COVID-19 tới 6 giờ sáng 25-2-2021:

Thế giới trên 2,5 triệu người tử vong, nhiều nước nhận vaccine Nga

25/02/2021 - 06:49

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 405.035 trường hợp mắc COVID-19 và 9.839 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã vượt 113 triệu ca bệnh, trong đó trên 2,5 triệu người không qua khỏi.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Cakovec, Croatia, ngày 20-2-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Cakovec, Croatia, ngày 20-2-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 25-2-2021 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 113.050.168 ca, trong đó có 2.505.951 người tử vong.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 88.648.262 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 21.895.955 ca và 91.969 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 24-2-2021, thế giới có tới 114 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 103 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng trở lại.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Petaling Jaya, bang Selangor, Malaysia, ngày 21-2-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Petaling Jaya, bang Selangor, Malaysia, ngày 21-2-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Pháp, Nga và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đồng thời đẩy nhanh chương trình vaccine.

Xét theo khu vực, Bắc Mỹ và châu Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện đã ghi nhận lần lượt 33.206.216 ca và 33.550.271 ca nhiễm. Tiếp đến là châu Á trên 24.714.300 ca nhiễm và Nam Mỹ với trên 17.646.026 ca.

Tại Israel, nội các đã thông qua lệnh giới nghiêm vào ban đêm nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong dịp lễ Purim sắp tới. Lệnh giới nghiêm trên toàn quốc sẽ được áp dụng từ ngày 25 đến 28-2-2021 và kéo dài từ 8h30 tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Trong thời gian giới nghiêm, hoạt động giao thông liên thành phố sẽ bị tạm ngừng nhằm hạn chế người dân tham gia các hoạt động truyền thống trong những ngày lễ Purim.

Bộ Y tế Israel ngày 24-2-2021 cho biết đang triển khai kế hoạch cấp giấy chứng nhận (thẻ Xanh) cho những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 để họ có thể vào các tụ điểm vui chơi, giải trí, mua sắm, thể thao, xuất cảnh du lịch và các hoạt động đông người khác. "Thẻ Xanh" mới sẽ chứa mã bảo mật trong tem QR nhằm tránh bị làm giả.

COVID-19 tới 6 giờ sáng 25-2-2021: Thế giới trên 2,5 triệu người tử vong; Nhiều nước nhận vaccine Nga
COVID-19 tới 6 giờ sáng 25-2-2021: Thế giới trên 2,5 triệu người tử vong; Nhiều nước nhận vaccine Nga

Tại châu Âu, Đan Mạch và Thụy Điển thông báo sẽ nới lỏng một số hạn chế vốn được áp dụng nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19. Trong khi đó, Bulgaria cho biết sẽ mở cửa trở lại các nhà hàng từ tháng 3 và dỡ bỏ lệnh cấm các hộp đêm từ tháng 4.

Về phần mình, Italy và Hungary đều bác bỏ việc nới lỏng các biện pháp khống chế dịch, trong khi Pháp cân nhắc áp đặt thêm các biện pháp hạn chế mới tại các địa phương do tình hình dịch COVID-19 đang có xu hướng xấu đi. Tương tự, Thủ tướng CH Séc Andrej Babis ngày 24-2-2021 cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch nhằm ngăn chặn "thảm họa" trong các bệnh viện trong những tuần tới.

Liên quan đến vấn đề vaccine, cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Colombia (INVIMA) cho biết đã phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh).

Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Colmar, Pháp ngày 26-3-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Colmar, Pháp ngày 26-3-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Hungary đã trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu sử dụng vaccine ngừa COVID-19 Sinopharm do Trung Quốc sản xuất. Trong đoạn video chia sẻ trên kênh Facebook, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nêu rõ vaccine Sinopharm do Trung Quốc bào chế và phát triển đã được đưa vào chương trình tiêm chủng của nước này từ ngày 24-2-2021.

Ngày 24-2-2021, Viện Dược phẩm và trang thiết bị y tế liên bang Đức, cơ quan quản lý hoạt động mua bán và sử dụng dược phẩm của Đức, đã phê chuẩn 3 bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 sử dụng tại nhà. Đây là một phần trong chiến lược của Bộ trưởng Y tế Jens Spahn nhằm đẩy nhanh công tác xét nghiệm đại trà với mục tiêu đưa nền kinh tế lớn nhất châu Âu này thoát khỏi lệnh phong tỏa đang được áp đặt kể từ giữa tháng 12-2020.

Ba bộ xét nghiệm phát hiện kháng nguyên này do các hãng Healgen Scientific, Xiamen Boson Biotech và Hangzhou Laihe Biotech sản xuất để cho những người không có chuyên môn về y tế có thể sử dụng.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga, ngày 23-2-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga, ngày 23-2-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trước đó, ngày 23-2-2021, trong cuộc họp với các thành viên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), Thủ tướng Angela Merkel cho biết việc sản xuất thêm các bộ xét nghiệm nhanh và tăng công suất xét nghiệm có thể sớm đưa nước Đức trở lại cuộc sống bình thường.

Trong những tuần đầu tiên của năm 2021, tỷ lệ lây nhiễm tại Đức đã giảm mạnh, song mức giảm này đã chấm dứt trong những ngày gần đây. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy Đức có thể gặp khó khăn trong việc nới lỏng các biện pháp hạn chế khi lệnh phong tỏa dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 7-3-2021 tới.

Theo Viện Dịch tễ Robert Koch, ngày 24-2-2021, Đức ghi nhận thêm 8.007 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân lên 2.402.818 ca. Trong 7 ngày qua, tỷ lệ lây nhiễm tại nước này là 59,3 ca/100.000 dân, tăng so với tỷ lệ 57 ca/100.000 dân của một tuần trước đó.

Không chỉ Đức, một số nước châu Âu khác cũng tăng cường sử dụng các bộ xét nghiệm tại nhà. Tại Áo, các bộ tự xét nghiệm còn được đưa vào sử dụng trong trường học và từ tuần tới, các hiệu thuốc sẽ cung cấp miễn phí cho người dân.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Mumbai, Ấn Độ, ngày 23-2-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Mumbai, Ấn Độ, ngày 23-2-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Anh, trong tháng này, các tình nguyện viên và cảnh sát đã bắt đầu tới từng nhà dân để cấp phát các bộ xét nghiệm kiểu này.

Trong khi đó, cùng ngày 24-2-2021, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sachez thông báo trong quý II-2021 có thể nhận số lượng vaccine nhiều gấp 4 lần so với quý I. Cho đến nay, gần 2 triệu người dân Tây Ban Nha đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Giới chức Madrid hy vọng đến cuối mùa Hè này sẽ có 70% dân số được chủng ngừa.

Cùng ngày, Nhật Bản cho biết nước này sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi từ ngày 12-4-2021 tới, trong bối cảnh nước này mở rộng chương trình tiêm chủng quốc gia  cho những đối tượng ngoài nhân viên y tế.

Ngày 24-2-2021, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết nước này có thể cần áp đặt biện pháp hạn chế mới tại các địa phương để ứng phó với tình hình dịch COVID-19 đang xấu đi, qua đó tránh phải áp đặt lệnh phong tỏa mới trên toàn quốc.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp nội các hàng tuần, người phát ngôn Attal nêu rõ tình hình lây nhiễm đang ở mức đáng lo ngại tại một số khu vực của nước Pháp. Lời cảnh báo này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi vùng Riviera phải áp đặt phong tỏa trong 2 tuần đồng thời siết chặt kiểm soát biên giới do dịch lan nhanh hơn những nơi khác. Ông Attal nhấn mạnh có thể các địa phương khác sẽ cần có động thái tương tự do tình hình dịch bệnh có xu hướng xấu đi, đòi hỏi các biện pháp mạnh mẽ và nhanh chóng.

Ước tính có khoảng 10 trong 102 vùng lãnh thổ của Pháp đang ghi nhận tình hình nghiêm trọng hơn như Moselle và Alpes-Maritimes. Ông Attal nhấn mạnh chính phủ Pháp sẽ nỗ lực tránh một lệnh phong tỏa toàn quốc, tuy nhiên sẽ không do dự thực hiện nếu thấy cần thiết.

Hiện đang có nhiều dự báo rằng thành phố ven biển miền Bắc Dunkirk sẽ là điểm tiếp theo phải áp đặt các biện pháp hạn chế mới, do tỷ lệ nhiễm bệnh đã vượt 900 người trên 100.000 dân, cao hơn gần 9 lần mức trung bình trên toàn quốc. Dự kiến Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran sẽ tới Dunkirk trong ngày 24-2-2021.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Rome, Italy, ngày 27-1-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Rome, Italy, ngày 27-1-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Italy, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza tuyên bố nước này vẫn chưa sẵn sàng nới lỏng hạn chế đối với hoạt động kinh doanh và đi lại do số ca mắc COVID-19 vẫn có nguy cơ tăng lên.

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Speranza nêu rõ tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn chưa cho phép Italy nới lỏng các biện pháp hạn chế. Chính phủ Italy đang lên kế hoạch đẩy nhanh chiến dịch tiêm phòng COVID-19.

Đầu tuần này, Italy đã gia hạn lệnh cấm các chuyến đi không cần thiết giữa 20 vùng của nước này nhằm ngăn chặn sự lây lan của các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 có khả năng lây nhiễm cao.

Trong bối cảnh nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại và kiểm soát biên giới để khống chế dịch, một quan chức cấp cao của EU cho rằng các nước thành viên cần đảm bảo các biện pháp này không ảnh hưởng đến trao đổi hàng hóa và dịch vụ ở thị trường chung của khối. Theo quan chức này, thách thức hiện nay là duy trì cân bằng giữa các biện pháp hạn chế đi lại và khả năng vận hành của thị trường chung.

Cảnh sát kiểm tra các phương tiện tại khu vực biên giới Đức - Áo, gần làng Kiefersfelden, Đức, ngày 14-2-2021 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: AFP/ TTXVN
Cảnh sát kiểm tra các phương tiện tại khu vực biên giới Đức - Áo, gần làng Kiefersfelden, Đức, ngày 14-2-2021 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trước đó, Bỉ đã cấm các hoạt động đi lại ở trong và ngoài nước. Trong khi đó, Áo và Séc phản đối việc Đức kiểm soát chặt biên giới để khống chế dịch. Theo dự thảo một tuyên bố chung, các nước thành viên EU sẽ nhất trí duy trì các biện pháp hạn chế đối với hoạt động đi lại vì mục đích nghỉ dưỡng.

Các nước phía Nam EU đang thúc đẩy việc ban hành hộ chiếu vaccine để khởi động du lịch mùa Hè. Tuy nhiên, cả Đức và Pháp đều lo ngại rằng việc mở cửa đi lại cho những người đã tiêm phòng sẽ dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử với nhóm người còn lại.

Cùng ngày, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thông báo sẽ triển khai gói ngân sách bổ sung trị giá 11 tỷ euro (13,4 tỷ USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lao động tự do vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Sanchez nhấn mạnh chính phủ không chỉ bảo vệ các công ty và việc làm, mà còn muốn tạo thêm nhiều doanh nghiệp và việc làm mới. Hiện chi tiết kế hoạch vẫn đang được thảo luận.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Rabat, Maroc, ngày 3-2-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Rabat, Maroc, ngày 3-2-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Ấn Độ, kể từ ngày 1-3-2021, nước này sẽ bắt đầu tiêm chủng cho những người trên 60 tuổi và những người trên 45 tuổi có bệnh nền. Việc tiêm chủng sẽ là miễn phí tại 10.000 bệnh viện công và phải trả phí tại 20.000 cơ sở y tế tư nhân.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 24-2-2021, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 12.821 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 51.800 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.

Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” chưa hề thấy “ánh sáng cuối đường hầm” sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây, bất chấp tình hình số ca mắc mới bắt đầu giảm nhẹ so với mấy ngày trước.

Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á, chiếm hơn 30% số ca tử vong trong ngày của cả châu lục. Indonesia ghi nhận thêm 7.533 ca COVID-19 và 240 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 1.306.141 ca và 35.254 ca.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong giảm so với ngày trước nữa.

Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia khi nước này ghi nhận tới 3.545 ca bệnh mới, 12 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua.

Myanmar dịch bệnh đang hạ nhiệt khi trong 24 giờ qua không ghi nhận ca tử vong nào và chỉ có 33 ca bệnh mới.

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 24-2-2021 ghi nhận thêm 93 ca bệnh mới, song không có ca tử vong.

Thái Lan dù không ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây, song tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao và diễn biến phức tạp do số ca mắc mới trong ngày thường ở mức khoảng 100 ca/ngày.

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có tới 40 bệnh nhân mới trong ngày 24-2-2021, buộc nhà chức trách phải phong tỏa nhiều khu vực ở thủ đô.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 51.818 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 247 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.395.117 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.114.337 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Lào, Brunei không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.

Lực lượng an ninh Palestine gác tại cửa khẩu Rafah ở khu vực biên giới phía Nam Dải Gaza, giáp Ai Cập ngày 9-2-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Lực lượng an ninh Palestine gác tại cửa khẩu Rafah ở khu vực biên giới phía Nam Dải Gaza, giáp Ai Cập ngày 9-2-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 24-2-2021, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) thông báo Ai Cập đã phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga, trở thành quốc gia thứ 34 ngoài Nga và quốc gia thứ 3 tại Bắc Phi cấp phép sử dụng vaccine này.

RDIF là cơ quan chịu trách nhiệm quảng bá vaccine Sputnik V ra nước ngoài. Theo RDIF, Cơ quan dược phẩm Ai Cập đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Sputnik V. Trước đó, Tunisia và Algeria cũng đã phê duyệt vaccine này.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed cho biết vaccine ngừa COVID-19 sẽ có giá 200 bảng Ai Cập (12,8 USD), vpowis phác đồ tiêm 2 liều trong vòng 21 ngày.

Cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra sẽ khiến nhiều nền kinh tế trên thế giới tụt hậu, đẩy người nghèo vào chỗ khó khăn hơn và vấn đề này sẽ trở nên tồi tệ hơn do sự tiếp cận “thiếu công bằng” đối với vaccine. Đây là cảnh báo được đưa ra ngày 24-2-2021 trong thông điệp của Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva gửi đến cuộc họp của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu nhất thế giới (G20).

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva phát biểu tại một cuộc họp báo ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva phát biểu tại một cuộc họp báo ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Bà Georgieva dự báo đến cuối năm 2022, các quốc gia đang phát triển và thị trường đang nổi, không bao gồm Trung Quốc, sẽ chứng kiến mức thu nhập bình quân đầu người giảm 22% so với mức trước khủng hoảng, trong khi mức giảm này của các nền kinh tế phát triển là 13%. Mặc dù việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine đem lại hy vọng phục hồi kinh tế, IMF dự báo riêng G20 sẽ mất 25 triệu việc làm trong năm 2021.

Bà Georgieva cũng cảnh báo cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra sẽ nới rộng hơn nữa khoảng cách giữa các nước đang phát triển, trong đó trẻ em chịu tác động nhiều nhất do giáo dục bị gián đoạn. Theo bà, việc để các em trở thành thế hệ chịu thiệt thòi sẽ là sai lầm không thể tha thứ, khoét sâu thêm những vết thương do cuộc khủng hoảng này gây ra đối với nền kinh tế trong dài hạn.

TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN