Quy định về giá bán lẻ điện sinh hoạt và kiểm định phương tiện đo nhóm 2 đối với nhà cho thuê tháng

20/04/2022 - 06:08

BDK - Sở Khoa học và Công nghệ thông tin đến tổ chức, cá nhân hiểu rõ thêm những quy định pháp luật về giá bán lẻ điện sinh hoạt và việc thực hiện kiểm định phương tiện đo (PTĐ) nhóm 2 trong kinh doanh nhà trọ như sau:

Giấy chứng nhận kiểm định, dấu chì và tem kiểm định.

1. Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29-5-2014 của Bộ Công Thương quy định về thực hiện giá bán điện (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 25/2018/TT-BCT ngày 12-9-2018 của Bộ Công Thương)

a) Quy định về giá bán lẻ điện sinh hoạt và cách tính giá bán lẻ điện sinh hoạt để thu của người thuê trọ

- Đối với trường hợp cho hộ gia đình thuê: Chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) hoặc ủy quyền cho hộ gia đình thuê nhà ký HĐMBĐ (có cam kết thanh toán tiền điện), mỗi hộ gia đình thuê nhà được tính một định mức.

- Trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình):

+ Đối với trường hợp bên thuê nhà có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký HĐMBĐ hoặc đại diện bên thuê nhà ký HĐMBĐ (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà).

+ Trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: Từ 101 - 200kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.

+ Trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan công an quản lý địa bàn. Cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Cụ thể: 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người được tính là 1/2 định mức, 3 người được tính là 3/4 định mức, 4 người được tính là 1 định mức. Khi có thay đổi về số người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện.

Theo quy định nêu trên thì chủ nhà trọ thu tiền điện của người thuê trọ theo đúng giá bán lẻ điện sinh hoạt thanh toán cho đơn vị điện lực và không được tính thêm bất kỳ khoản chi phí nào vào giá điện, phần chi phí khác như tổn thất điện năng, thắp sáng công cộng, bơm nước dùng chung... (nếu có) thì chủ nhà trọ tự cân đối.

Để thuận tiện cho việc tính toán và thu tiền điện hàng tháng, chủ nhà cho thuê tháng tính giá điện bình quân hàng tháng theo công thức sau:

Giá điện bình quân

=

Tổng số tiền điện thanh toán cho Điện lực (Đã bao gồm thuế GTGT)

:

Sản lượng điện (kWh) tiêu thụ của tháng đó

 

Ví dụ: Tháng 3-2022, tổng số tiền điện chủ nhà trọ phải thanh toán cho Điện lực là 3.757.500 đồng (đã có thuế GTGT) và sản lượng điện tiêu thụ là 1.947 kWh. Khi đó, giá điện bình quân để thu của người thuê trọ được tính như sau:

3.757.500 (đồng) : 1.947 (kWh) = 1.930 (đồng/kWh).

Như vậy, tháng 3-2022 chủ nhà trọ được phép thu tiền điện của người thuê trọ với giá điện bình quân là 1.930 đồng/kWh.

b) Quy định về xử lý vi phạm hành chính (VPHHC) đối với các trường hợp vi phạm

- Cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp chủ nhà trọ thu tiền điện của người thuê nhà vượt mức giá quy định. Cụ thể: Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng, quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17-10-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực điện lực (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31-1-2022 của Chính phủ).

- Nếu chủ nhà trọ thu tiền điện vượt mức giá quy định, người thuê nhà phản ánh đến đường dây nóng số điện thoại của Sở Công Thương Bến Tre: 02753827010 (tiếp nhận trong giờ hành chính) hoặc Trung tâm Chăm sóc khách hàng - Tổng Công ty Điện lực miền Nam: 19001006 hoặc 19009000 (tiếp nhận 24/24 giờ) để được giải quyết.

2. Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26-9-2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc kiểm định PTĐ nhóm 2 (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26-7-2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ) quy định việc kiểm định PTĐ nhóm 2; Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 1-11-2017 quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa:

a) PTĐ nhóm 2 là PTĐ được sử dụng để định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và trong các hoạt động công vụ khác được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định tại văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam hiện hành.

b) Kiểm định là biện pháp kiểm soát về đo lường do tổ chức kiểm định PTĐ được chỉ định thực hiện để đánh giá, xác nhận đặc tính kỹ thuật đo lường của PTĐ bảo đảm phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường. PTĐ, thiết bị đo sau khi kiểm định đạt yêu cầu được cấp chứng chỉ kiểm định (tem kiểm định; dấu chì kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định) do đơn vị được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định thực hiện và có giá trị pháp lý trong cả nước.

c) Danh mục PTĐ, biện pháp kiểm soát về đo lường và chu kỳ kiểm định PTĐ:

TT

Tên phương tiện đo

Kiểm định

Chu kỳ kiểm định

Ban đầu

Định kỳ

Sau sửa chữa

1

Đồng hồ nước lạnh cơ khí

x

x

x

60 tháng

2

Đồng hồ điện xoay chiều 1 pha kiểu cảm ứng

x

x

x

60 tháng

3

Đồng hồ điện xoay chiều 1 pha kiểu điện tử

x

x

x

72 tháng

4

Đồng hồ điện xoay chiều 3 pha kiểu cảm ứng

x

x

x

48 tháng

5

Đồng hồ điện xoay chiều 3 pha kiểu điện tử

x

x

x

36 tháng

 

d) Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 1-11-2017 quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Điều 10 - Vi phạm trong sử dụng PTĐ nhóm 2: 

1. Phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây khi sử dụng 1 hoặc nhiều PTĐ có tổng giá trị đến 1 triệu đồng (tính theo giá trị PTĐ mới cùng chủng loại hoặc PTĐ mới có đặc tính kỹ thuật tương đương tại thời điểm VPHC): a) Không có chứng chỉ kiểm định (tem, dấu, giấy chứng nhận) hoặc hiệu chuẩn theo quy định; b) Chứng chỉ kiểm định hoặc hiệu chuẩn đã hết hiệu lực; c) Tháo dỡ niêm phong, kẹp chì, chứng chỉ kiểm định hoặc hiệu chuẩn trên PTĐ.

2. Mức phạt tiền đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này khi sử dụng một hoặc nhiều PTĐ có tổng giá trị trên 1 triệu đồng được quy định như sau:

a) Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng trong trường hợp sử dụng 1 hoặc nhiều PTĐ có tổng giá trị từ trên 1 - 10 triệu đồng;

b) Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng trong trường hợp sử dụng 1 hoặc nhiều phương PTĐ có tổng giá trị từ trên 10 - 30 triệu đồng;

c) Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng trong trường hợp sử dụng 1 hoặc nhiều PTĐ có tổng giá trị từ trên 30 - 50 triệu đồng;

d) Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng trong trường hợp sử dụng 1 hoặc nhiều PTĐ có tổng giá trị từ trên 50 - 70 triệu đồng;

đ) Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng trong trường hợp sử dụng 1 hoặc nhiều PTĐ có tổng giá trị trên 70 triệu đồng.

Công Trứ  - Kim Xuyến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN