Thái Lan quy định mới cho lao động Việt Nam bất hợp pháp

03/09/2018 - 19:55

Theo Bộ trưởng Lao động Thái Lan Adul Sangsingkeo, những người lao động Việt Nam nếu có nguyện vọng trở lại làm việc thì phải có giấy phép lao động.

Lao động người Việt chủ yếu làm việc trong các ngành nghề bán hàng rong, phục vụ quán ăn. (Ảnh: Quang Trung)

Lao động người Việt chủ yếu làm việc trong các ngành nghề bán hàng rong, phục vụ quán ăn. (Ảnh: Quang Trung)

Người đứng đầu Bộ Lao động Thái Lan đưa ra phát biểu trên sau cuộc họp ngày 31-8-2018 của Ủy ban chính phủ về giải quyết vấn đề lao động di cư và giải quyết nạn buôn bán người lao động.

Bộ trưởng Lao động Thái Lan cho biết, Ủy ban này cũng đồng ý bổ sung thêm nghề giúp việc nhà và công nhân phổ thông trong hầu hết các ngành công nghiệp vào danh sách công việc người Việt Nam sẽ được phép làm hợp pháp ở Thái Lan.

Chính sách này cũng được áp dụng với lao động Myanmar, Campuchia và Lào, sau khi Thái Lan và 4 nước láng giềng này ký các bản ghi nhớ về hợp tác cung cấp lao động. Thời gian ký các bản ghi nhớ này sẽ sớm được phía Thái Lan thông báo.

Trả lời PV phóng viên VOV thường trú tại Thái Lan, ông Vivathana Thanghong, Phó bí thư Bộ Lao động Thái Lan cho biết: “Chúng tôi rất chào đón người lao động nước ngoài tới Thái Lan làm việc, lao động nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu lao động của chúng tôi. Tuy nhiên, tôi nghĩ giải pháp duy nhất để những lao động nước ngoài có thể làm việc tại Thái Lan đó chính là phải dựa trên các bản ghi nhớ giữa cơ quan chức năng của các nước về trao đổi lao động”.

Theo một thống kê không đầy đủ, ở Thái Lan có khoảng 30.000 - 50.000 người Việt Nam làm việc mà không có giấy phép trong các lĩnh vực như may mặc, bán hàng rong, phục vụ nhà hàng.

Hiện tại phía Thái Lan và Việt Nam cũng đang tích cực đàm phán để đi tới ký kết một biên bản ghi nhớ (MoU) mới về trao đổi lao động để thay thế cho bản ghi nhớ cũ mà ở đó người lao động Việt Nam chỉ được phép hoạt động trong hai ngành nghề là xây dựng và đánh bắt cá. 

Trong năm 2017, phía Thái Lan đã tiến hành hợp thức hoá cho gần 1 triệu lao động nước ngoài làm việc bất hợp pháp tại nước này và đa phần là công dân của những nước có đường biên giới chung với Thái Lan bao gồm Myanmar, Lào và Campuchia. Các lao động người Việt được đăng ký hợp pháp để làm việc tại Thái Lan chỉ có 12 người.

Sợ phía chính quyền bắt giữ

Hiện tại các lao động Việt Nam tại Thái Lan đang trong tình trạng lo sợ giới chức địa phương sẽ tiến hành bắt giữ họ vì đang làm việc bất hợp pháp.

Anh Nguyễn Xuân X, quê Hà Tĩnh, làm việc Thái Lan được 6 năm cho biết, anh đầu tiên sang Thái để làm phụ bếp sau đó tự đứng ra làm riêng. Anh X bán hàng rong tại Bangkok và thu nhập mỗi tháng hai vợ chồng được khoảng 30.000 baht (khoảng 23 triệu VNĐ) đã trừ các chi phí. Theo anh X, đây là khoản thu nhập tốt hơn ở nhà và anh đưa cả vợ và con sang Thái Lan để làm việc. Tuy nhiên, trước tình trạng siết chặt của giới chức Thái Lan, ngoài làm việc các lao động người Việt như anh X không dám đi ra ngoài hoặc nói tiếng Việt. Thậm chí không dám nhận là người Việt Nam.

Các lao động Việt Nam làm việc tại Thái Lan hầu hết sử dụng visa du lịch có giá trị 30 ngày để được phép nhập cảnh vào Thái.

Từ ngày 1-7-2018 tới nay, Thái Lan chính thức áp dụng luật quản lý lao động nhập cư mới. Chỉ tính trong tháng 8 khoảng 60 lao động bất hợp pháp của Việt Nam đã bị chính quyền sở tại bắt giữ và bị phạt nặng.

Đại tướng Adul Sangsingkeo, Bộ trưởng Lao động Thái Lan nói: “Chung quy lại, sẽ chỉ có một lượng lao động nhập cư Việt Nam được phép đến Thái Lan làm việc để đảm bảo không ảnh hưởng đến người lao động Thái Lan cũng như an ninh nội địa”.

Nguồn: VOV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN