Quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn

27/12/2020 - 20:42

BDK - Ngày 30-10-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-12-2020.

Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đồng thời, quy định một số biện pháp thi hành Luật PCTN về kiểm soát TSTN phù hợp với phân cấp quản lý cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định tại Quy chế Phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát TSTN theo quy định tại Điều 30 của Luật PCTN.

Theo Luật quy định, kiểm soát TSTN là hoạt động do cơ quan kiểm soát TSTN thực hiện theo quy định của pháp luật để biết rõ TSTN, biến động về TSTN, nguồn gốc của TSTN tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai nhằm phòng ngừa tham nhũng, phục vụ công tác cán bộ, kịp thời phát hiện tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.

Khai TSTN là việc ghi rõ ràng, đầy đủ, chính xác các loại TSTN, biến động TSTN phải kê khai, nguồn gốc của TSTN tăng thêm theo Mẫu bản kê khai TSTN ban hành kèm theo nghị định này.

Giải trình nguồn gốc TSTN tăng thêm là việc người có nghĩa vụ kê khai tự giải thích, chứng minh về việc hình thành TSTN tăng thêm so với lần kê khai liền trước đó.

Xác minh TSTN là việc kiểm tra, làm rõ nội dung kê khai và xem xét, đánh giá, kết luận của cơ quan kiểm soát TSTN theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật PCTN và nghị định này về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai và tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của TSTN tăng thêm.

Luật quy định, kiểm soát TSTN phải tuân thủ theo các nguyên tắc: Hoạt động kiểm soát TSTN phải bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng; được thực hiện đúng thẩm quyền, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; không xâm phạm quyền tài sản của người có nghĩa vụ kê khai. Mọi vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc kiểm soát TSTN phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện các biện pháp kiểm soát TSTN và xử lý hành vi kê khai, giải trình không trung thực phải căn cứ vào bản kê khai, việc giải trình và kết luận xác minh được thực hiện theo Luật PCTN năm 2018 và Nghị định này.

Luật nghiêm cấm việc sử dụng không đúng mục đích thông tin, dữ liệu trong kiểm soát TSTN.

Về đối tượng phải kê khai TSTN, theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 130-NĐ-CP và Điểm b, Khoản 3 Luật PCTN, người có nghĩa vụ phải kê khai TSTN gồm: chấp hành viên, điều tra viên, kế toán viên, kiểm lâm viên, kiểm sát viên, kiểm soát viên ngân hàng, kiểm soát viên thị trường, kiểm toán viên, kiểm tra viên của Đảng, kiểm tra viên hải quan, kiểm tra viên thuế, thanh tra viên, thẩm phán.

Ngoài ra, luật quy định người phải kê khai TSTN là những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đ. Chính

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN