiện tại, Nga có tổng cộng 2.431.731 ca bệnh, trong đó bao gồm 42.684 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này báo cáo thêm 508 ca tử vong. 

Đức kêu gọi chính quyền bang phối hợp hành động

Do các khoản hỗ trợ nền kinh tế đối phó với hậu quả của đại dịch COVID-19 ngày càng lớn, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hối thúc chính phủ liên bang và chính quyền các bang cũng như các thành phố phối hợp hành động. 

Truyền thông Đức dẫn lời Thủ tướng Merkel nêu rõ chính phủ, các bang và các thành phố phải hợp tác thật hiệu quả và trên tinh thần xây dựng để có thể đối phó với dịch bệnh và khắc phục các hậu quả. Thủ tướng Merkel dự báo về mặt tài chính và xã hội, thiệt hại sẽ là rất lớn nếu nhiều công ty sụp đổ và hàng triệu người rơi vào cảnh thất nghiệp. Do những năm qua, Đức duy trì được ngân sách ổn định nên chính phủ có kế hoạch tung một gói hỗ trợ lớn vào năm 2021. Ngoài việc hỗ trợ những người bị mất thu nhập hoặc thu nhập bị giảm do các lệnh phong tỏa có giới hạn, mục đích của các gói hỗ trợ là giữ cho nền kinh tế Đức ở vị trí tốt nhất, đảm bảo sớm tăng trưởng trở lại nếu đại dịch được kiểm soát. 

Nhân viên giao hàng đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Berlin, Đức ngày 26-11-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên giao hàng đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Berlin, Đức ngày 26-11-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Dự kiến ngày 9-12-2020 tới, Hạ viện Đức sẽ có cuộc thảo luận về ngân sách mới. Theo Cục Thống kê và Bộ Tài chính Liên bang Đức, đến tháng 10, chính phủ đã chi 334 tỷ euro và các bang là 376 tỷ euro, thâm hụt ngân sách của liên bang khoảng 89 tỷ euro và của các bang là 32 tỷ euro.

Tại châu Á, Iran đứng thứ hai khu vực với hơn 1 triệu ca nhiễm và hơn 50.000 ca tử vong. Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận 756.997 ca nhiễm trong khi các nước Indonesia và Iraq đều ghi nhận trên 560.000 ca nhiễm, còn các nước Bangladesh, Pakistan đều ghi nhận trên 410.000 ca.

Hàn Quốc đối mặt cuộc khủng hoảng dịch mùa Đông

Ngày 5-12-2020, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này có thêm 583 ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 559 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 36.915 ca. Số ca nhiễm mới theo ngày tại Hàn Quốc đã giảm xuống dưới 600 ca/ngày, sau khi ghi nhận mức tăng trong một ngày cao nhất trong 9 tháng qua vào ngày 4-12-2020 (với 629 ca). 

Nhân viên dọn vệ sinh nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại phòng thi của một trường trung học ở Seongnam, Hàn Quốc ngày 2-12-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên dọn vệ sinh nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại phòng thi của một trường trung học ở Seongnam, Hàn Quốc ngày 2-12-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo KDCA, trong vòng 24 giờ qua, Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 4 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 540 người. Trong bối cảnh lo ngại đất nước có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng dịch bệnh lớn hơn vào mùa Đông này, giới chức y tế Hàn Quốc cho biết sẽ theo dõi tốc độ lây nhiễm hiện nay và sẽ đưa ra quyết định vào ngày 6-12-2020 về việc có áp đặt các biện pháp phòng dịch bổ sung hay không sau khi đã tăng mức quy định giãn cách xã hội lên cấp độ 2 cách đây gần 2 tuần.

Cùng ngày, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết Trung Quốc đại lục có thêm 17 ca nhiễm mới trong ngày 4-12-2020, không thay đổi so với ngày trước đó, trong đó 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng, số còn lại là các ca nhập cảnh.

Tính đến hết ngày 4-12-2020, tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục là 86.601 ca, trong đó 4.634 ca tử vong. 

Philippines đe doạ phạt gậy người vi phạm giãn cách

Theo Reuters, cảnh sát Philippines cảnh báo sẽ phạt đánh gậy với những người vi phạm giao thức giãn cách xã hội, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh trong mùa lễ hội cuối năm. Giám đốc Cảnh sát quốc gia Cesar Binag, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19, thông báo rằng cảnh sát và binh sĩ sẽ tuần tiễu ở các khu vực công cộng tại thủ đô Manila, mang theo những cây gậy dài 1 mét để đo khoảng cách giữa mọi người. Tướng Binag cho biết cây gậy này cũng có thể "được dùng để chống lại những kẻ cứng đầu".

Các cuộc tuần tra đảm bảo giãn cách xã hội sẽ tập trung vào các khu vực có mật độ giao thông cao như các đầu mối giao thông và chợ.

Cảnh sát Philippines sẽ tuần tra tăng cường ở các khu vực chợ và giao lộ để đảm bảo giãn cách xã hội. Ảnh: Reuters
Cảnh sát Philippines sẽ tuần tra tăng cường ở các khu vực chợ và giao lộ để đảm bảo giãn cách xã hội. Ảnh: Reuters 

Theo dữ liệu của cảnh sát Philippines, các nhà chức trách đã bắt giữ, cảnh cáo và phạt khoảng 700.000 người kể từ tháng 3 vì vi phạm các biện pháp phòng dịch.

Tổng thống Rodrigo Duterte đã áp đặt một trong những lệnh cấm phòng dịch nghiêm ngặt nhất và kéo dài nhất thế giới từ giữa tháng 3/2020, khiến nền kinh tế bị đình trệ. Các hạn chế đã được gỡ bỏ một phần vào tháng 6 để cho phép nhiều doanh nghiệp mở cửa trở lại.

Tới ngày 5-12-2020, với 438.069 ca nhiễm và 8.526 ca tử vong, Philippines có số ca nhiễm COVID-19 và tử vong cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia. 

Malaysia dỡ phong toả ở hầu hết các bang

Tờ Straits Times dẫn thông báo từ một bộ trưởng nội các cho biết Malaysia sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại ở hầu hết các bang kể từ ngày 7-12-2020. Tuy nhiên, lệnh phong toả bộ phận, được gọi là Lệnh Kiểm soát đi lại có điều kiện (CMCO) sẽ được gia hạn tới ngày 20-12-2020 tại thủ đô Kuala Lumpur, bang Sabah và 6 trong số 9 quận của bang Selangor. CMCO cũng được duy trì ở một số khu vực thuộc bang Johor.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 6-11-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 6-11-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Bộ trưởng Yaako cho biết, "Malaysia thiệt hại 300 triệu ringgit  (98,6 triệu USD) mỗi ngày nếu như lệnh CMCO được gia hạn. Sẽ có thêm nhiều việc làm tiếp tục bị mất". Theo thống kê, khoảng 30.000 doanh nghiệp Malaysia đã đóng cửa kể từ khi áp đặt các lệnh kiểm soát đi lại vào tháng 3-2020. 

Ngày 5-12-2020, Malaysia ghi nhận thêm 1.123 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 71.359 trường hợp trong đó có 380 ca tử vong và 60.204 bệnh nhân đã bình phục.

Campuchia áp quy định phòng dịch mới với du khách nhập cảnh

Ngày 5-12-2020, Ủy ban Liên bộ phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Campuchia công bố áp dụng quy định mới về các biện pháp phòng dịch và cách ly áp dụng với tất cả các du khách nhập cảnh Campuchia, có hiệu lực từ ngày 12-12-2020. 

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế Phnom Penh, Campuchia, ngày 2-9-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế Phnom Penh, Campuchia, ngày 2-9-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Thông báo của Bộ Y tế Campuchia nêu rõ tất cả các du khách nhập cảnh nước này buộc phải cách ly 14 ngày và phải xét nghiệm ngay khi đến. Các du khách phải có giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế nước cư trú cấp và công nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khi đến Campuchia.

Đến hết ngày 5-12-2020, Campuchia xác nhận 345 ca nhiễm tại nước này với 305 người đã hồi phục và không có ca tử vong. Trước đó, trong ngày 4-12-2020, Bộ Y tế nước này thông báo có 10 ca nhiễm mới, trong đó có 4 ca nhập cảnh và 6 ca có liên quan tới “sự kiện cộng đồng ngày 28-11-2020”, sự cố lây nhiễm cộng đồng đầu tiên tại Campuchia.

Trong khi đó, lực lượng đặc nhiệm quốc gia chống COVID-19 của Indonesia cho biết Bộ Y tế nước này sẽ bổ sung thêm nhiều giường bệnh để điều trị cho các bệnh nhân trong trường hợp các ca lây nhiễm tăng 100%. Người phát ngôn lực lượng trên, ông Wiku Adisasmito cho biết nếu các ca lây nhiễm tăng 20-50%, các bệnh viện sẽ tiếp tục hoạt động như hiện nay. Tuy nhiên, nếu tăng 100%, Bộ Y tế sẽ chuyển các khoa điều trị ngoại trú thành các phòng tạm dành cho bệnh nhân COVID-19. Trong kịch bản này, các bệnh viện sẽ hợp tác với quân đội và Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia (BNPB) để dựng các lều chăm sóc dã chiến trong khuôn viên bệnh viện dành cho các bệnh nhân COVID-19.

Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại trường học ở thành phố Modiin, Israel, ngày 29-11-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại trường học ở thành phố Modiin, Israel, ngày 29-11-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Phi, với 805.804 ca nhiễm và 53.369 ca tử vong, Nam Phi là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng nhất. Tiếp đến là Maroc với 372.620 ca nhiễm. Tuy nhiên nước có số ca tử vong cao thứ hai châu lục lại là Ai Cập với 6.732 ca. Ai Cập cùng với Ethiopia và Tunisia đều đã ghi nhận trên 100.000 ca nhiễm.

TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN