Quy định về xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình

24/11/2014 - 07:36

Bạo lực là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Chúng tôi xin lược trích một số quy định xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) và khen thưởng cá nhân, tập thể tham gia phòng, chống BLGĐ. 

Trong Luật Phòng, chống BLGĐ, tại Điều 42 về xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ quy định, người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Điều 43 về áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng nêu rõ là người thường xuyên có hành vi BLGĐ đã được góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày áp dụng biện pháp này vẫn có hành vi BLGĐ nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Người có hành vi BLGĐ đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục thực hiện hành vi BLGĐ nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; đối với người dưới 18 tuổi thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

Tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống BLGĐ, ở Điều 49 quy định hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình là: Phạt từ 1 - 1,5 triệu đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình. Phạt 1,5 - 2 triệu đồng đối với trường hợp sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình; không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi BLGĐ, trừ trường hợp nạn nhân từ chối. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

Ở Điều 51 cũng quy định rõ hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình là: phạt tiền từ 500 ngàn - 1 triệu đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình. Phạt từ 1 - 1,5 triệu đồng đối với một trong những hành vi tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình; phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này; buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh đối với hành vi quy định tại Điểm a, c Khoản 2 Điều này.

Ngoài ra, Thông tư 24/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tiêu chuẩn, điều kiện khen thưởng cá nhân, tập thể tham gia phòng, chống BLGĐ, ở Điều 3: quy định tiêu chuẩn và hình thức khen thưởng là cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho hoạt động phòng, chống BLGĐ như: tổ chức, chỉ đạo công tác phòng, chống BLGĐ, truyền thông về phòng, chống BLGĐ; thông tin, tố giác, ngăn chặn hành vi BLGĐ; hỗ trợ nạn nhân BLGĐ; xử lý các hành vi BLGĐ; huy động nguồn lực hoặc trực tiếp hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động phòng, chống BLGĐ. Cá nhân, tập thể có những đóng góp đột xuất tạo được ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng về phòng, chống BLGĐ. Tiêu chuẩn khen thưởng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, huy chương, huân chương thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.

Hình thức khen thưởng: giấy khen; bằng khen; kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch; huy chương; huân chương; cá nhân, tập thể được khen thưởng ngoài các hình thức khen thưởng quy định tại Điểm a, b, c, d và đ, Khoản 2 Điều này còn được nhận tiền thưởng tương ứng với hình thức được khen thưởng theo quy định hiện hành.

Những thông tin cần biết:

54% phụ nữ đã từng có lần bị chồng bạo lực tinh thần.

50% phụ nữ bị BLGĐ không dám nói với người khác về vấn đề này của mình.

87% phụ nữ bị BLGĐ chưa bao giờ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ chính thống hoặc những người có thẩm quyền.

(Theo Nghiên cứu quốc gia về BLGĐ đối với phụ nữ Việt Nam năm 2010)

Phòng XD nếp sống VH&GĐ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN