Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 8-3-2021:

Thế giới có 2,6 triệu ca tử vong; Brazil đứng đầu về ca mắc và tử vong/ngày

08/03/2021 - 06:40

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 354.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.300 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 117,4 triệu ca, trong đó trên 2,6 triệu ca tử vong.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 5-3-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 5-3-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (80.024 ca), Mỹ (trên 35.100 ca) và Pháp (21.825 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (965 ca), Mexico (779 ca), Mỹ (662 ca).

Như vậy, trong 24 giờ qua, Brazil là quốc gia đứng đầu về số ca mắc và tử vong vì COVID-19. Tình hình dịch ở Brazil là lời cảnh báo cho toàn thế giới. Sau hơn một năm chống chọi với đại dịch, trong khi các nước khác đã dần kiểm soát được các đợt bùng phát thì Brazil vẫn chật vật. Xét về tổng số ca mắc từ đầu dịch, Brazil đang đứng thứ hai với 11 triệu ca, chỉ sau Mỹ và Ấn Độ.

Châu Á

Israel mở lại nhà hàng, quán bar cho những người có "hộ chiếu xanh"

Một nhà hàng chuẩn bị mở cửa trở lại tại Modiin, Israel, ngày 6-3-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Một nhà hàng chuẩn bị mở cửa trở lại tại Modiin, Israel, ngày 6-3-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 7-3, Israel đã mở cửa trở lại nhà hàng, quán bar và quán cafe cho những người có "hộ chiếu xanh"- hộ chiếu chứng nhận những người đã được tiêm phòng hoặc miễn dịch sau khi mắc COVID-19 trong nỗ lực đưa cuộc sống trở lại bình thường thời hậu dịch bệnh. 

Theo đó, các nhà hàng được phép nối lại phục vụ thực khách trong nhà hàng với 75% công suất hoạt động, với tối đa là 100 thực khách và các bàn ăn cách nhau 2 mét. Những người có "hộ chiếu xanh" cũng có thể uống ở quầy bar, song không được tán gẫu với người lạ ngồi cạnh. Hai người phải ngồi cách nhau một ghế trống ở giữa nếu không phải là thành viên cùng một gia đình. 

Trong khi đó, một số lượng lớn học sinh cũng sẽ bắt đầu trở lại trường học vào tuần tới. Hội trường tổ chức sự kiện ở khách sạn, các nơi thi đấu thể thao và những địa điểm tín ngưỡng đang mở cửa trở lại cho những người có hộ chiếu xanh, với công suất hoạt động hạn chế. 

Còn những công dân Israel bị mắc kẹt ở nước ngoài do sân bay đóng cửa trong nhiều tuần cũng sẽ được phép trở về nước với số lượng tăng trong tuần tới, bắt đầu với 1.000 người Israel được phép trở về trong ngày 7-3. 

Tháng 12-2020, Israel đã bắt đầu chương trình tiêm phòng COVID-19. Đến nay, hơn 3,7 triệu người trong tổng số gần 9 triệu dân của nước này đã được tiêm 2 mũi vaccine Pfizer/BioNTech và gần 5 triệu người đã được tiêm 1 mũi vaccine. Israel đã bắt đầu chương trình "hộ chiếu xanh" hồi tháng trước, theo đó, cho phép một số lượng người có "hộ chiếu xanh"  được phép tới các phòng tập thể dục, bể bơi hay các cơ sở khác.

Chuyên gia Hàn Quốc hối thúc người mắc bệnh nền đi tiêm chủng

Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Gwangju, Hàn Quốc, ngày 26-2-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Gwangju, Hàn Quốc, ngày 26-2-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm chủng COVID-19 ngày 26-2, tới nay, Hàn Quốc đã tiêm chủng cho tổng cộng 314.656 người, trong đó 17.131 người đã được tiêm trong ngày 6-3. Hàn Quốc sử dụng 2 loại vaccine gồm vaccine của AstraZeneca (309.387 liều) và vaccine của Pfizer ( 5.269 liều), với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới.

Các chuyên gia y tế Hàn Quốc đã lên tiếng cảnh báo về tâm lý do dự tiêm vaccine khi người dân lo ngại về các tác dụng phụ của vaccine. Sự lo ngại xuất phát từ thông tin về một số trường hợp tử vong được ghi nhận sau khi tiêm, các trường hợp này đều có bệnh nền như rối loạn tim, tiểu đường và các bệnh mạch máu não. Tuy nhiên, các chuyên gia Hàn Quốc về các bệnh mãn tính như tiểu đường, thấp khớp và bệnh hô hấp lưu ý những ca tử vong này không nên là lý do để mọi người từ chối hoặc trì hoãn việc tiêm chủng vì chưa chứng minh được mối liên quan giữa số ca tử vong và việc tiêm vaccine.

Hiệp hội Tiểu đường Hàn Quốc đã kêu gọi những người mắc bệnh này tham gia tích cực chương trình tiêm chủng phòng dịch COVID-19. Tuyên bố của Hiệp hội cho biết: "Các nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường dễ bị mắc COVID-19 hơn và có nhiều khả năng gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Tiêm vaccine là một cách hiệu quả để ngăn ngừa nhiễm bệnh". Trong khi đó, Học viện Lao và Bệnh đường hô hấp Hàn Quốc cho rằng hiệu quả của vaccine đã được chứng minh qua nhiều thử nghiệm lâm sàng và chỉ có những tác dụng phụ nhỏ hiếm khi được báo cáo". Học viện trên kêu gọi người dân không nên tin vào những thông tin sai lệch không khoa học, đồng thời khuyến cáo những bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp nên tiêm chủng theo đúng lịch tiêm chủng của Chính phủ Hàn Quốc. Bà Cho Eun-hee, quan chức KDCA phụ trách các vấn đề sau tiêm chủng, khẳng định: “Những người mắc các bệnh mãn tính cần được tiêm chủng vì họ dễ bị nhiễm virus hơn”.

Nhiều địa phương ở Campuchia đối mặt nguy cơ bùng phát dịch

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Thêm nhiều địa phương tại Campuchia đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 sau khi “Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20-2” ở thủ đô Phnom Penh chính thức lan ra 5 tỉnh Preah Sihanouk, Kandal, Svay Rieng, Kampong Thom và Prey Veng.

Bộ Y tế Campuchia ngày 7-3 cho biết tình hình lây nhiễm tại thành phố Sihanoukville (tỉnh Preah Sihanouk) được cho là nghiêm trọng nhất với 110 trường hợp lây nhiễm (15 ca mới phát hiện). Những ca lây nhiễm này đã gây ảnh hưởng lớn tới các hoạt động kinh tế-xã hội, đặc biệt là dịch vụ du lịch và sòng bạc của thành phố duyên hải vốn thu hút lượng đông đảo du khách nước ngoài. Từ đêm 3-3, chính quyền Sihanoukville chính thức ban bố lệnh phong tỏa, hạn chế ra vào thành phố này, ngoại trừ các phương tiện chuyên chở hàng hóa, cứu thương và những hoạt động liên quan đến an ninh trật tự. Hiện đã có thêm 35 địa điểm công cộng và cơ sở lưu trú tại Sihanoukville bị phong tỏa do liên quan đến các ca lây nhiễm COVID-19 cộng đồng.

Trước đó, tối 6-3, chính quyền tỉnh Kandal (giáp ranh thủ đô Phnom Penh) đã cách ly 723 người tại sòng bạc Yong Yuan (huyện Koh Thom) sau khi một người đàn ông Trung Quốc tại địa điểm này bị phát hiện nhiễm COVID-19.

Brunei bước vào giai đoạn bình thường mới

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bandar Seri Begawan, Brunei, ngày 17-3-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bandar Seri Begawan, Brunei, ngày 17-3-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 7-3, Bộ Y tế Brunei thông báo việc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội và thực hiện giai đoạn bình thường mới cho các hoạt động quan trọng của xã hội, bao gồm việc cho phép tụ tập đông người, kể từ ngày 8-3.

Theo thông báo, tình hình dịch COVID-19 tại Brunei đã được kiểm soát khi ca mắc COVID-19 trong cộng đồng gần nhất được phát hiện cách đây hơn 300 ngày. Dựa trên tình hình thực tế, Bộ Y tế Brunei thông báo các thay đổi trong việc dỡ bỏ những biện pháp giãn cách xã hội. Những thay đổi này áp dụng cho các hoạt động ở những địa điểm như thánh đường, nhà trường, bảo tàng, cơ sở thể thao, nhà hàng, rạp chiếu phim, hội trường và chợ. Các sự kiện tập trung đông người cũng được mở rộng từ 350 lên 1.000 người.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế Brunei cũng khuyến cáo người dân quét mã QR về sức khỏe tại tất cả các địa điểm và luôn có các biện pháp đề phòng như thường xuyên rửa tay và sử dụng khẩu trang ở chỗ đông người. Thông báo của Bộ Y tế Brunei khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi tình hình đại dịch COVID-19 ở nước này, trong khu vực và trên toàn cầu, cũng như đưa ra các đánh giá về nguy cơ để cân nhắc các biện pháp nới lỏng hơn trong thời gian tới. Thông báo nhấn mạnh: "Nếu tình hình dịch trở thành vấn đề gây quan ngại, Bộ Y tế Brunei sẽ không ngần ngại tái áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội cần thiết để kiểm soát tình hình".

Châu Âu

Đức: Berlin xét nghiệm miễn phí cho người dân

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 7-3 giới chức thành phố Berlin thông báo bắt đầu từ 8-3, người dân thủ đô có thể được xét nghiệm COVID-19 miễn phí tại các địa điểm đã được bố trí. Theo đó, tất cả người dân Berlin có thể được xét nghiệm nhanh 1 lần/1 tuần và nhận được xác nhận cho việc xét nghiệm.    

Tờ Berliner Zeitung dẫn lời Thượng nghị sĩ Y tế Berlin Dilek Kalayci cho biết chính quyền Berlin đang mở rộng chiến lược xét nghiệm của mình. Bà nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng các bệnh viện cơ sở chăm sóc, cơ sở giáo dục để xét nghiệm cho tất cả mọi người”. Về nguyên tắc, bất kỳ ai có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 đều phải cách ly ngay lập tức.

Theo kế hoạch, Berlin sẽ tổ chức 12 điểm xét nghiệm tại 12 quận, thời gian mở cửa từ 9h – 17h hàng ngày.

Phần Lan hoãn bầu cử địa phương do COVID-19

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Turku, Phần Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Turku, Phần Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Tư pháp Phần Lan Anna-Maja Henriksson tuyên bố nước này sẽ hoãn cuộc bầu cử hội đồng các địa phương, dự kiến diễn ra vào tháng tới, sang giữa tháng 6 do gia tăng số ca mắc COVID-19. Tình hình dịch bệnh hiện nay làm dấy lên lo ngại về việc cử tri đi bỏ phiếu thấp cũng như khả năng số ca lây nhiễm tăng cao sau ngày bầu cử.

Theo Bộ trưởng Anna-Maja Henriksson, cuộc bầu cử hội đồng địa phương đã được hoãn từ ngày 18-4 sang thành ngày 13-6. Bà Henriksson cảnh báo tính hợp pháp của cuộc bầu cử có thể bị suy yếu nếu quá nhiều người ở nhà thay vì đi bỏ phiếu.

Phần Lan có 309 hội đồng địa phương, với nhiệm vụ thu thuế người dân và quản lý các dịch vụ cơ bản như chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Hiện 9 trên 10 đảng trong Quốc hội Phần Lan ủng hộ việc hoãn bầu cử địa phương, trong khi duy nhất đảng True Finns, đảng cánh hữu với tư tưởng bài Liên minh châu Âu (EU), ủng hộ tổ chức bầu cử vào tháng tới theo đúng kế hoạch.

Phần Lan là một trong những quốc gia châu Âu ít chịu tác động từ đại dịch COVID-19, song giới chức nước này đang thận trọng trước sự gia tăng số ca nhiễm cũng như việc xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là ở thủ đô Helsinki và các khu vực xung quanh. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng 61.552 ca mắc COVID-19, trong đó có 767 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 648 ca mắc mới.

Ngày 1-3, Chính phủ Phần Lan đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 gia tăng. Theo đó, các nhà hàng, trường học phải đóng cửa, hoạt động đi lại giữa các vùng bị hạn chế. Tình trạng khẩn cấp cũng cho phép chính phủ nước này áp đặt các biện pháp khác để kiềm chế dịch bệnh lây lan.

Trợ lý Tổng thống Nga nhiễm virus SARS-CoV-2

Ông Maxim Oreshkin tham dự một hội nghị tại Saint Petersburg , Nga, ngày 7-6-2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Maxim Oreshkin tham dự một hội nghị tại Saint Petersburg , Nga, ngày 7-6-2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông báo của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, Trợ lý của Tổng thống Nga Vladimir Putin về lĩnh vực kinh tế Maxim Oreshkin được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Thủ tướng Nga không cho biết thêm chi tiết, nhưng nhấn mạnh rằng ông Oreshkin và các đồng nghiệp đã nỗ lực trong công việc và vẫn duy trì liên lạc với đoàn công tác.

Ông Oreshkin từng tháp tùng Thủ tướng Mikhail Mishutin trong chuyến thăm và làm việc tại các địa phương của vùng Siberia, LB Nga. Tuy nhiên, trong thông báo mới nhất, Điện Kremlin khẳng định gần đây Tổng thống Vladimir Putin không gặp ông Oreshkin và cuộc họp nội các tuần tới về các vấn đề kinh tế sẽ bị hoãn.

Đến thời điểm này đã có nhiều quan chức chính phủ và nghị sĩ quốc hội Nga nhiễm virus SAR-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp. Bản thân Thủ tướng Mikhai Mishutin từng nhiễm loại virus này và đã được chữa khỏi.

Châu Mỹ

Chuyên gia y tế hàng đầu Mỹ đánh giá tích cực về vaccine Sputnik-V

Vaccine ngừa bệnh COVID-19 Sputnik V của Nga . Ảnh: AFP/TTXVN

Vaccine ngừa bệnh COVID-19 Sputnik V của Nga . Ảnh: AFP/TTXVN

Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID), Tiến sĩ Anthony Fauci đánh giá dữ liệu từ vaccine ngừa bệnh COVID-19 của Nga Sputnik V “có vẻ khá tốt”.

Ông Fauci nói: “Dữ liệu mà tôi nhận thấy từ vaccine Sputnik V có vẻ khá tốt. Trong khi đó, tôi không có nhiều thông tin về vaccine của Trung Quốc bởi vì nước này có 2 hoặc 3 loại vaccine khác nhau, tôi không theo dõi sát hiệu quả tương đối của chúng”.                

Khi được hỏi về phản ứng phụ của các loại vaccine sử dụng tại Mỹ, do các hãng dược phẩm Pfizer và Moderna chế tạo, Tiến sĩ Fauci cho hay mức độ lo ngại của ông là “tối thiểu”. Theo ông Fauci, cả 2 loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA này đã chứng minh được sự hiệu quả từ 94 - 95% trong các cuộc thử nghiệm tại Mỹ, trong khi “khả năng gây phản ứng là tối thiểu”. Ông Fauci cũng lưu ý rằng các triệu chứng sau tiêm vaccine, chẳng hạn như ớn lạnh và mệt mỏi, sẽ biến mất trong vòng 24 giờ sau. 

Tổng thống Venezuela được tiêm liều vaccine Sputnik-V đầu tiên

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro được tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 Sputnik-V đầu tiên tại Caracas, ngày 6-3-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro được tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 Sputnik-V đầu tiên tại Caracas, ngày 6-3-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Đài truyền hình nhà nước Venezuela và tài khoản Twitter chính thức của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đưa tin ông và Đệ nhất phu nhân Cilia Flores đã được tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 Sputnik-V đầu tiên. 

Tổng thống Maduro nêu rõ "Giữ lời hứa với người dân... Tôi đã được tiêm chủng vaccine, liều đầu tiên và thấy ổn sau khi được tiêm".

Sputnik V hiện là vaccine ngừa COVID-19 được nhập khẩu nhiều thứ hai trên thế giới sau vaccine của hãng AstraZeneca, trong khi vaccine của các hãng Pfizer và Moderna lần lượt đứng thứ ba và thứ tư.

Châu Phi: Ethiopia tiếp nhận 2,2 triệu liều vaccine đầu tiên 

Ethiopia tiếp nhận 2,2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tại sân bay Addis Ababa, ngày 7-3-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ethiopia tiếp nhận 2,2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tại sân bay Addis Ababa, ngày 7-3-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ethiopia đã tiếp nhận lô đầu tiên gồm 2,2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh nước này sẽ tiến hành tiêm chủng trong những ngày tới. 

Lô vaccine AstraZeneca này do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất, được chuyển cho Ethiopia trong khuôn khổ Cơ chế cung cấp vaccine toàn cầu (COVAX) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu.

Trong một tuyên bố, WHO cho biết những lô vaccine tiếp theo sẽ tới nước này trong những tuần tới. Theo kế hoạch, Ethiopia sẽ tiêm ngừa COVID-19 cho nhóm đối tượng đầu tiên là đội ngũ nhân viên y tế của nước này. Ethiopia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 20% trong tổng số gần 110 triệu dân của nước này vào cuối năm nay. 

Cho đến nay, Ethiopia ghi nhận 166.138 ca mắc COVID-19, đứng thứ 5 ở 5 ở châu Phi và đứng đầu ở khu vực Đông Phi về số ca nhiễm. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, trong tháng qua, số ca nhiễm ở nước này đã tăng trung bình 12%/tuần và số ca tử vong tăng 37%/tuần.   

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN