Quốc hội Mỹ bỏ phiếu về dự luật NDAA bất chấp đe dọa phủ quyết của Tổng thống Trump

08/12/2020 - 14:00

Bất chấp lời đe dọa phủ quyết của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong ngày 8-12-2020, Hạ viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu về dự luật quốc phòng mới, dự luật đầu tiên trong ba văn kiện lớn mà Quốc hội đang xem xét giải quyết trong tháng này.

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Mỹ ở Washington, DC. Ảnh minh họa: UPI/Yonhap/TTXVN
Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Mỹ ở Washington, DC. Ảnh minh họa: UPI/Yonhap/TTXVN

Theo báo Washington Post, dự luật mang tên Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng hằng năm (NDAA) trị giá 740,5 tỷ USD nhằm giúp củng cố thế trận của Mỹ và các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cấp ngân sách cho việc mở rộng hạm đội tàu ngầm tấn công. Ngoài ra, dự luật cũng thiết lập một vị trí điều hành an ninh mạng mới nhằm điều phối các hoạt động liên quan đến an ninh trong chính phủ và lập kế hoạch giúp Bộ Quốc phòng Mỹ giảm sự phụ thuộc vào ngành sản xuất của Trung Quốc, từ các thiết bị vi điện tử đến khẩu trang y tế. 

Hạ nghị sĩ Mac Thornberry thuộc đảng Cộng hòa, người bảo trợ chính của dự luật NDAA, cho biết sự ủng hộ mạnh mẽ có thể giúp văn kiện này nhanh chóng được thông qua khi Quốc hội xem xét phê duyệt ngân sách liên bang và một gói cứu trợ mới nhằm vực dậy nền kinh tế bị tàn phá do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Quan chức này cũng nhấn mạnh việc có càng nhiều nghị sĩ ủng hộ dự luật NDAA sẽ giúp văn kiện này vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống Trump.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Adam Smith, một nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ, tuyên bố nếu tổng thống phủ quyết NDAA, các nghị sĩ sẽ bỏ phiếu để đảo ngược quyết định này.

Ngày 1-12-2020 vừa qua, Tổng thống Trump cảnh báo sẽ phủ quyết dự luật NDAA nếu văn kiện này không bao gồm điều khoản loại bỏ Điều 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông được ban hành năm 1996 nhằm bảo vệ các công ty Internet. Tổng thống Trump và các nghị sĩ của đảng Cộng hòa đã nhiều lần kêu gọi hủy bỏ điều luật này “vì mục đích an ninh quốc gia”.

Tuy nhiên, ông Thornberry cho rằng việc thông qua dự luật quốc phòng mới không nên bị trì hoãn chỉ vì các tranh cãi chính trị không liên quan. Theo Hạ nghị sĩ này, Điều 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông cần được giải quyết nhưng trong một trường hợp khác và theo cách khác.

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN