"Thực hiện các nghiên cứu và tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn về chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển cho các cơ quan nhà nước và tổ chức kinh tế - xã hội, cá nhân... là một trong những mục tiêu của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS", TS Nguyễn Quang A, Viện trưởng cho biết.
"Mở cửa" cho các nghiên cứu về chính sách, chiến lược
|
TS Nguyễn Quang A. Ảnh: Ngọc Lê |
Theo một nghiên cứu mới đây về hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, thì ở Việt Nam hiện nay có gần 2.000 các hội, tổ chức, viện... Thành lập mới một Viện Nghiên cứu tư nhân trong bối cảnh rất nhiều viện nghiên cứu chiến lược đã ra đời, vậy điểm khác biệt của Viện IDS là gì, thưa ông?
- IDS là một viện nghiên cứu mở theo nghiều nghĩa. Về mặt tổ chức, Hội đồng Viện sẽ là một hội đồng mở, mời các nhà khoa học, doanh nhân, chính khách tham gia tùy vào thời điểm thích hợp.
"Mở" thứ hai là Viện sẽ mời các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia dưới hình thức thường xuyên hay cộng tác viên.
Viện sẽ chủ yếu hoạt động qua môi trường mạng. Các nhà nghiên cứu cùng làm việc với nhau trong một đề tài dù họ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, New York, London, Paris hay Tokyo.
Các seminar định kỳ của chúng tôi cũng mở cho tất cả những ai quan tâm. Ngoài các seminar định kỳ, Viện IDS sẽ tổ chức các seminar bất thường khác.
Phát biểu trong một Hội thảo, có chuyên gia kinh tế đã cho rằng các kết quả nghiên cứu của nhiều Viện, nhiều tổ chức lâu nay vẫn bị "đắp chiếu", không có tác động nhiều đến việc hoạch định đường lối, chính sách. IDS dự định đột phá điều này thế nào?
- Chúng tôi mong muốn sẽ là một viện nghiên cứu chính sách. Nói cách khác, những nghiên cứu của Viện là những nghiên cứu độc lập, nhằm đưa ra những khuôn khổ lý luận dựa trên nghiên cứu lý thuyết, kinh nghiệm quốc tế và khu vực.
Chúng tôi sẽ dùng những khuôn khổ đó để phân tích các chính sách hiện hành trên tinh thần phê phán và xây dựng, qua đó kiến nghị các lựa chọn cải thiện chính sách. Và những kết quả đó sẽ được công bố chứ không để “đắp chiếu”.