Ra Phú Yên hiểu thêm về vị nữ tướng Bến Tre

10/09/2014 - 07:42
Sinh viên tình nguyện viếng Đền thờ Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ảnh: P. Hân

Bến Tre chúng ta vinh dự có nữ tướng Nguyễn Thị Định. Chúng ta đã biết bà là vị nữ tướng chính thức được phong hàm Thiếu tướng năm 1974, từng là Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã góp phần rất lớn trong công cuộc lãnh đạo giải phóng miền Nam.

Sau giải phóng, bà đã giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nhiều năm liền. Cuộc đời và sự nghiệp của bà đã được nhiều người nghiên cứu, tìm hiểu và công bố nhưng vẫn còn bao điều thú vị không phải ai cũng được biết, kể cả với những người thân.

Vừa rồi, tôi có dịp cùng Hội Nhà báo Bến Tre ra thăm Phú Yên. Khi đến thăm huyện Sơn Hòa, được giới thiệu tôi là người Giồng Trôm, một đồng chí lãnh đạo huyện Sơn Hòa bắt tay tôi, cười bảo: “Người thân đấy nhé”. Tôi vô cùng thắc mắc: Mình chưa đến Phú Yên lần nào, cũng chưa tiếp xúc ông ấy lần nào, sao ông ấy lại nhận là người thân? Tôi cố moi óc nhớ lại nhưng không tài nào biết được!

Dường như hiểu được thắc mắc của tôi, một lát sau, vị lãnh đạo này nói: “Bà Định cũng quê Giồng Trôm Bến Tre phải không? Bà đã có một thời gian dài ở tại Phú Yên này và rất được nhân dân ở đây mến mộ. Cho nên ai ở Giồng Trôm cũng xem như người thân của chúng tôi hết”.

Thì ra vị lãnh đạo huyện Sơn Hòa nhận tôi là “người thân” là như vậy! “Thân” qua mối quan hệ của bà Nguyễn Thị Định với nhân dân tỉnh Phú Yên. Tôi hết sức ngỡ ngàng vì gần như không biết chuyện này!

Nói xong, vị lãnh đạo này đã nhờ bộ phận văn phòng phô-tô cho đoàn chúng tôi mỗi người mấy tờ giấy A4 trong đó có tư liệu về bà Nguyễn Thị Định trong thời gian ở Phú Yên năm 1946.

Đoạn tài liệu đã được ghi trong sử sách của Phú Yên cho thấy là năm 1946, bà Nguyễn Thị Định đã ở Phú Yên và tổ chức trạm trung chuyển, chuyển được 12 tấn vũ khí về Nam bằng “chuyến tàu không số đầu tiên”. Điều này thật ra không có gì khác so với những tư liệu lịch sử tỉnh nhà tôi đã từng tham khảo, nhưng ở đây đã có thêm nhiều chi tiết sinh động, phong phú hơn.

Tài liệu trên ghi rõ:

 “Khoảng đầu tháng 6-1946, theo lệnh của cấp trên, bà Nguyễn Thị Định đã đến Phường 6, thị xã Tuy Hòa, để chuẩn bị việc tiếp nhận vũ khí chuyển về Nam. Ông Mai Sanh, ở Phường 6, Tuy Hòa, nguyên tiểu đội trưởng du kích thời bấy giờ, kể lại sự kiện bà Nguyễn Thị Định đến Phường 6 và hoạt động của tổ nữ du kích thời bấy giờ: “Năm ấy, bà Định được phụ nữ và lãnh đạo thị xã cùng một số cán bộ khác đưa đến phường giới thiệu để sinh hoạt tại đây. Thời gian ở Phường 6, bà Nguyễn Thị Định được bố trí ở tại nhà bà Châu Thị Nghĩa, Hội trưởng Hội Phụ nữ Phường 6 và Hội Mẹ, Chị chiến sĩ Phường 6 (nay là số nhà 285, đường Nguyễn Công Trứ). Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Định còn ở nhà bà Phan Thị Nhi, Hội phó Hội Phụ nữ và Hội Mẹ, Chị chiến sĩ Phường 6 (nay là số nhà 248, đường Nguyễn Công Trứ). Bà Nguyễn Thị Định sinh hoạt cùng chị em trong Hội Phụ nữ phường. Ban đêm, bà phổ biến một số chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Đông Dương, tình hình trong nước và thế giới cũng như phong trào cách mạng. Ban ngày, bà cùng với trung đội dân quân du kích tập luyện quân sự, tập bơi lội, bơi thúng chai rồi bơi xuồng… Có hôm, bà còn đánh liều bơi sang tận gò đất bên kia sông. Tính tình đôn hậu lại dễ gần nên chị em ai cũng mến, xem chị Ba như người trong nhà”.

Trong thời gian công tác ở Phú Yên, cô Ba Định tham gia phát động quần chúng ở nhiều địa phương trong tỉnh. Sau một thời gian chuẩn bị, số vũ khí do Trung ương cấp đã tập kết đầy đủ tại Phú Yên. Đợi đến mùa gió bấc, bà Nguyễn Thị Định được lệnh xuất phát chở vũ khí về Bến Tre. Trung đội du kích và đội Bạch đầu quân Phường 6 được giao nhiệm vụ bảo vệ và chuyển vũ khí xuống thuyền. Bà Nguyễn Thị Định lưu luyến tạm biệt nhân dân Phường 6 theo con thuyền tiến ra cửa sông Đà Rằng, vượt biển về Nam. Đến cuối năm 1946, con thuyền đã cập bến Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) an toàn, mang theo 12 tấn vũ khí Trung ương chi viện cho chiến trường Nam Bộ”.

Ông Mai Sanh năm nay đã 80 tuổi, vẫn nhớ như in cái đêm đưa cô Ba Định rời bến ra cửa biển Đà Diễn vào Nam: “Đêm ấy, trời tối đen như mực, tầm hơn 2 giờ sáng, một chiếc thuyền từ đằng xa từ từ tiến vào, chúng tôi nhận lệnh từ cấp trên yểm trợ cho chị Ba, một toán khác trong đó có ông Mai Don nay ở Phường 4 trực tiếp chuyển vũ khí xuống thuyền, mọi việc xong xuôi trước 3 giờ và con tàu từ từ nhổ neo rời bến. Nhưng thời ấy việc ai làm nấy biết, chúng tôi không tiện tìm hiểu. Mãi đến tận sau này, tôi mới biết đó là bà Nguyễn Thị Định”.

Bà Lê Thị Thuẫn, năm nay 76 tuổi, là thế hệ du kích nữ Phường 6 những năm 1949-1952, tuy không trực tiếp hoạt động, sinh hoạt cùng nữ tướng Nguyễn Thị Định, nhưng với bà và những chị em thời đó, chính tấm gương chiến đấu của bà Định đã cổ vũ tinh thần chị em tích cực tham gia kháng chiến và bảo vệ thôn xóm, phấn đấu học tập, tôi luyện. Những phụ nữ Phường 6 giờ đây mãi tự hào về lịch sử một thời, ngày mà họ thâu đêm tuần canh, ban ngày đan lưới, sản xuất và góp công cùng nữ tướng năm xưa làm nên lịch sử, mở ra một bến vận chuyển vũ khí vào Nam từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám ngay tại cửa sông Đà Rằng”.

Đó là chuyện ngày xưa. Mới đây, vào năm 2003, Trường Trung học cơ sở Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên được đổi tên thành Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thị Định. Đây là trường trung học cơ sở ở nông thôn được xây dựng khang trang nhất tỉnh Phú Yên, nhiều người còn cho rằng khang trang vào bậc nhất trong nước. Điều đó đã nói lên tình cảm tốt đẹp của nhân dân Phú Yên dành cho vị nữ tướng Bến Tre.

Nguyễn An Cư

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN