COVID-19 tới 6h sáng 24-1-2021:

Thế giới gần 100 triệu ca bệnh, nghi vấn biến thể mới khiến ca tử vong tăng cao

24/01/2021 - 09:31

Số ca mắc bệnh trên toàn thế giới đang ngấp nghé ngưỡng 100 triệu ca, trong khi nghi vấn biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể liên quan đến ca tử vong tăng cao khiến nhiều chính phủ lo ngại.

Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 22-1-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 22-1-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, trong vòng 24 giờ tính đến 6h ngày 24-1-2021 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận 533.669 ca nhiễm mới và 12.930 ca tử vong do bệnh COVID-19.

Như vậy, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 99.256.293 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.127.837 ca tử vong.

Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 71.276.893 người, 25.292.237 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 111.654 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (147.158 ca), Brazil (61.121 ca) và Anh (33.552 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.890 ca), tiếp theo là Anh (1.348 ca) và Brazil (1.146 ca).

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế NYU Langone ở New York, Mỹ, ngày 8-1-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế NYU Langone ở New York, Mỹ, ngày 8-1-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 427.098 ca tử vong trong tổng số 25.540.378 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 153.376 ca tử vong trong số 10.655.435 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 216.445 ca tử vong trong số 8.816.254 bệnh nhân.

Mỹ: Bang California ghi nhận ca tử vong mới cao kỷ lục

Trong 24 giờ qua, California - bang đông dân nhất nước Mỹ, một lần nữa ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong 1 ngày tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay, 764 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại bang này hiện đã lên tới 35.768 người. Trước đó, California ghi nhận ngày có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất là vào 2 tuần trước. 

 Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế JFK ở New York, Mỹ, ngày 22-12-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
 Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế JFK ở New York, Mỹ, ngày 22-12-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cũng trong 24 giờ qua, bang này ghi nhận thêm 23.024 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại bang này lên 3.062.068 ca. California cũng là bang đầu tiên của Mỹ trong tuần qua có tổng số ca nhiễm vượt 3 triệu ca. 

Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden đã ký 2 sắc lệnh hành pháp để giải quyết những tổn thất kinh tế của đại dịch, bao gồm mở rộng phát tem thực phẩm và bắt đầu quy trình đề nghị nâng lương tối thiểu cho các viên chức liên bang lên 15 USD/giờ.

Sắc lệnh đầu tiên yêu cầu Bộ Nông nghiệp tăng 15% cho chương trình hỗ trợ thực phẩm nhằm cung cấp bổ sung dinh dưỡng cho các gia đình có trẻ em. Ngoài ra, sắc lệnh này cũng tăng thêm hỗ trợ khẩn cấp trong chương trình tem thực phẩm, có thể cho phép cung cấp cho các gia đình có 3 con thêm hơn 100 USD mỗi 2 tháng.

Châu Âu: Biến thể mới có thể liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn

Trong khi đó, nhiều nước trong đó có Panama, Bồ Đào Nha và Bulgaria đã công bố những trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên ở Nam Phi và Anh.

Nỗi lo về biến thể của SARS-CoV-2 tăng cao hơn khi Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 22-1-2021 thông báo, có bằng chứng cho thấy biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện vào cuối năm ngoái ở nước này có thể liên quan với tỷ lệ tử vong cao hơn. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Anh khẳng đinh tất cả những bằng chứng hiện tại cho thấy các loại vaccine ngừa COVID-19 vẫn có hiệu quả đối với thể cũ cũng như biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Anh đang phải hứng chịu làn sóng dịch COVID-19 thứ ba đồng thời là làn sóng tồi tệ nhất. Việc ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 tử vong hàng ngày cao kỷ lục trong thời gian gần đây đã đẩy tổng số ca chết vì đại dịch này ở Anh lên gần 100.000 người.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Manchester, Anh, ngày 7-1-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Manchester, Anh, ngày 7-1-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Các bộ trưởng Anh sẽ nhóm họp vào ngày 25-1-2021 và thảo luận về khả năng siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại, có thể yêu cầu người nhập cảnh phải cách ly tại khách sạn. Chính phủ Anh cũng đang cân nhắc bắt buộc người nhập cảnh phải cách ly 10 ngày tại một khách sạn và phải tự chi trả cho việc này.
Các quy định siết chặt tại biên giới được cho là sẽ "giáng thêm một đòn" vào ngành hàng không và lữ hành, vốn đã chịu những tác động lớn về tài chính trong gần một năm qua. 

Pháp đề xuất kéo dài thời gian giữa hai mũi tiêm vaccine

Cơ quan giám sát y tế cấp cao (HAS) của Pháp ngày 23-1-2021 đề xuất tăng gấp đôi thời gian nghỉ giữa hai mũi tiêm vaccine ngừa bệnh COVID-19, từ 3 tuần lên 6 tuần, nhằm tăng số người được tiêm phòng.

HAS nhận định trong khi không có thỏa thuận nào giữa các nước khác nhau về việc này, dường như việc giãn thời gian tiêm mũi thứ hai lên 6 tuần là hợp lý khi mũi đầu tiên đã giúp bảo vệ trước virus từ ngày thứ 12 hoặc 14 sau khi tiêm.

Đầu tháng này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết mọi người có thể tiêm hai liều vaccine của Pfizer/BioNTech trong 21 đến 28 ngày. Về phần mình, các nhà sản xuất Pfizer và BioNTech cảnh báo rằng chưa có bằng chứng nào cho thấy vaccine của họ sẽ tiếp tục bảo vệ được con người nếu liều thứ hai không được tiêm bổ sung sau 21 ngày.

Cảnh vắng vẻ tại thủ đô Brussels, Bỉ khi lệnh hạn chế và cấm người dân đi du lịch nước ngoài với lý do không thiết yếu được ban hành nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 22-1-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Cảnh vắng vẻ tại thủ đô Brussels, Bỉ khi lệnh hạn chế và cấm người dân đi du lịch nước ngoài với lý do không thiết yếu được ban hành nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 22-1-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Một số nước hiện đang cân nhắc cách thức tận dụng tối đa nguồn cung vaccine đang rất hạn chế để tiêm cho nhiều người nhất nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, bao gồm cả việc giảm số thuốc cho mỗi liều hoặc kéo dài thời gian tiêm liều thứ hai. Tại Anh, các nhà quản lý đã quy định các liều có thể được tiêm cách nhau 12 tuần.

Na Uy siết chặt lệnh phong tỏa tại thủ đô và 9 tỉnh phụ cận 

Chính phủ Na Uy ngày 23-1-2021 thông báo, từ chiều cùng ngày, chính quyền thủ đô Oslo và 9 tỉnh thành phụ cận sẽ áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt chưa từng có sau khi phát hiện ổ dịch nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh. Theo đó, các trung tâm thương mại và các cửa hàng bán hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa và không được mở cửa lại cho đến ngày 1-2-2021. Các cửa hàng bán thực phẩm, dược phẩm và xăng dầu tiếp tục được mở cửa. Mọi sự kiện thể thao sẽ phải tạm dừng, nhà hàng cũng phải đóng cửa, trong khi các trường học triển khai thêm chương trình dạy học từ xa, các gia đình được yêu cầu không mời khách tới nhà. 

Người dân đeo khẩu trang phòng COVID-19 tại Brussels, Bỉ ngày 22-1-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng COVID-19 tại Brussels, Bỉ ngày 22-1-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bulgaria nới lỏng quy định phòng dịch

Nhà chức trách Bulgaria ngày 23-1-2021 cho biết nước này sẽ nới lỏng một số biện pháp hạn chế từ ngày 4-2-2021 tới, dù các nhà hàng sẽ vẫn phải đóng cửa do còn nhiều lo ngại về biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Trước đó, Bulgaria đã áp đặt nhiều biện pháp hạn chế từ cuối tháng 11-2020 sau khi số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh. Thủ tướng Boyko Borissov cho biết học sinh trường phổ thông cơ sở sẽ được đến lớp học trực tiếp theo một chế độ đặc biệt từ tháng 2 và cũng sẽ được tham gia các hoạt động ngoại khóa và thể thao.

Bulgaria đã mở lại trường tiểu học và mẫu giáo từ đầu tháng 1. Tuy nhiên, chính phủ trung hữu phản đối các kế hoạch cho phép nhà hàng, quán cà phê mở cửa trở lại do vẫn còn nhiều lo ngại về biến thể mới có khả năng lây nhiễm nhanh hơn.

Người dân thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm COVID-19 tại Frankfurt, Đức, ngày 20-1-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Người dân thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm COVID-19 tại Frankfurt, Đức, ngày 20-1-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Bồ Đào Nha: Bầu cử Tổng thống giữa đại dịch

Cử tri Bồ Đào Nha sẽ tham gia bỏ phiếu bầu tổng thống vào ngày 24-1-2021 trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, khiến nhiều người lo ngại có thể làm gia tăng số ca nhiễm cũng như khả năng tỷ lệ tham gia bỏ phiếu thấp.

Đất nước 10 triệu dân này hiện đang có số ca nhiễm và tử vong trung bình trên 1 triệu dân cao thứ 7 thế giới. Trong một cuộc thăm dò dư luận do viện ISC/ISCTE thực hiện gần 2/3 cử tri cho rằng nên hoãn bầu cử.

Châu Á - Nhật Bản vượt ngưỡng 5.000 ca tử vong

Ngày 23-1-2021, Nhật Bản ghi nhận số người tử vong do COVID-19 vượt con số 5.000 người trong bối cảnh nước này đang phải ứng phó làn sóng lây nhiễm thứ 3. Thời gian gần đây, tốc độ tử vong liên quan đến COVID-19 ở Nhật Bản tăng mạnh, buộc Thủ tướng Yoshihide Suga phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại 11 trong số 47 tỉnh thành của đất nước, bao gồm cả Tokyo, Osaka và Kyoto, hồi đầu tháng. Ở Nhật Bản, số người tử vong do bệnh này lên đến 1.000 người vào tháng 7 sau khi xác định trường hợp lây nhiễm đầu tiên vào ngày 15-11-2020, và con số này đã vượt quá 3.000 người vào cuối tháng 12-2020. Hiện Nhật Bản có tổng cộng 351.020 ca mắc COVID-19.

Trong khi đó, giới chức Hàn Quốc cảnh báo những nỗ lực của họ nhằm khống chế đại dịch COVID-19 đối mặt với một thách thức to lớn tiềm ẩn từ sự lây lan của những biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 23-12-2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 23-12-2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Hong Kong (Trung Quốc) lần đầu tiên phong tỏa một khu vực dân cư

Lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Hong Kong (Trung Quốc), chính quyền đặc khu hành chính này đã phong tỏa một khu vực đông dân cư sau khi số ca nhiễm mới tại vùng lãnh thổ này tăng mạnh trong vài ngày gần đây. 

Người đứng đầu cơ quan thực phẩm và y tế Hong Kong, Sophia Chan cho biết theo lệnh phong tỏa được ban hành, khoảng 10.000 cư dân sống tại khu vực tập trung 16 tòa nhà chung cư ở quận Jordan ở Kowloon tiến hành xét nghiệm với virus SARS-CoV-2, đồng thời ở nhà cho đến khi hầu hết cư dân được kiểm tra và kết quả được xác định. 

Khoảng 3.000 nhân viên thuộc các cơ quan hữu quan, trong đó có cảnh sát và lực lượng xử lý tình trạng khẩn cấp đã được triển khai giám sát việc thực hiện lệnh phong tỏa tại đây.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Trường Xuân, thủ phủ tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc ngày 22-1-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Trường Xuân, thủ phủ tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc ngày 22-1-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia: Lại kỷ lục ca nhiễm mới

Malaysia ngày 23-1-2021 thông báo số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua của nước này là 4.275 ca - mức cao nhất trong 1 ngày ghi nhận được kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nước này. Theo giới chức y tế Malaysia, trong tổng số ca nhiễm mới có 11 ca nhập cảnh và 4.264 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 180.455 ca dương tính với SARS-CoV-2 và 667 ca tử vong do COVID-19.

Trong khi đó, dịch bệnh tiếp tục lây lan tại Indonesia và Philippines. Tại Indonesia, tổng số ca nhiễm tại nước này lên 977.474 ca, trong đó có 27.664 ca tử vong. Bộ Y tế Indonesia cho biết dịch COVID-19 hiện lây lan toàn bộ 34 tỉnh của nước này.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Surakarta, Indonesia, ngày 21-1-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Surakarta, Indonesia, ngày 21-1-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Philippines, Bộ Y tế nước này thông báo phát hiện thêm 1.797 ca nhiễm, nâng tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 lên 467.886 ca. Trong khi đó, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này này là 10.190 người. Bộ Y tế Philippines khẳng định không phát hiện bất cứ trường hợp lây nhiễm nào trong cộng đồng liên quan đến 17 ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2.

Israel: Cảnh sát ra quân kiểm tra vi phạm phòng chống dịch

Cuối tuần qua, cảnh sát Israel bắt đầu ra quân rầm rộ, lập chốt chặn tại các cửa ngõ ra vào thành phố trên khắp đất nước để giám sát những người dân vi phạm lệnh phong tỏa toàn quốc.

Khoảng 200 trạm kiểm soát đã được dựng lên ở khắp các ngả đường, nhất là những huyết mạch giao thông kết nối các thành phố, nhằm đề phòng người dân tranh thủ những ngày nắng đẹp cuối tuần đi du lịch hoặc tập trung đông người ở các tụ điểm công cộng. Ngoài ra, còn có các đội cảnh sát cơ động đi tuần tại các bãi biển và các khu phố để kiểm tra người vi phạm và giải tán các đám đông.

Israel đang trong đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ ba kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Hôm 8-1-2021, Chính phủ Israel tiếp tục quyết định siết chặt các quy định, đồng thời kéo dài lệnh phong tỏa đến hết tháng 1. Theo đó, người dân không được phép ra khỏi nhà ngoài bán kính 1 km, trừ những trường hợp mua bán nhu yếu phẩm hoặc khẩn cấp.

Chính phủ Israel đang tiếp tục đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine, với 2,5 triệu người trong tổng số hơn 9 triệu dân đã được tiêm xong mũi đầu tiên.

Một nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangalore, Ấn Độ ngày 16-1-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Một nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangalore, Ấn Độ ngày 16-1-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Australia phát hiện ca nhiễm biến thể mới

Giới chức Australia thông báo phát hiện 3 ca dương tính với biến thể của SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tại Anh. Cả ba người này đều là du khách và hiện đang cách ly tại khách sạn ở Melbourne. Họ đều tham gia cách ly từ ngày 15-1-2021 sau khi nhập cảnh vào Australia.
Tại thời điểm đúng 1 năm Trung Quốc đại lục thực hiện phong tỏa toàn quốc để phòng chống dịch bệnh COVID-19 (23-11-2020 - 23-1-2021), Trung Quốc đại lục vẫn ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới. Báo cáo ngày 23-1-2021 của Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc cho biết Trung Quốc đại lục ghi nhận 107 ca nhiễm mới, trong đó có 90 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Có 56 ca tập trung tại tỉnh Hắc Long Giang. Số còn lại ở các tỉnh lần cận Cát Lâm, Thượng Hải và Hà Bắc.

TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN