Thành phố ra quân giữ
gìn trật tự đô thị
TP. Bến Tre được nhiều du khách đánh giá là đô thị khá mỹ
quan và trật tự. Sự hiện diện của Đội Trật tự đô thị thành phố trong thời gian
qua đóng vai trò then chốt trong công tác dọn dẹp vỉa hè, lòng, lề đường. Tuy nhiên,
thẩm quyền xử lý và duy trì kiểm tra phải là công việc của phường, xã nhưng hầu
như các địa phương rất ít thực hiện, xử lý. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố
vẫn còn tồn tại một số “điểm đen” và việc tái lấn chiếm vẫn còn diễn ra.
Thời gian gần đây, việc giữ gìn trật tự đô thị chống lấn
chiếm vỉa hè, lòng, lề đường đang được các đô thị lớn thực hiện, trở thành
phong trào chung của cả nước, TP. Bến Tre hiện đang quyết tâm lập lại trật tự
đô thị. TP. Bến Tre là đô thị loại III trực thuộc tỉnh, Đội Trật tự đô thị
thành phố với 5 người phụ trách lập lại trật tự đường phố, 2 người kiểm tra trật
tự xây dựng hàng tháng lên lịch phối hợp với cán bộ quản lý đô thị địa phương,
công an ra quân mỗi ngày 3 lần, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật. Trọng điểm là đại lộ
Đồng Khởi, Quốc lộ 60, hai trục cảnh quan bộ mặt của tỉnh và thành phố cần phải
giữ gìn. Khoảng hai tuần nay, trật tự vỉa hè đại lộ Đồng Khởi trong và ngoài giờ
hành chính trở nên mỹ quan hơn, từ 8 giờ tối trở đi một số quán bày bán nhưng
không đáng kể.
Thành phố có chủ trương xây dựng phường văn minh đô thị,
trong đó tiêu chí về trật tự mỹ quan đô thị được xem là khó thực hiện, do đó
các xã, phường rất quan tâm tập trung xây dựng. Bước đầu có hiệu quả, như khu vực
trước cổng Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, vài năm trở lại đây trở nên thông
thoáng, thỉnh thoảng có tái lấn chiếm nhưng không đáng kể. Một số khu vực lấn
chiếm diễn ra thường xuyên được lắp chốt gác có người trực nhằm giữ gìn trật tự
như khu vực trước cổng Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, cầu Bến Tre, chợ Cầu Bà Mụ.
Bên cạnh đó, việc lấn chiếm trên đường Phan Đình Phùng, ngã ba Phú Hưng cũng
khiến ngành chức năng gặp khó khăn trong công tác giải tỏa. Nguyên nhân chính
do thuộc vùng tranh chấp đất đai hay mặt đường nhỏ hẹp, hạ tầng không đáp ứng
nhu cầu người dân, từ đó phát sinh lấn chiếm. Việc giải tỏa được xác định là
không khó nhưng cần phải đảm bảo ổn định xã hội - một cán bộ Phòng Quản lý đô
thị cho biết.
Việc chiếm dụng vỉa hè, lòng, lề đường trở nên phổ biến ở
khu vực các chợ trên địa bàn thành phố. Có 6/10 chợ ở TP. Bến Tre không có quy
hoạch bãi giữ xe trong đất chợ do diện tích quá nhỏ hẹp như: Trung tâm Thương mại,
chợ Bến Tre, chợ Ngã Năm, chợ Phường 6, chợ Cầu Bà Mụ, chợ An Hòa. Người mua
hàng phải đậu xe dọc lề đường hoặc chợ phải mượn vỉa hè làm nơi trông xe (có sự
đồng ý của chính quyền địa phương) buộc người dân phải đi bộ dưới lòng, lề đường
khá nguy hiểm. Phường 2 hiện là khu vực “nóng” nhất, được coi như “phố chợ”, gần
như tất cả các vỉa hè trên địa bàn này đều bị chiếm dụng để buôn bán, kinh
doanh, lắp mái che, để xe bít kín lối đi dành cho người đi bộ. Ông Võ Tấn Trung
- Chủ tịch UBND Phường 2 cho biết: Gần 100% hộ dân sống ở phường đều là hộ kinh
doanh (khoảng 611 hộ). Do lịch sử để lại, nhiều năm nay chưa làm được, nguyên
nhân một phần là khi cải tạo vỉa hè để xây dựng bộ mặt đô thị, phần trước vỉa
hè một số tuyến đường là do chính quyền vận động nhân dân làm vỉa hè. Các vị tiền
nhiệm khi vận động nhân dân có hứa dân làm (đất nhà nước, kinh phí dân đóng
góp, thực hiện theo quy cách chung) sẽ cho bán trên vỉa hè, sau này mình vận động
rất khó. Phường từng ra quân dọn dẹp vỉa hè nhưng không duy trì được và chưa đủ
sức răn đe vì mức xử phạt thấp, không có biện pháp gì cao hơn, phường không có
nơi giữ hàng hóa tạm giữ.
Phường 2 không phải lập lại trật tự vỉa hè theo phong
trào, theo Nghị quyết của Thành ủy, HĐND, kế hoạch của UBND thành phố trong năm
2017, Phường 2 xây dựng phường văn minh đô thị. Hiện phường đã đạt 26/32 tiêu
chí, đặc biệt tiêu chí số 14 về trật tự mỹ quan đô thị, phường đang xây dựng kế
hoạch chuyên đề để thực hiện tiêu chí này và đợi phê duyệt (địa phương đang
khuyết chức danh Bí thư Đảng ủy). Theo đó, phường sẽ ra thông báo, nhắc nhở đối
với các hộ vi phạm, sau đó có 6 đoàn kiểm tra thường xuyên để lập lại trật tự
các tuyến đường như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Lợi, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Đống Đa,
Hùng Vương. Đối với các hộ hàng rong, phường đã thống kê được 110 hộ, theo tính
toán bước đầu sẽ bố trí buôn bán ở khu vực bờ sông đường Hùng Vương, kể cả các
hộ hàng rong trên đường Lý Thường Kiệt (chợ tự phát không có người quản lý, do
người dân cho thuê nhà để buôn bán, khi không có lực lượng chức năng sẽ tràn ra
vỉa hè, lòng, lề đường). Dự kiến đầu tháng 4-2017, khi có đủ nhân sự chủ chốt,
Phường 2 sẽ ra quân thực hiện tái lập trật tự vỉa hè, đồng thời bố trí bến bãi
đỗ xe đối với xe ô tô nhằm tạo vẻ mỹ quan, nền nếp cho phố chợ Phường 2.
Để vỉa hè luôn được thông thoáng làm đúng chức năng phục
vụ cho người đi bộ, thiết nghĩ vai trò của các xã, phường phải là người “tổng
chỉ huy” thể hiện sự kiên quyết để lấy lại vẻ mỹ quan cho khu vực quản lý của
mình. Bên cạnh đó, thành phố cần xây dựng hạ tầng đô thị hoàn chỉnh nhằm đáp ứng
các nhu cầu thiết yếu của người dân hiện nay ngày càng gia tăng.
Các huyện đều thể hiện
quyết tâm
Tháng 1-2017, UBND huyện Mỏ Cày Bắc đã ban hành kế hoạch
“Giải tỏa, lập lại trật tự hành lang đường bộ trên địa bàn huyện năm 2017”.
Theo đó, vận động các hộ dân hai bên tuyến đường tự tháo mái che, bảng hiệu, lều
quán, cây cối lấn chiếm hành lang dành cho người đi bộ. Di dời các điểm buôn
bán tự phát, các hộ kinh doanh tại các chợ lấn chiếm hành lang đường bộ gây ảnh
hưởng xấu đến trật tự an toàn giao thông (ATGT) có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao
thông và tai nạn giao thông. Tập trung giải tỏa hành lang đường bộ các tuyến:
Quốc lộ 60, đường tỉnh 882, hai bên đường tại các chợ. Ông Nguyễn Văn Bàn - Chủ
tịch UBND huyện cho hay: Ban ATGT huyện cương quyết xử lý nghiêm các hộ cố tình
tái lấn chiếm, các hộ kỳ kèo không chịu di dời. Sắp tới đây, Ban ATGT huyện mở
đợt ra quân tiếp theo để truy quét, xử lý nghiêm và chấm dứt tình trạng lấn chiếm
hành lang dành cho người đi bộ. Việc xử lý này làm thường xuyên mỗi ngày chứ
không chỉ tập trung vào các ngày lễ lớn.
Ở Mỏ Cày Nam, từ đầu năm đến nay, Ban ATGT huyện đã ban
hành một số kế hoạch nhằm thực hiện đảm bảo trật tự ATGT, đồng thời gởi văn bản
đến các cơ quan có liên quan, UBND các xã, thị trấn yêu cầu tăng cường hoạt động
tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT, hành lang
ATGT đường bộ. Công an huyện phối hợp Ban ATGT các xã, thị trấn dự họp tổ nhân
dân tự quản tại các “điểm đen” về tai nạn giao thông, lấn chiếm hành lang lộ giới
để tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường bộ.
Trước đó, huyện cũng có kế hoạch giải tỏa hành lang ATGT
tuyến Quốc lộ 57 và 60 đảm bảo ATGT những tháng cuối năm 2016 và năm 2017, sau
đó lập biên bản bàn giao cho địa phương tiếp tục quản lý, theo dõi, nếu các hộ
còn tái lấn chiếm, địa phương đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện.
Đối với Châu Thành,
giải phóng hành lang đảm bảo ATGT là việc làm thường xuyên. Đây là nhận định của
ông Nguyễn Phước Thắng - Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng, đơn vị thường trực
của Ban ATGT huyện. Theo ông Thắng, để đảm bảo trật tự hành lang ATGT cũng như
hạn chế tình trạng tai nạn giao thông có liên quan đến hành vi lấn chiếm lòng,
lề đường, vỉa hè, hành lang ATGT đường bộ đồng thời đảm bảo vẻ mỹ quan, hàng
tháng Ban ATGT huyện xây dựng kế hoạch về tăng cường công tác xử lý vi phạm
hành lang ATGT triển khai đến các xã, thị trấn.
Trên cơ sở đó, Ban ATGT các xã, thị trấn cùng với các
ban, ngành đoàn thể có liên quan xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện. Lên lịch
cụ thể, thời gian rõ ràng cho từng đợt ra quân giải tỏa hành lang ATGT cho các
đơn vị, địa phương. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các hộ
dân vi phạm tự giác di dời hàng hóa, biển hiệu… trả lại hành lang ATGT. Ban
ATGT các xã, thị trấn chịu trách nhiệm xử lý vi phạm hành chính đối với các trường
hợp vi phạm như mua bán, tập kết vật liệu xây dựng, dựng biển hiệu, họp chợ, lều
quán… lấn chiếm hành lang ATGT; chèo kéo khách hàng gây mất trật tự ATGT; các
trường hợp đậu, đỗ xe không đúng quy định lấn chiếm, lòng lề đường. Sau mỗi đợt
giải tỏa sẽ mời chủ tịch UBND các xã, thị trấn về huyện dự họp để đánh giá rút
kinh nghiệm. Thường trực Ban ATGT huyện sẽ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các ban,
ngành thực hiện.
Cùng với các địa phương, huyện Ba Tri đang xây dựng kế hoạch
“giành” lại vỉa hè cho người đi bộ. Theo thông tin từ Phòng Kinh tế - Hạ tầng
huyện Ba Tri, phòng đã phối hợp với các ngành liên quan như: Ban ATGT, Công an,
UBND thị trấn để xây dựng kế hoạch ra quân lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. Hiện
tại, đơn vị đang trong quá trình hoàn thiện kế hoạch để thông qua UBND huyện và
Huyện ủy. Dự kiến, khoảng ngày 20-3-2017 sẽ triển khai thực hiện các giải pháp
để đảm bảo trật tự nơi đô thị và các điểm công cộng trong toàn huyện.
Được biết, thời gian qua, huyện thường xuyên chỉ đạo, triển
khai thực hiện đảm bảo trật tự đô thị và tình trạng lấn chiếm vỉa hè thông qua
các cuộc họp chi bộ, tổ nhân dân tự quản để tuyên truyền, vận động cán bộ, người
dân, các hộ kinh doanh mua bán không lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường và giữ vệ
sinh khu vực công cộng.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Thanh Phong - Chủ tịch UBND thị
trấn, tình trạng lấn chiếm lề đường, vỉa hè trên địa bàn thị trấn còn xảy ra. Đặc
biệt, tuyến đường Nguyễn Trãi, Thái Hữu Kiểm, ý thức thực hiện của các hộ kinh
doanh chưa cao, khi có lực lượng kiểm tra thì các hộ có tuân thủ nhưng sau đó
tình trạng lấn chiếm vẫn tiếp diễn. Ngoài ra, khu vực chợ Ba Tri do điều kiện mặt
đường hẹp, nhu cầu đi lại cao, hàng hóa của các tiểu thương trưng bày gây ảnh
hưởng việc lưu thông của nhiều phương tiện và người đi bộ.
Tại huyện Giồng Trôm, công tác giữ gìn trật tự vỉa hè đã
được triển khai thường xuyên theo kế hoạch năm. Phòng Kinh tế - Hạ tầng đã phối
hợp với các đơn vị hữu quan trong huyện thường xuyên kiểm tra định kỳ, nhắc nhở
các hộ kinh doanh không lấn chiếm hành lang, vỉa hè dành cho người đi bộ. Tuyên
truyền trên hệ thống đài truyền thanh, sinh hoạt tổ nhân dân tự quản… để nâng
cao ý thức người dân về giữ gìn trật tự, không lấn chiếm vỉa hè dành cho người
bộ để kinh doanh, sinh hoạt… Được biết, sắp tới đây, để nâng cao hiệu quả trong
công tác này, huyện sẽ tăng cường các giải pháp quản lý, tuyên truyền nâng cao
hơn nữa ý thức chấp hành của người dân, đảm bảo việc giữ gìn trật tự cho người
đi bộ, tạo vẻ mỹ quan cho các đường phố.
Ông Lê Chí Dũng - Chủ tịch UBND Thị trấn Bình Đại cho biết:
“Thời gian qua, Thị trấn thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ hành lang ATGT,
xây dựng tuyến đường văn minh đô thị. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, đó là lực
lượng Công an Thị trấn quá mỏng, dụng cụ, trang thiết bị để phục vụ cho công
tác ra quân bảo vệ hành lang ATGT đường bộ còn thiếu. Ý thức của tiểu thương và
người dân còn chưa cao. Thời gian tới, Thị trấn tăng cường ra quân tuần tra, kiểm
soát dọc theo các tuyến lộ. Nhắc nhở, tuyên truyền các hộ tiểu thương, người
dân tham gia giao thông, nhất là việc lấn chiếm hành lang ATGT, biển quảng cáo.
Kiến nghị các ngành chức năng huyện tăng cường phối hợp với Thị trấn thực hiện
bảo vệ hành lang ATGT, góp phần xây dựng đô thị văn minh”.