Quỹ đồng tài trợ tạo sinh kế bền vững

20/05/2016 - 06:20

Người dân xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc với mô hình nuôi dê sinh sản từ Quỹ đồng tài trợ, Dự án AMD Bến Tre.

Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bến Tre (Dự án AMD Bến Tre) được triển khai tại 30 xã thuộc 8 huyện của tỉnh. Dự án thực hiện đầu tư cho 4 quỹ chính, trong đó điển hình là Quỹ đồng tài trợ (CFAF).

Trong khuôn khổ của CFAF đề ra mục tiêu là chia sẻ rủi ro, khuyến khích ứng dụng mô hình sản xuất, dịch vụ hợp lý tạo thu nhập bền vững cho người dân trong điều kiện chịu ảnh hưởng tác động của BĐKH. Các đề xuất tài trợ phải được xây dựng dưới hình thức tiểu dự án đầu tư (TDA). Và các đề xuất tài trợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cộng đồng, đặc biệt ưu tiên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, các hộ khó khăn (hộ có thu nhập từ 130 - 150% so với chuẩn nghèo, hộ thoát nghèo chưa bền vững), hộ do nữ làm chủ hộ được phản ánh trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã. Ngoài các đối tượng ưu tiên trên, hộ sản xuất, kinh doanh khác, các tổ, nhóm hợp tác cũng được tài trợ khi hoạt động sản xuất, kinh doanh có tạo thu nhập trực tiếp cho các hộ nghèo và cận nghèo; thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản phẩm thích ứng với BĐKH trên địa bàn và hỗ trợ thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Quỹ CFAF sẽ tài trợ không hoàn lại tối đa 50% tổng chi phí để đầu tư sản xuất, kinh doanh với mức cụ thể: hộ gia đình, mức tài trợ tối đa là 30 triệu đồng/hộ; tổ, nhóm hợp tác sản xuất: 750 triệu đồng (tùy vào số thành viên tham gia). Người hưởng lợi sẽ đối ứng ít nhất 50% chi phí trên tổng mức đầu tư cho một TDA đề xuất đầu tư. Trong 50% đối ứng đó thì có 30% chi phí đối ứng dưới dạng hiện vật (đất đai gắn với hoạt động sản xuất, chuồng trại, trang thiết bị, ngày công lao động...) và ít nhất 20% chi phí đối ứng dưới dạng tiền mặt hoặc dưới dạng một khoản vay từ tổ chức tín dụng.

Các hoạt động được ưu tiên tài trợ như chuyển đổi sản xuất, ứng dụng các mô hình sản xuất thích ứng với BĐKH trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đầu tư mới hoặc nâng cấp cơ sở sản xuất quy mô nhỏ nhằm cải thiện năng suất, chất lượng con giống thủy sản. Đầu tư sản xuất tạo thu nhập hoặc kinh doanh dịch vụ theo hướng bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH (sử dụng năng lượng sinh học, năng lượng mặt trời, tưới tiêu tiết kiệm nước, thiết bị tưới tiêu sử dụng năng lượng thấp). Các hoạt động đầu tư sản xuất và dịch vụ phi nông nghiệp nhằm tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn không đất, ít đất sản xuất. Đầu tư mới, nâng cấp các cơ sở nhân giống, ươm giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với BĐKH (giống lúa chịu mặn, chịu hạn, kháng bệnh đã được nghiên cứu thành công và cần nhân rộng).

Năm 2015, thực địa thẩm tra và phê duyệt tài trợ ưu tiên, Dự án AMD Bến Tre đã cấp vốn cho 67 hồ sơ gồm có 14 nhóm hợp tác và 53 hộ gia đình. Số người hưởng lợi trực tiếp là 197 hộ, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 79%, bình quân 14 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó có những người hưởng lợi gián tiếp từ những mô hình phi nông nghiệp tạo thêm thu nhập cho gia đình. Các mô hình được người dân lựa chọn và được tài trợ như nuôi dê sinh sản kết hợp trồng bưởi, gừng và nuôi dê đơn thuần; nuôi heo kết hợp biogas nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường; trồng cỏ nuôi bò sinh sản và nuôi gà trên đệm lót sinh học. Ngoài các mô hình nông nghiệp còn có những mô hình phi nông nghiệp như bó chổi cọng dừa, may gia công và đan hàng mỹ nghệ từ cọng lục bình, dây nhựa. Quỹ CFAF năm 2015 không lớn nên chỉ phê duyệt tài trợ được 47% số TDA đạt yêu cầu. Các TDA còn lại dự kiến sẽ thẩm định thực địa và xem xét tài trợ tiếp tục năm 2016.

Năm 2016, tiếp tục thực hiện nhân rộng các mô hình tạo sinh kế bền vững đã được lựa chọn tại các xã dự án nhằm tạo thu nhập tăng thêm cho các nhóm đối tượng mục tiêu, nhất là hộ nghèo và cận nghèo. Danh mục mô hình kêu gọi tài trợ sẽ được rà soát lại và cập nhật phù hợp với điều kiện thực tế tại địa bàn các xã dự án trong tình hình xâm nhập mặn nghiêm trọng hiện nay. Phối hợp chặt chẽ với hoạt động của Quỹ tài chính nông thôn và các nguồn tín dụng khác tại địa phương để kết nối nguồn vốn đồng hỗ trợ cho hộ gia đình có đủ nguồn lực đối ứng vào đầu tư sản xuất. Kết nối tiêu thụ ổn định cho một số ngành hàng theo kế hoạch chuỗi giá trị và một số ngành hàng khác (như dê, gừng, gia cầm) để sản xuất của người hưởng lợi tiếp tục duy trì ổn định.

Dự án AMD Bến Tre sẽ thực hiện 2 đợt thông báo kêu gọi tài trợ trong năm 2016, trong đó đợt 1 dự kiến vào đầu tháng 6.  

Bài, ảnh: Tiến Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN