Sắc diện quê hương trong thơ Lê Anh Xuân

28/04/2010 - 08:47

Bến Tre là vùng đất nuôi dưỡng nhiều văn nhân tài tử, nơi có những câu hò điệu hát sâu nặng ân tình, đã góp phần làm rạng rỡ cho văn học Nam bộ và cả nước. Chính con người và cảnh vật nơi đây đã khơi nguồn cảm hứng để các nhà thơ có được những tác phẩm quý giá. Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến) cũng không đi ngoài quỹ đạo có ảnh hưởng gần như quyết định đến tư tưởng nghệ thuật của mình. Thơ anh nhỏ nhẹ, ân tình mà giàu âm hưởng hùng ca. Anh có những đóng góp rất đáng ghi nhận, có vị trí tỏa sáng trong thơ ca chống Mỹ.

* Quê hương trong ký ức và nỗi khát khao
Đọc thơ Lê Anh Xuân, nhà phê bình Hoài Thanh đã rất tinh tế khi cho rằng: “Chúng ta sung sướng được gặp lại những hạt ngọc của ký ức” (Tiếng gà gáy của Ca Lê Hiến hay tâm sự của một người thanh niên miền Nam tập kết). Cảm hứng trữ tình sâu đậm nhất trong thơ Lê Anh Xuân có lẽ cũng là quê hương trong ký ức. Thơ anh trĩu nặng lòng thương nhớ và chứa chan khát vọng trở về. Đành rằng thơ viết về quê hương không bao giờ thiếu, nhưng ở Lê Anh Xuân, người đọc vẫn cảm thấy có cái gì đó rung cảm đặc biệt, trữ tình đặc biệt. Lê Anh Xuân nhớ quê hương từ những cái nhỏ nhặt nhất trở đi. Những cái đó đối với anh đều hết sức gần gũi và đáng yêu: “Con đường làng cát lún chân em”, “Con sông chảy trước nhà em”, “Hàng dừa con lá dừa chấm tóc”, “mấy lu nước”, “màu xanh lá dừa”. Sự đột xuất vươn bay trong thơ Lê Anh Xuân cũng chính ở những cái đời thường, đơn sơ như vậy; anh biết gắn vào thơ những sự kiện nóng bỏng ý nghĩa thời sự, đồng thời luồn vào đấy hơi thở tình cảm chân thật nhất của lòng mình: “Khi anh đi dưới bóng dừa xanh/Anh có thấy bàn chân anh dịu mát/Anh nhớ hôn dùm tôi lên từng khuôn mặt/Của má của em đang đánh giặc ngày đêm/Ra phía sau vườn anh thử nhìn xem/Mấy lu nước còn đầy hay cạn/Trên thân dừa có bao nhiêu vết đạn” (Gởi anh Giang Nam ).
Lê Anh Xuân luôn đan xen giữa quá khứ êm đềm với hiện tại gian khổ, anh hùng trên quê hương mình. Vì thế, thơ anh dào dạt, chan chứa tình yêu quê cha đất tổ bằng tình yêu trong sáng, hồn nhiên đến tinh khiết, trinh nguyên. Tập thơ “Tiếng gà gáy” vừa là nỗi lòng da diết thấm sâu, vừa có âm hưởng hào hùng, vang dậy ở trong đó nữa: “Có lúc bỗng phong ba dữ dội/Mưa đổ ào như thác dồn trăm lối/Giấc mơ xưa có chớp giật sấm gầm/Trang sử nhỏ nhà trường bỗng hoá mưa giông”. Sau Đồng Khởi Bến Tre, với sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, phong trào cách mạng ngày càng phát triển rộng khắp và mạnh mẽ; cảm hứng về quê hương trong thơ Lê Anh Xuân cũng trở nên sôi động, bùng cháy hơn: “Bến Tre ơi dừa xanh soi bóng/Thuyền tuổi thơ rẽ sóng năm nào/Nay nghe đã căng buồm “giải phóng”/Cờ mít-tinh lồng lộng trên cao (Những dòng sông anh hùng).
Phong trào cách mạng càng phát triển thì khát vọng trở về trong thơ Lê Anh Xuân càng nồng cháy. Có thể nói, càng về cuối tập “Tiếng gà gáy” cảm hứng trở về hầu như choán hết tâm hồn nhà thơ. Ở đây có mô-típ hóa thân; anh muốn “hóa thành sông” để cùng bà con quê hương đi tranh đấu (Những dòng sông anh hùng). Mà hóa thân đồng nghĩa với hành trình trở về, trong tâm khảm Lê Anh Xuân luôn vang vọng tiếng gọi quê hương. Thật khó phân biệt được trạng thái thức - ngủ, khi toàn bộ đời sống tinh thần đều thuộc về quê hương: “Đã nhiều đêm ta không ngủ được/Ta nghe tiếng chèo ghe mát nước/Thấy mình đang ở giữa quê hương/Cùng bà con tấp nập lên đường”.
Tất nhiên, khát khao trở về là cốt để được hành động cách mạng, để được cầm súng chiến đấu giải phóng quê hương. Thơ Lê Anh Xuân luôn ngân vọng điệp khúc trở về: Ta muốn về quê nội; Ta muốn trở lại tuổi thơ; Ta muốn nằm trên mảnh đất ông cha: Nghe mưa đập cành tre, nghe mưa rơi tàu lá… Càng ngày niềm khát khao ấy càng thôi thúc, giục giã: “Ôi ta thèm được tay cầm khẩu súng/Đi giữa đoàn quân cùng với bạn bè” hoặc: “Bến Tre, Bến Tre mảnh đất quê cha/ Đang gọi ta về tay cầm chắc súng” (Về Bến Tre). Và cũng từ khát vọng được cầm súng mà thơ Lê Anh Xuân trở nên khỏe khoắn, sôi nổi bên cạnh cái êm đềm, tươi mát.
Nhìn chung, cảm hứng về quê hương trong thơ Lê Anh Xuân được hiện lên khá đậm nét qua ký ức, hoài niệm và nỗi khát khao. Trong dòng hồi ức, quê hương vừa trữ tình, kỳ vĩ, lại vừa chung thủy và cũng rất riêng. Ký ức ấy luôn trỗi dậy, thôi thúc nhà thơ cần phải dấn thân, cống hiến, cần trở về với mảnh đất ông cha, trực tiếp cầm súng đánh giặc. Và nhờ vậy mà nhận thức của nhà thơ về Tổ quốc mình, nhân dân mình cũng ngày càng mở rộng và sâu đậm hơn.
* Quê hương đất nước từ hành động dấn thân, cống hiến
Cuối năm 1964, Lê Anh Xuân tự nguyện “Trở về quê nội” đúng vào lúc lửa chiến tranh đang rực cháy trên quê nhà. Có thể nói, kể từ khi về với quê hương anh hùng, được trực tiếp chiêm ngưỡng và chiến đấu, cảm hứng quê hương trong thơ Lê Anh Xuân được phát triển lên một tầm vóc mới, mang một sắc diện mới. Nếu ở tập “Tiếng gà gáy”, quê hương vừa là hoài niệm, thiết tha trong xa cách; còn là nhớ nhung, tưởng tượng thì đến tập “Hoa dừa”, cảm hứng ấy trở nên nóng bỏng khói lửa cuộc đời, phơi phới, đắm say và nồng nàn sắc màu sử thi hơn.
Cảm hứng ấy được xây dựng trên sự mến phục và niềm tự hào. Quê hương với người yêu nước tự bao giờ cũng đẹp. Nhưng trong mắt Lê Anh Xuân quê hương lại càng đẹp hơn bởi mảnh đất thân yêu này đã lớn lên trong đau thương, trong chiến đấu. Sau hơn mười năm trở lại, nhà thơ vồ vập, đắm say trước sức sống dẻo dai mãnh liệt nơi quê  mình: “Ôi quê hương xanh biếc bóng dừa/Có ngờ đâu hôm nay ta trở lại/Quê hương ta tất cả vẫn còn đây/Dù người thân đã ngã xuống đất này” (Trở về quê nội). Lê Anh Xuân yêu quê hương không phải chỉ để ngắm, để nhìn quê hương mà ông đang cùng quê hương chiến đấu và lớn lên với quê hương. Nếu trước đây ông viết về phong trào cách mạng ở miền Nam chỉ bằng trí tưởng tượng thì giờ đây ông có thêm sự trải nghiệm của bản thân. Ở tập “Hoa dừa” có hình ảnh của nhiều địa danh khác nhau trên vùng đất thành đồng. Ngoài Bến Tre dạt dào sức sống, anh dũng quật cường là “Chiều Ấp Bắc trong veo/Đồng Ấp Bắc một màu xanh ngắt” mặc cho “Quân giặc đêm ngày vẫn giội bom trút đạn” (Qua Ấp Bắc), là Đồng Tháp Mười có “Bông sen trắng, bông sen hồng thơm ngát”, có “cánh cò bay trong sắc trời lá mạ/Cá quẫy đầm sen thiết tha/Xôn xao bông súng nở xòa” (Anh đứng giữa Tháp Mười). Đó còn là dòng sông Cổ Chiên trong đêm chói lòa ánh lửa bởi em nhỏ giao liên ôm thủ pháo lao vào tàu giặc (Ánh lửa bên sông), là Sài Gòn “Những phố hè, những hàng me xanh ngát” với “Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó/Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về” (Mùa xuân Sài Gòn, mùa xuân chiến thắng). Người đọc cảm thấy trong thơ Lê Anh Xuân có khí thế sục sôi của cách mạng miền Nam trong những năm tháng ác liệt nhất: “Không ở đâu đứng lên đánh Mỹ/Như miền Nam mười bốn triệu người/Không ở đâu đứng bên chiến lũy/Như miền Nam hai chục năm rồi” (Không đâu như ở miền Nam).
Thơ Lê Anh Xuân là tiếng lòng của người thanh niên giàu nhiệt huyết cách mạng, sẵn sàng dấn thân cống hiến cho đất nước quê hương. Từ khi trực diện nơi chiến trường ác liệt, thơ anh càng trở nên khỏe khoắn, sinh động, đem đến cho người đọc những xúc cảm mạnh mẽ, những lời tâm tình dịu ngọt. Và do vậy, cảm hứng sáng tạo trong thơ anh cũng có một bước phát triển vượt bậc cả bề rộng lẫn chiều sâu.

(còn tiếp)

Nguyễn Bá Long

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN