Sở Tài nguyên và Môi trường vừa phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Lồng ghép phương pháp tiếp cận dựa vào hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu vào công tác quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học” (Dự án EAB - Tổng cục Môi trường) và Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF - Việt Nam) tổ chức hội thảo tổng kết Dự án “Lồng ghép phương pháp tiếp cận dựa vào hệ sinh thái ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) vào quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học”.
Đến dự có ông Nguyễn Thế Đồng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, bà Huỳnh Thị Mai - Phó cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, ông Hoàng Việt - Điều phối viên Chương trình biến đổi khí hậu của WWF - Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan của 5 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang và Tiền Giang; ông Nguyễn Văn Chinh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre, cùng đại diện một số sở, ngành tỉnh.
Nội dung của buổi hội thảo nhằm đánh giá các kết quả của Dự án EAB đã hỗ trợ Bến Tre và tìm cơ hội hợp tác mới, đồng thời chia sẻ các thông tin về lồng ghép phương pháp tiếp cận dựa vào hệ sinh thái vào quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre với một số tỉnh khác trong khu vực.
Dự án Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2025 được thực hiện từ năm 2010, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt. Mục tiêu chính của Dự án là đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học và thiết lập được quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp với điều kiện tỉnh Bến Tre mang tính khả thi để quản lý, phục hồi và phát triển các giống loài, hệ sinh thái và cảnh quan trọng đặc thù của tỉnh. Dự án tập trung nghiên cứu các nội dung chính, như: điều tra, khảo sát về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, hiện trạng chất lượng môi trường tại các khu vực có tính đa dạng sinh học cao; điều tra, khảo sát hiện trạng đa dạng sinh học của tỉnh; đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, các mối đe dọa cũng như chức năng và giá trị đa dạng sinh học ở tỉnh…
Để thực hiện được quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, Dự án đã nêu lên 9 giải pháp: tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học; lồng ghép với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng mô hình phát triển kinh tế bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học ứng phó với BĐKH; nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ đa dạng sinh học; thành lập chương trình đào tạo kiến thức đa dạng sinh học; hoàn thiện hệ thống pháp lý cho bảo tồn đa dạng sinh học; chế tài xử lý về mặt hình sự trong bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường nguồn lực tài chính trong bảo tồn; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong bảo tồn đa dạng sinh học; tổ chức và phân công thực hiện quy hoạch.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu thực hiện Dự án, hệ sinh thái tự nhiên của tỉnh đang dần bị thay thế bởi các hệ sinh thái bán tự nhiên và nhân tạo. Đây là kết quả tương tác giữa con người với tự nhiên trong thời gian dài. Số liệu thống kê về hiện trạng đa dạng loài ở Bến Tre cho thấy, thực vật bậc cao: 933 loài, thú: 30 loài, bò sát: 40 loài, lưỡng cư: 12 loài, cá: 80 loài, côn trùng: 330 loài.
Tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao tính thiết thực, khả thi và phù hợp của Dự án trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, Dự án không chỉ áp dụng được tại Bến Tre mà còn có thể thực hiện được tại hầu hết các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đây là một vấn đề mới, cần có nhiều thời gian cũng như sự hỗ trợ tích cực từ các bộ, ngành trong quá trình triển khai thực hiện.
Đánh giá về công tác bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, ông Nguyễn Thế Đồng cho biết: Bến Tre là tỉnh thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học khá sớm. Với đặc thù của địa phương, hình thức bảo tồn sinh học phổ biến được áp dụng ở tỉnh là bảo tồn tại chỗ, hình thức thành lập các khu bảo tồn và đề xuất các biện pháp quản lý phù hợp. Ngoài ra, Bến Tre đã xây dựng và đưa vào hoạt động một hệ thống rừng phòng hộ, đặc dụng - đây là một lá chắn hữu hiệu nhằm hạn chế tình trạng xói lở, đóng vai trò là lá phổi xanh hấp thụ khí CO2, góp phần làm giảm thiểu khí gây nên hiện tượng nhà kính. Trong điều kiện hiện nay, để giúp Bến Tre ứng phó, giảm nhẹ tác động của BĐKH, công tác quy hoạch và bảo tồn đa dạng sinh học là không thể thiếu…