Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 11-9-2020:

Thế giới vượt 28 triệu ca bệnh; Ấn Độ sắp chạm 100.000 ca/ngày

11/09/2020 - 07:20

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 275.000 ca bệnh COVID-19 và gần 5.400 ca tử vong. Tổng số ca bệnh ở các nước từ đầu đại dịch tới nay đã lên tới trên 28,2 triệu, trong đó trên 912.000 ca tử vong.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Porto Alegre, Brazil ngày 13-8-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Porto Alegre, Brazil ngày 13-8-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba quốc gia bị đại dịch COVID-19 tác động mạnh nhất lần lượt là Mỹ, Ấn Độ và Brazil. Tính tới ngày 11-9-2020, tổng số ca bệnh ở ba quốc gia này là trên 15,3 triệu ca, chiếm hơn một nửa tổng số ca toàn thế giới.

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ tiếp tục có số ca mắc COVID-19 mới nhiều nhất thế giới với 96.760 ca, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên trên 4,5 triệu.

Tiếp đó là Brazil với trên 39.000 ca mới, nâng tổng số ca lên trên 4,2 triệu; Mỹ với trên 34.000 ca, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên trên 6,5 triệu.

Trong 24 giờ qua, số ca tử vong ở Ấn Độ vẫn ở mức cao, trên 1.200 ca. Trong khi đó, Mỹ ghi nhận 866 người chết, còn Brazil có 869 người chết. Mexico cũng là nước có số người tử vong vì COVID-19 cao trong 24 giờ qua với 611 ca.

Châu Á

Số ca nhiễm mới ở Ấn Độ lên gần ngưỡng 100.000 ca/ngày

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi đi tàu điện ngầm tại New Delhi, Ấn Độ ngày 7-9-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi đi tàu điện ngầm tại New Delhi, Ấn Độ ngày 7-9-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ ngày 10-9-2020 cho biết nước này đã ghi nhận 96.760 ca mắc bệnh COVID-19, đưa tổng số lên trên 4,5 triệu ca, trong đó 76.304 ca tử vong. 

Với số ca nhiễm mới theo ngày trên, Ấn Độ đang tiến sát đến ngưỡng 100.000 ca nhiễm/ngày. Đến nay chưa có nước nào trên thế giới ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức này hay thậm chí là gần với ngưỡng này. 

Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan cho rằng đại dịch COVID-19 đã cho thế giới thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ những thành quả y tế quý giá, đồng thời nhấn mạnh đến việc đầu tư vào y tế và xây dựng một hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe vững mạnh, đặc biệt tập trung vào các khu vực nông thôn. Tại phiên họp lần thứ 73 dưới hình thức trực tuyến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Đông - Nam Á ngày 9-9-2020, ông Vardhan nói: “Dữ liệu cho thấy dịch COVID-19 đã làm chệch hướng rất nhiều nỗ lực của chúng tôi và đang đưa chúng tôi trở lại thời điểm của 20 năm trước.

Đây là một thực tế rõ ràng và chúng ta cần phải nhận thức được. Về phần mình, chúng tôi không ngừng nỗ lực để ngăn chặn và giảm thiểu virus lây lan. Tôi có thể nói rằng Ấn Độ đã phản ứng tốt với những thách thức do đại dịch gây ra”.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangalore, Ấn Độ ngày 1-9-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangalore, Ấn Độ ngày 1-9-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trước bối cảnh dịch bệnh gây ra những tác động nặng nề đối với nền kinh tế, bà Sangita Reddy, Chủ tịch Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI) ngày 9-9-2020 đã kêu gọi thực hiện biện pháp kích thích lớn để thúc đẩy nhu cầu khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ đã giảm mạnh trong quý đầu tiên của năm tài khóa 2020-2021 (kết thúc tháng 3-2021). 

Theo bà Reddy, trong giai đoạn từ tháng 4-6 vừa qua, việc GDP suy giảm là một vấn đề rất đáng quan ngại và tình trạng này cho thấy cần thiết phải có biện pháp kích thích lớn nhằm thúc đẩy và tăng nhu cầu. Theo số liệu do Văn phòng Thống kê quốc gia (NSO) công bố ngày 31-8-2020, trong quý đầu của năm tài khóa hiện tại, GDP của Ấn Độ đã giảm 23,9% so với mức tăng trưởng 3,1% trong 3 tháng trước đó (từ tháng 1-3). Ngày 8-9-2020, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của

Ấn Độ trong tài khóa 2020-2021, theo đó GDP của nước này sẽ giảm 10,5%, thay vì mức giảm 5% theo dự báo ban đầu.

Nhật Bản: Thủ đô Tokyo hạ mức cảnh báo COVID-19

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 2-9-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 2-9-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Chính quyền thành phố Tokyo của Nhật Bản đã quyết định hạ một bậc trong thang cảnh báo dịch COVID-19 sau khi liên tục duy trì mức cảnh báo cao nhất trong hai tháng qua.

Ngày 10-9-2020, giới chức Nhật Bản cho biết quyết định này phù hợp với kết luận của hội đồng chuyên gia y tế đưa ra tại cuộc họp thường kỳ phân tích, đánh giá tình hình dịch COVID-19. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Tokyo cũng có kế hoạch từ ngày 15-9-2020 dỡ bỏ lệnh cấm các quán rượu và karaoke mở cửa sau 22 giờ. Dự kiến, Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike sẽ công bố kế hoạch cụ thể trong cuộc họp báo cùng ngày. 

Các số liệu mới nhất cho thấy, trong 7 ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 trung bình mỗi ngày tại Tokyo là 149 ca, giảm so với 183 ca ghi nhận hồi tuần trước. Là địa phương chịu tác động mạnh nhất trong số 47 tỉnh ở Nhật Bản, hiện Tokyo ghi nhận tổng cộng 22.444 ca mắc. Các chuyên gia cho rằng tốc độ lây lan dịch bệnh đang có dấu hiệu giảm, nhưng vẫn cần phải đưa ra cảnh báo về nguy cơ dịch bùng phát mạnh trở lại. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng quyết định duy trì cảnh báo tăng cường hơn nữa hệ thống y tế tại Tokyo, do dịch COVID-19 dự báo sẽ tiếp tục đặt gánh nặng lên cơ sở y tế trong thời gian tới. 

Indonesia: Jakarta tái áp đặt giãn cách xã hội quy mô lớn

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 10-9-2020, số liệu của Bộ Y tế Indonesia cho thấy có thêm 3.861 ca, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nâng tổng số ca bệnh tại đây lên 207.203 ca. Số ca tử vong cũng tăng 120 ca lên 8.456 ca, cao nhất ở khu vực Đông Nam Á. 

Tại thủ đô Jakarta, trên 1.000 ca mắc COVID-19 ghi nhận mỗi ngày trong tháng 9. Các bác sĩ cảnh báo tình hình dịch vẫn chưa được kiểm soát và các phòng chăm sóc tích cực gần như hoạt động hết công suất. Theo chính quyền thành phố Jakarta, tỷ lệ kín chỗ tại các phòng cách ly ở 67 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 hiện là 77%, trong khi con số này ở các phòng chăm sóc tích cực là 83%. Người phát ngôn của Hiệp hội Y tế Indonesia, Halik Malik đánh giá gánh nặng đặt lên đối với hệ thống y tế ở Jakarta là rất lớn. 

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bogor, Tây Java. Ảnh: AFP/TTXVN
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bogor, Tây Java. Ảnh: AFP/TTXVN

Lo ngại hệ thống y tế ở Jakarta có thể sẽ sớm rơi vào tình trạng quá tải, Thống đốc Anies Baswedan ngày 9-9-2020 đã tái áp đặt các biện pháp phong tỏa ở thành phố này từ ngày 14-9-2020. Theo đó, tất cả các hoạt động của văn phòng, công sở sẽ được thực hiện tại nhà. Chỉ có 11 lĩnh vực thiết yếu sẽ được phép hoạt động, trong khi 11 lĩnh vực không thiết yếu đã được cấp phép hoạt động sẽ được đánh giá lại.

Thống đốc Jakarta Anies Baswedan đã quyết định kể từ ngày 14-9-2020 tới tái áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội quy mô lớn (PSBB) giống như giai đoạn đầu của dịch. Với việc tái áp đặt PSBB, người dân Jakarta sẽ trở lại hoạt động, cầu nguyện, làm việc và học tập tại nhà.  

Tất cả các địa điểm vui chơi giải trí sẽ đóng cửa trở lại và các hoạt động tụ tập đông người cũng sẽ bị cấm. Các địa điểm thờ tự chỉ được phép mở cửa ở cấp độ làng hoặc khu dân cư và chỉ những người dân địa phương mới được phép sử dụng. Đặc biệt, các địa điểm thờ tự nằm trong các vùng và khu vực “đỏ” có nhiều trường hợp mắc COVID-19 sẽ không được mở cửa. 

Thành phố lớn nhất Myanmar gia hạn lệnh ở nhà     

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng chờ khám sức khỏe tại Yangon, Myanmar ngày 8-9-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng chờ khám sức khỏe tại Yangon, Myanmar ngày 8-9-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 ở Myanmar chưa có dấu hiệu lắng dịu. Ngày 10-9-2020, Myanmar đã siết chặt các biện pháp phong tỏa ở Yangon, thành phố lớn nhất nước này với khoảng 5 triệu dân, sau khi phát hiện thêm 120 ca bệnh trên cả nước, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. 

Theo đó, nhà chức trách Myanmar đã gia hạn lệnh ở nhà tại gần 50% số khu vực ở thành phố Yangon, nơi ghi nhận phần lớn số ca mắc mới. Tuy nhiên, các cơ quan chính phủ và nhà máy vẫn được phép mở cửa và người lao động được miễn trừ lệnh trên. 

Hiện Myanmar có tổng cộng 2.009 ca mắc COVID-19, trong đó có 14 ca tử vong. Tỷ lệ lây nhiễm ở nước này hiện tăng gấp 4 lần so với thời điểm một tháng trước. Tình hình dịch diễn biến phức tạp buộc nhà chức trách phải ra lệnh đóng cửa trường học trên toàn quốc và tái áp đặt các hạn chế. 

Philippines có số ca mắc mới cao nhất trong 11 ngày

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 18-8-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 18-8-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Philippines thông báo thêm 3.821 ca mới, mức cao nhất trong 11 ngày qua, và 80 ca tử vong mới. Như vậy, tính đến nay, nước này có 248.947 ca, cao nhất ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có 4.066 ca tử vong. Số ca bình phục hiện là 186.058 ca. 

Thủ đô Manila tiếp tục là tâm dịch ở Philippines, ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày 10-9-2020 ở mức cao nhất kể từ khi bùng dịch, với 2.079 ca. Tính đến thời điểm này, Philippines đã tiến hành hơn 2,76 triệu lượt xét nghiệm COVID-19.  

Mỹ: Số trẻ nhiễm bệnh tăng 34% sau một tháng mở lại trường học

Học sinh học trực tuyến do các trường học đóng cửa vì dịch COVID-19 tại Los Angeles, California, Mỹ ngày 14-8-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Học sinh học trực tuyến do các trường học đóng cửa vì dịch COVID-19 tại Los Angeles, California, Mỹ ngày 14-8-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Số trẻ em có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tại bang Floria (Mỹ) đã tăng 34% kể từ khi trường học được mở lại ở bang này. Cụ thể, có tới 10.513 trẻ em dưới 18 tuổi đã nhiễm bệnh kể từ đầu tháng 8. Hiện chưa rõ bao nhiêu % tham gia học trực tiếp tại trường và bao nhiêu % học từ xa.

Theo Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ cũng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ nhiễm dưới 5% là an toàn để các trường học có thể mở lại. Con số này ở bang Florida hiện là 14,5%.

Báo trên cho biết một số trường và hàng chục lớp học ở bang đã phải tạm thời ngừng hoạt động vì dịch. Bang đã trao quyền cho các tỉnh tự quyết việc có bắt buộc đeo khẩu trang tại trường học hay không.

Một số trường phải đóng cửa vì giáo viên mắc COVID-19. Ảnh: USA Today
Một số trường phải đóng cửa vì giáo viên mắc COVID-19. Ảnh: USA Today

Cơ quan Y tế của bang cho biết đang phát triển một hệ thống nhằm cung cấp thông tin về dịch bệnh tại các trường học và các cơ sở chăm sóc y tế, và sẽ thông báo "trong vài ngày tới".

Trong khi đó, Mỹ khẳng định sẽ ngừng kiểm tra sàng lọc mở rộng đối với một số hành khách quốc tế, cũng như giảm một số yêu cầu như khách đến từ một số nước "điểm nóng" chỉ được phép tới 15 sân bay được chỉ định tại Mỹ.

Những quy định trên được bỏ bớt do các biện pháp sàng lọc dựa vào những triệu chứng là không hiệu quả, mặt khác rất nhiều người mắc COVID-19 không có  triệu chứng gì, hoặc nếu có cũng rất nhẹ.

Tháng 2 vừa qua, chính quyền Mỹ đã áp đặt quy định sàng lọc mở động đối với hành khách đến từ Trung Quốc, Anh, Ireland, Brazil, Iran và khu vực Schengen (Khu vực tự do đi lại châu Âu), đồng thời cấm phần lớn công dân không mang quốc tịch Mỹ, từng lưu lại những địa chỉ trên không được tới Mỹ. Tất cả những hành khách trên chỉ được phép tới 15 sân bay được chỉ định của Mỹ.

Châu Âu

Tây Ban Nha đóng cửa trường học do giáo viên mắc COVID-19      

Thông báo đóng cửa trường Zaldibar tại Basque. Ảnh: Reuters
Thông báo đóng cửa trường Zaldibar tại Basque. Ảnh: Reuters

Ngày 10-9-2020, chính quyền vùng Basque ở Tây Ban Nha đã quyết định đóng cửa trường tiểu học Zaldibar sau khi một số giáo viên có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là trường học đầu tiên phải đóng cửa hoàn toàn ngay trong tuần đầu tiên học sinh trên cả nước được trở lại trường sau 6 tháng nghỉ phòng dịch. Trước đó, một số lớp học tư nhân đã phải học từ xa và một số nhóm giáo viên đã phải cách ly.

Người phát ngôn chính quyền vùng chưa xác nhận chính xác số giáo viên nhiễm virus, cũng như không cho biết trường sẽ phải đóng cửa trong bao lâu. Tuy nhiên, tất cả nhân viên nhà trường sẽ được tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Thông báo của chính quyền vùng nêu rõ: "Hiện điều tra dịch tễ cho thấy các ca nhiễm trên dường như xảy ra ngoài trường học".

Tây Ban Nha đến ngày 11-9-2020 đã ghi nhận tổng cộng 554.143 ca nhiễm, trong đó có 29.699 ca tử vong.

Áo ghi nhận số ca bệnh trong ngày cao nhất

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Vienna, Áo ngày 5-9-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Vienna, Áo ngày 5-9-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Áo cũng chứng kiến số ca mắc COVID-19 cao chưa từng có kể từ cuối tháng 3 vừa qua. Theo Bộ Nội vụ Áo, trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm 664 ca bệnh, trong đó 50% số ca ghi nhận ở thủ đô Vienna. 

Số ca mắc COVID-19 ở Áo đã gia tăng trở lại kể từ cuối tháng 6, chủ yếu là những người trở về từ các điểm nóng du lịch như Tây Ban Nha và Croatia. Đến nay, nước này ghi nhận trên 31.200 ca nhiễm và 784 ca tử vong.

Pháp cân nhắc áp đặt phong tỏa

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Paris, Pháp ngày 31-8-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Paris, Pháp ngày 31-8-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Pháp, chính phủ nước này cũng đang cân nhắc khả năng tiến hành phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Vấn đề này được đưa ra thảo luận trong cuộc họp nội các ngày 10-9-2020. 

Theo ông Jean-Francois Delfraissy - người đứng đầu hội đồng cố vấn chính phủ về dịch COVID-19, nhà chức trách đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở 20 thành phố lớn có nguy cơ cao, trong đó có Marseille, Bordeaux và vùng Paris. Tại những khu vực này, chính phủ đang xem xét siết chặt các hạn chế đối với hoạt động tụ tập nơi công cộng.

Số liệu của giới chức y tế Pháp công bố cho thấy trong ngày 10-9-2020, nước này ghi nhận 9.843 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca lên 353.944 ca bệnh, trong đó 30.813 ca tử vong.

CH Séc siết chặt biện pháp phòng dịch

Séc đã quy định người dân phải đeo khẩu trang tại các cơ sở công cộng trong nhà, trên phương tiện giao thông cộng cộng và tại các sự kiện có đông người tham gia vào mùa xuân nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. 

Tuy nhiên, biện pháp này đã hết hiệu lực vào ngày 1-7-2020, trừ không gian công cộng dưới mặt đất. Trong những tuần gần đây, nước này chứng kiến sự gia tăng trở lại các ca mắc mới. Theo đó, kể từ tháng 9, nhà chức trách đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi đi trên phương tiện giao thông công cộng và khi đến các cơ sở khám chữa bệnh.

Tính đến ngày 11-9-2020, Séc đã ghi nhận 29.887 ca mắc COVID-19, trong số này 441 người đã tử vong.

Thủ đô Moskva của Nga bắt đầu tiên vaccine hàng loạt 

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa cúm mùa cho người dân tại một trạm tiêm vaccine di động ở Moskva, Nga ngày 7-9-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa cúm mùa cho người dân tại một trạm tiêm vaccine di động ở Moskva, Nga ngày 7-9-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Phó Thị trưởng Moskva phụ trách phát triển xã hội, bà Anastasia Rakova ngày 9-9-2020 cho biết người dân thủ đô nước Nga đã bắt đầu được tiêm vaccine ngừa virus SARS CoV-2 trong khuôn khổ nghiên cứu sau khi đăng ký lưu hành loại vaccine này. Bà Rakova thông báo: “Điều này sẽ cho phép chúng ta đến gần hơn đến thời điểm có thể tiêm vaccine cho mọi người. Những người tham gia nghiên cứu này đầu tiên đã được tiêm chủng hôm nay (9-9-2020)”.

Chính quyền thành phố Moskva và Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia N.F. Gamalei đã mời người dân thủ đô Moskva tham gia thử nghiệm này. Vaccine được tiêm miễn phí và cần 40.000 người tình nguyện. 

Bà Rakova cho biết trên 35.000 người Moskva đã nộp đơn đăng ký tiêm vaccine này. Ở thủ đô Moskva, nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 đang được thực hiện tại 6 cơ sở y tế, trong tương lai sẽ tăng lên 20. Theo bà Rakova, vaccine sẽ được tiêm theo 2 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, những người tình nguyện được tiêm thành phần đầu tiên của vaccine, và sau 21 ngày tiêm thành phần thứ hai. Các thành phần này khác nhau về các hoạt chất, điều này được thực hiện để tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể.

Trước đó, Bộ Y tế Nga đã chấp nhận đăng ký loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới, do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi trùng học Gamaley phát triển phối hợp với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga sản xuất. Trong những thử nghiệm đầu tiên, vaccine đã tạo ra phản ứng miễn dịch cho tế bào và dịch thể ổn định ở 100% số người tham gia và không gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng cho họ theo bất kỳ tiêu chí nào. Mức kháng thể ở những người tình nguyện tiêm vaccine cao gấp từ 1,4-1,5 lần so với mức kháng thể ở những người đã bị bệnh.

TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN