Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 18-9-2020:

Thế giới vượt mốc 30 triệu ca bệnh

18/09/2020 - 07:12

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 283.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.000 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt mốc 30 triệu ca, trong đó trên 949.000 ca tử vong.

Thế giới đã ghi nhận ca mắc COVID-19 thứ 30 triệu vào ngày 17-9, tức sau khoảng 9 tháng phát hiện những trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên. 

Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Porto Alegre, Brazil ngày 13-8. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại nhiều quốc gia, dịch bệnh không những chưa được kiềm chế, mà còn có xu hướng tái bùng phát trên diện rộng, khi mà chính phủ các nước quyết định mở cửa trở lại nền kinh tế. Theo phân tích của hãng tin Reuters, tình trạng lây lan COVID-19 vẫn gia tăng tại gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Số bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 chạm con số 25 triệu người ngày 30-8. Như vậy, chỉ trong 18 ngày, danh sách bệnh nhân mắc COVID-19 đã tăng thêm 5 triệu người, ngắn hơn 2 ngày so với giai đoạn từ mức 20 triệu ca lên 25 triệu ca. Điều đó cho thấy tốc độ lây lan virus SARS-CoV-2 không những không chậm lại mà còn nhanh hơn.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 13-9. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 13-9. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 13-9 vừa qua là ngày thế giới ghi nhận số ca mắc cao nhất từ trước tới nay, 307.930 trường hợp cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ. Trước đó, ngày ghi nhận dữ liệu dịch tễ này cao nhất là 17-4, khi thế giới có thêm 306.857 ca nhiễm mới. 

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới cao nhất thế giới với 96.793 ca, tiếp đó là Mỹ với trên 40.000 ca, Brazil với 33.700 ca.

Ấn Độ cũng có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất với 1.174 ca. Mỹ và Brazil đều ghi nhận trên 700 ca tử vong.

Châu Á

Ấn Độ tiếp tục đứng đầu về số ca mắc mới trong ngày 

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ ngày 28-8. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ ngày 28-8. Ảnh: THX/TTXVN 

Trong số ca mắc mới 24 giờ qua của toàn thế giới, quốc gia "đóng góp" chủ yếu là Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới. Số liệu thống kê cho thấy hiện cứ 6 ca mắc bệnh COVID-19 trên thế giới thì có 1 ca ở Ấn Độ.

Trong những ngày qua, Ấn Độ liên tục có số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao nhất thế giới, trung bình 93.334 ca mỗi ngày - cao gấp đôi tổng số ca mắc mới mỗi ngày trung bình tại Mỹ và Brazil, 2 quốc gia còn lại trong số 3 quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất. Biểu đồ dịch bệnh tại Ấn Độ không có dấu hiệu đạt đỉnh trong suốt thời gian qua và vẫn tiếp tục diễn biến theo xu hướng tăng dần. 

Ngày 17-9, Bộ Y tế Ấn Độ cho hay trong 24 giờ qua nước này ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 là 96.793 ca, theo đó nâng tổng số ca mắc tại nước này lên trên 5,2 triệu người, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ.    

Số trường hợp tử vong cũng tăng lên tổng số 84.404. Trong 2 tuần trở lại đây, Ấn Độ liên tục ghi nhận số ca tử vong mỗi ngày ở mức trên 1.000 trường hợp. 

Trung Quốc tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm nhập cảnh

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 3-9. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 3-9. Ảnh: AFP/TTXVN

Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc cho hay Trung Quốc đã ghi nhận 9 ca mắc mới COVID-19, đều là các trường hợp nhập cảnh, trong đó Thượng Hải có 4 ca, tỉnh Thiểm Tây có 2 ca, các tỉnh Hà Nam, Quảng Đông, Vân Nam mỗi tỉnh 1 ca. 

Trung Quốc cũng có thêm 11 ca hồi phục, hiện cơ quan y tế Trung Quốc đang điều trị cho 141 ca, trong đó có 1 ca nặng.

Bên cạnh đó, trong 24 giờ qua Trung Quốc phát hiện thêm 14 ca nhiễm không triệu chứng, đều là ca nhập cảnh. Hiện cơ quan chức năng đang theo dõi y tế đối với 354 ca nhiễm không triệu chứng, trong đó có 353 ca nhập cảnh.

Như vậy, tính đến hết ngày 17-9, Trung Quốc có tổng cộng 85.223 ca mắc, trong đó có 80.448 ca đã được chữa khỏi và 4.634 ca tử vong do COVID-19.

Dịch bệnh tại Hàn Quốc phức tạp 

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại trung tâm y tế ở Seoul, Hàn Quốc ngày 14-9. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại trung tâm y tế ở Seoul, Hàn Quốc ngày 14-9. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều ổ dịch và gia tăng các trường hợp không thể truy vết nguồn gốc.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 17-9 cho biết nước này đã ghi nhận 153 ca mắc, trong đó có 145 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 22.657 ca. Đây là số ca mắc mới trong ngày cao nhất kể từ ngày 11-9 vừa qua (với 176 trường hợp).

Số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc có xu hướng tăng lên 3 chữ số trong 1 tháng qua, trong đó các ca lây nhiễm chủ yếu liên quan đến ổ dịch tại nhà thờ Songpa, miền Bắc Seoul và vụ biểu tình tại thủ đô Seoul hồi trung tuần tháng 8

KDCA cho biết tỷ lệ ca mắc COVID-19 chưa xác định được nguồn lây đã tăng lên mốc cao kỷ lục mới, chiếm 26,4% trong tổng số ca mắc mới ghi nhận 2 tuần gần đây. Cụ thể, trong 2.013 ca mắc mới 4 ngày qua, có 532 ca thuộc nhóm nhiễm bệnh song chưa xác định được nguồn lây. Số ca mắc COVID-19 không thể truy dấu này ở mức cao chưa từng có kể từ khi KDCA bắt đầu thu thập số liệu vào tháng 4 năm nay.  

Australia: Bang Victoria có số ca mắc mới trong ngày thấp nhất trong gần 2 tháng 

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Melbourne, bang Victoria, Australia ngày 23-7. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Melbourne, bang Victoria, Australia ngày 23-7. Ảnh: AFP/TTXVN

Bang Victoria đông dân nhất nước này ghi nhận 28 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, mức thấp nhất kể từ tháng 6 vừa qua, giảm mạnh so với mức 700 ca mỗi ngày hồi đầu tháng 8. Bang này cũng ghi nhận thêm 8 ca tử vong, tương đương con số một ngày trước đó. 

Victoria hiện là tâm điểm của làn sóng dịch COVID-19 thứ hai tại Australia. Tước diễn biến dịch bệnh có chiều hướng khả quan hơn, chính quyền bang Victoria đã quyết định nới lỏng hầu hết các biện pháp phòng dịch tại nơi công cộng, trừ Melbourne, thành phố lớn nhất Australia. Theo đó, người dân được phép tụ tập tối đa 10 người trong khi các quán cafe được phép phục vụ tối đa 50 người ở ngoài trời.

Lệnh phong tỏa vẫn được áp dụng tại Melbourne đến ngày 28-9.

Châu Mỹ

Tổng thống Mỹ tin sẽ phân phối khoảng 100 triệu liều vaccine vào cuối năm nay

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên tình nguyện viên tại Hollywood, Florida ngày 13-8. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên tình nguyện viên tại Hollywood, Florida ngày 13-8. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Dolald Trump bày tỏ tin tưởng sẽ có vaccine phòng COVID-19 phục vụ người dân trong tháng 10 tới.

Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng thống Trump nói: “Ngay sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận vaccine... chúng ta sẽ có thể phân phối 100 triệu liều vào cuối năm 2020 và một số lượng lớn sớm hơn thế rất nhiều”.

Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) cùng Bộ Quốc phòng (DoD) của Mỹ đã công bố 2 tài liệu vạch chiến lược chi tiết về kế hoạch của Chính phủ Mỹ phân phối vaccine phòng COVID-19 cho người dân nước này.

Tài liệu do hai bộ HHS và DoD phối hợp cùng CDC, đã đưa ra một chiến lược tổng quan cùng hướng dẫn các chương trình y tế cộng đồng, từ địa phương đến các bang và các đối tác về cách lập kế hoạch và vận hành một loại vaccine phòng COVID-19. 

Tiềm ẩn nguy cơ tại Mỹ Latinh khi nối lại hoạt động quá sớm

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 vào một bệnh viện ở Mexico City, Mexico ngày 20-8. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 vào một bệnh viện ở Mexico City, Mexico ngày 20-8. Ảnh: AFP/TTXVN

Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne cho rằng các nước Mỹ Latinh đã bắt đầu nối lại các hoạt động công cộng và khôi phục cuộc sống thường nhật quá sớm khi mà đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và cần có sự can thiệp kiểm soát quan trọng.

Phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến, bà Etienne cho biết các trường hợp mắc COVID-19 ở khu vực biên giới giữa Colombia và Venezuela đã tăng gấp 10 lần trong 2 tuần gần đây, trong khi các quốc đảo lớn ở Caribe như Jamaica, Bahamas, Cộng hòa Dominicana cũng đang ghi nhận số ca nhiễm mới cao bất thường, chưa kể số trường hợp tử vong tại một số khu vực của Mexico, Bolivia, Costa Rica và Ecuador cũng gia tăng trong thời gian gần đây.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Santiago, Chile ngày 25-8. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Santiago, Chile ngày 25-8. Ảnh: THX/TTXVN

Bà Etienne cho rằng chính phủ các nước cần phải nhận thức rõ việc mở cửa trở lại các hoạt động quá sớm sẽ khiến virus SARS-CoV-2 có thêm không gian để lây lan và người dân phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn. Bà cũng kêu gọi các nước giám sát một cách thận trọng việc nối lại các chuyến bay vì điều này có thể dẫn tới sự thụt lùi trong công tác phòng chống dịch.

Mỹ Latinh là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 với hơn 8 triệu ca nhiễm, trong đó có trên 300.000 trường hợp tử vong. Nhiều nước trong khu vực nằm trong danh sách các nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới như Brazil, Peru, Mexico, Colombia, Argentina và Chile.

Châu Âu 

WHO cảnh báo châu Âu về tỷ lệ lây nhiễm đáng báo động

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Paris, Pháp ngày 31-8. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Paris, Pháp ngày 31-8. Ảnh: THX/TTXVN

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu Hans Kluge ngày 17-9 đã bày tỏ lo ngại về tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 đáng báo động trên toàn "Lục địa Già", đồng thời cảnh báo việc nhiều quốc gia đang rút ngắn thời gian cách ly.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Copenhagen (Đan Mạch), ông Hans Kluge nêu rõ: "Số ca mắc COVID-19 trong tháng 9-2020 như hồi chuông cảnh tỉnh đối với tất cả chúng ta. Mặc dù số ca bệnh này phản ánh công tác xét nghiệm một cách toàn diện hơn, nhưng nó cũng cho thấy tỷ lệ lây nhiễm đáng báo động trên toàn khu vực". Ngoài ra, ông cũng bày tỏ quan ngại về việc các quốc gia đã quyết định giảm bớt thời gian yêu cầu cách ly, bất chấp tình hình dịch bệnh trên thực tế chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Siết chặt biện pháp phòng chống do số ca nhiễm gia tăng 

Ngày 17-9, Chính phủ Anh thông báo các biện pháp hạn chế mới đối với vùng Đông Bắc England, khu vực mới nhất ở nước này chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 gia tăng.

Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại cuộc họp nội các ở London ngày 15-9. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại cuộc họp nội các ở London ngày 15-9. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đó, từ ngày 18-9, người dân ở vùng Đông Bắc England trong đó có các thành phố Newcastle và Sunderland sẽ không được phép giao tiếp xã hội ở bên ngoài. Các quán phục vụ ăn uống sẽ chỉ được phép phục vụ tại bàn trong khi các quán bar và câu lạc bộ phải đóng cửa sớm vào lúc 22h.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông có thể sớm ra quyết định đóng cửa các quán rượu nhằm ngăn chặn làn sóng gia tăng số ca mắc COVID-19 thứ hai ở nước này, với đường cong biểu thị tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 được so sánh như "bướu lạc đà".   

Anh là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19 ở châu Âu, với gần 42.000 ca tử vong theo số liệu của chính phủ. 

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Praha, CH Séc ngày 18-3. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Praha, CH Séc ngày 18-3. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, Bộ Y tế CH Séc cho biết bắt đầu từ ngày 18-9, các quán bar và nhà hàng trên toàn quốc sẽ phải đóng cửa từ nửa đêm đến 6h sáng, một phần trong số các biện pháp nhằm ngăn chặn đà gia tăng số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Bên cạnh đó, học sinh từ lớp 6 trở lên cũng sẽ phải đeo khẩu trang trong lớp học. Bộ trưởng Y tế Adam Vojtech cho biết hiện giờ chưa có kế hoạch tiến hành các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Vienna, Áo ngày 5-9. Ảnh: THX-TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Vienna, Áo ngày 5-9. Ảnh: THX-TTXVN

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết nước này hạn chế số người tham gia các cuộc tụ tập trong nhà xuống 10 người. Kể từ ngày 21-9, các nhà hàng và quán bar có thể chỉ được phép phục vụ khách tại bàn và yêu cầu đeo khẩu trang được mở rộng ở những nơi trong đó có các khu chợ. 

Theo Thủ tướng Kurz, các biện pháp hạn chế này là cần thiết để nước này tránh phải áp đặt một lệnh phong tỏa thứ hai.

Tại Bỉ, kể từ đầu tháng này, dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại với trên 800 ca nhiễm mỗi ngày, khiến giới chuyên gia y tế nước này hết sức lo ngại.  

Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Brussels, Bỉ ngày 11-4. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Brussels, Bỉ ngày 11-4. Ảnh: AFP/TTXVN

Có nhiều nguyên nhân giải thích cho đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay nhưng theo các chuyên gia y tế thì có 2 lý do chính. Thứ nhất, hiện tại là thời điểm nhiều người Bỉ trở về nhà sau các chuyến du lịch và thứ hai là học sinh đi học trở lại. 

Kể từ đầu đại dịch COVID-19 tới nay, Bỉ đã ghi nhận 95.948 ca mắc trên tổng số chỉ hơn 11,5 triệu dân. Trong số các ca bệnh có 9.935 người đã tử vong, 18.810 người được chữa khỏi. Theo tính toán của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), Bỉ có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 trên dân số cao thứ 2 thế giới với 86 người trên mỗi 100.000 dân, đứng sau Peru với 94 người/100.000 dân.

Châu Phi 

Dịch bệnh ở nhiều nước đạt đỉnh sớm hơn dự báo

Đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường học ở Ekurhuleni, Nam Phi ngày 8-6. Ảnh: AFP/TTXVN

Đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường học ở Ekurhuleni, Nam Phi ngày 8-6. Ảnh: AFP/TTXVN

Trang Arab News dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng dịch COVID-19 đạt đỉnh sớm hơn dự kiến ở nhiều nước châu Phi, trái với những dự đoán trước đó.

Theo nguồn tin trên, các nhà khoa học hiện chưa rõ lý do dẫn tới hiện tượng này, nhưng có ý kiến cho rằng người dân ở một số quốc gia châu Phi đã tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm khác trước đây và điều này đã tạo ra khả năng miễn dịch để kháng COVID-19.

Giáo sư Francesco Checchi - chuyên gia về dịch tễ học của trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (Anh) nhận xét trên thực tế virus SARS-CoV-2 đã không hoạt động như dự đoán ở một số nước châu Phi, trong đó có Sudan, Somalia, Kenya và Tanzania.

Nam Phi tiếp tục nới lỏng hạn chế 

Người dân dùng bữa tại nhà hàng ở Johannesburg, Nam Phi ngày 21-8. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân dùng bữa tại nhà hàng ở Johannesburg, Nam Phi ngày 21-8. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố bắt đầu từ ngày 20-9 nước này sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa từ cấp độ 2 hiện tại xuống cấp độ 1, sau khi ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 đang trên đà giảm mạnh trong hơn một tháng qua.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia được phát trực tiếp cùng ngày, Tổng thống Ramaphosa cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi nội các Nam Phi tham vấn các chuyên gia hàng đầu trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt xu hướng giảm mạnh số ca mắc COVID-19 trong thời gian qua cũng như năng lực đáp ứng ngày càng tốt hơn của hệ thống y tế nước này.

Theo ông Ramaphosa, bắt đầu từ ngày 20-9, Nam Phi sẽ mở cửa các đường bay quốc tế đi và đến quốc gia này cho các chuyến đi với mục đích du lịch và công cán, song vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế đối với các du khách đến từ các vùng có nguy cơ cao.        

Nguồn: Báo Tin tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN