Tổng thống Biden muốn đưa công nghệ thành hạt nhân chính sách Mỹ-Trung

02/03/2021 - 13:43

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang hướng tới lựa chọn chất bán dẫn, trí thông minh nhân tạo và mạng viễn thông thế hệ mới là các yếu tố nòng cốt trong chiến lược của Mỹ đối với châu Á, đặc biệt là nhằm đối trọng với Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một sự kiện. Ảnh tư liệu: Reuters

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một sự kiện. Ảnh tư liệu: Reuters

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) đánh giá tình trạng thiếu hụt đột ngột vi mạch cho các sản phẩm như ô tô, điện thoại di động và tủ lạnh trong thời gian qua càng tăng tính cấp thiết cho điều này. Tình trạng đó xuất phát từ việc Trung Quốc tích trữ vi mạch và nhu cầu về sản phẩm này tăng vọt do dịch COVID-19 đẩy mạnh hình thức làm việc từ xa.

Diễn biến này khiến nhiều nhà sản xuất ô tô Mỹ phải ngưng hoạt động và cho thấy rõ điểm yếu của chuỗi cung ứng Mỹ vốn phụ thuộc vào một vài nhà sản xuất châu Á. Chiến lược của Mỹ chủ trương tạo liên minh các quốc gia cùng đấu tranh tạo lợi thế trong chế tạo bán dẫn, máy tính lượng tử thay vì lĩnh vực ganh đua truyền thống trước đây với Trung Quốc như tên lửa. Nhiều chuyên gia đánh giá chính quyền Tổng thống Biden có mục tiêu dựa vào liên minh để xử trí vấn đề Trung Quốc.

Điều phối viên châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Kurt Campbell dự đoán chiến lược này sẽ gắn với một số đồng minh then chốt của Washington như Hàn Quốc, Nhật Bản. Vi mạch cũng có tên trong kế hoạch phát triển của gọi “Bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD) bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ với việc đưa thêm công nghệ sản xuất tới Nam Á.

Ông Rexon Ryu tại Asia Group (Mỹ) nhận xét: “Điều này đồng nghĩa với việc hạn chế đề cập với các quốc gia khác rằng họ không thể làm gì với mạng không dây 5G hoặc trí thông minh nhân tạo mà thay vào đó nhấn mạnh về điều chúng ta có thể cùng thực hiện”.

Tổng thống Biden đã nhấn mạnh đến phát triển vi mạch tại Mỹ. Ảnh: Reuters

Tổng thống Biden đã nhấn mạnh đến phát triển vi mạch tại Mỹ. Ảnh: Reuters

Bà Lindsay Gorman tại Quỹ Marshall (Mỹ) phân tích: “Đã có nhận thức về tầm quan trọng của chất bán dẫn trong khó khăn địa chính trị bởi vi mạch là nền tảng công nghệ thời hiện đại”.

Chiến lược đang nhận được phản ứng tích cực từ Quốc hội khi các nhà lập pháp đã đề xuất nhiều dự luật phát triển công nghệ Mỹ.

Nước đi này của Nhà Trắng diễn ra ở thời điểm lãnh đạo Trung Quốc dự kiến quảng bá công nghệ là trọng tâm phát triển tương lai trong kỳ họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc diễn ra trong tháng 3 này.

Ngày 24-2, Tổng thống Biden đã ra lệnh xem xét lại chuỗi cung ứng vi mạch toàn cầu, bên cạnh đó là dược phẩm, khoáng chất hiếm. Nhưng nhiều quan chức đánh giá vẫn còn quá sớm để biết được chi tiết chiến lược Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 22-2 nêu bật: “Chúng ta nên cùng đối đầu thách thức này – sự ngược đãi, tập quán lợi dụng từ Trung Quốc và việc nước này dùng công cụ xuất khẩu để đẩy mạnh chủ nghĩa chuyên chế công nghệ.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN