Tôi nói đùa: “Chỉ vì một vị khách mà lơ cả buổi chợ sao đành, chị ơi”. Chị Bích phân bua: “Những vị khách mua nấm để tặng hoặc phơi khô gửi đi nước ngoài thì họ mua với số lượng lớn và đặc biệt không khi nào cò kè về giá cả. Năm nay nấm ít nên tôi phải ráo riết tìm, không thì bỏ lỡ thời cơ kiếm tiền”.
Khó tìm được nấm mối vì “Nặng bóng vía”
Theo lời chị Bích, tôi tìm về xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm - nơi mà hàng năm nấm mối mọc nhiều nhất. Theo lời một số người dân ở đây, gần 1 mẫu vườn dừa và bưởi da xanh nhà chú Tư Lùn, ở ấp 3, thường mọc nhiều nấm mối. Cơm nước xong, gần 5 giờ chiều, những tia nắng còn vàng ươm xuyên tàu lá dừa, chú Tư đã xách bao đi lục lọi dọc các mô đất cao trong vườn bưởi da xanh tìm nấm. Do đám mưa dứt hạt lúc hừng đông và cả ngày lại nắng gắt nên dân miệt này tin rằng đêm nay sẽ có nấm mọc nhiều. Nếu chú Tư không tranh thủ kiếm thì người khác sẽ nhổ hết nấm cho dù nấm mọc ngay trên vườn nhà mình.
“Đôi chân tôi bị di chứng từ căn bệnh thoát vị đĩa đệm nên hơi yếu, nhưng nếu không ráng tìm thì sáng mai phải ra chợ Mỹ Lồng mua với giá 500 ngàn đồng/kg đấy. Bà nhà ăn chay trường mà mỗi năm chỉ khoảng 2 tháng có nấm nên cũng ráng tìm để bà ấy ăn cho vui” - chú Tư Lùn cho biết.
Mặt trời khuất xuống, trăng rằm nhô lên vằng vặc, hòa cùng nguồn ánh sáng tỏa ra từ những cây đèn pin soi tua tủa, dường như “chân tơ kẽ tóc” của các khu vườn bị phơi bày ra hết. Tiếng chó sủa gâu gâu inh ỏi, tiếng người nói chuyện xì xào gần xa, những khu vườn vốn yên ắng này bỗng trở nên xôn xao đến lạ. Do là người trong xóm quen biết nhau cả nên đôi khi người này vào vườn người kia tìm nấm mối cũng không cần hỏi han gì, miễn là cẩn thận, đừng giẫm lên hay phá hỏng cây trồng hoặc đào nấm một cách thô bạo là được. Cũng vì thế, cuộc săn nấm ở đây tuy cạnh tranh quyết liệt nhưng âm thầm, ôn hòa và tình nghĩa xóm giềng vẫn là trên hết.
Trong đêm săn nấm hôm ấy, chúng tôi gặp rồi nhập vào với anh Tiến và Hùng, cả 2 ngoài 30 tuổi và là những “sát thủ nấm mối” trong xóm. Bởi vì họ có khả năng phát hiện nấm rất tài. Tiến khoe: “Sau đám mưa như hôm nay nhưng cách đây mấy hôm, tôi đã may mắn “hốt” được một ổ hơn 4kg nấm loại đù và bán 3kg được 1,5 triệu đồng”.
Chúng tôi cùng nhau lục lọi ở hầu như tất cả các mô đất cao của khu vườn gần 10 công đất của chú Tư Lùn. Thật không may là 4 người chúng tôi tìm mãi tận 9 giờ khuya mà chẳng được tai nấm nào. Chú Tư Lùn cười cười chọc tôi: “Tụi tao bàn với nhau là đêm nay kiếm được nấm sẽ chiên với tóp mỡ, rồi hái mấy trái bưởi da xanh làm lai rai với chú mày. Nhưng xem ra số chú mày không có lộc ăn rồi”. Anh Hùng xen vô: “Chắc chú mày nặng bóng vía nên nấm mối sợ chẳng dám ló đầu lên mặt đất”. Tôi hơi ngượng và cảm thấy khó hiểu về từ “nặng bóng vía” mà anh Hùng vừa nhắc đến… nhưng tôi không hỏi gì thêm.
Ra đến gần ranh khu vườn, bỗng anh Tiến ra hiệu dừng lại và soi đèn vào một gò cao rất rậm rạp, nơi một cây bưởi da xanh mới lớn. Chiếc cù ngoéo của anh Tiến gạt từng lớp cỏ dại để lộ lên những vết nứt của gò đất. Tôi mừng thầm vì nếu có nấm thì 3 người họ sẽ không còn lý do trêu mình “nặng bóng vía”. Anh Tiến vạch sâu thì chúng tôi thấy một con rắn hổ hành lấp lánh đang cuộn tròn người lại và cất đầu, lia lưỡi. Biết đây là rắn không nọc độc nên anh Tiến thộp một phát xách con rắn lên và 3 người họ cười khà khà… mang về.
Phải “hữu duyên” mới săn được nấm mối
Lúc uống trà giữa khuya, như biết tôi băn khoăn về “nặng bóng vía” nên chú Tư lý giải rằng, nhiều người sống cả đời ở đây và rất tích cực nhưng cũng chưa đích thân tìm được một tai nấm mối nào. Thím Tư xen vô: “Như tôi nè, cả đời tôi ăn không biết bao nhiêu là nấm và tới mùa cũng đi tìm nhưng mình vừa đi qua thì người khác đi sau lưng lại thấy nấm. Nhiều khi tôi tưởng đôi mắt mình trên lông mày, ai dè cũng có nhiều nhiều thanh niên “vô duyên” với nấm mối giống như mình”.
Theo kinh nghiệm của anh Tiến, nấm mối có mùi rất riêng, nếu như ai mẫn cảm với nó thì khi đến gần sẽ phát hiện ngay. Ban đêm, nếu mình pha đèn trúng nấm thì phấn của nó sẽ phát ra ánh sáng ngà. Khi phát hiện nấm mối, phải dùng thanh gỗ, nan tre bới đất nhẹ nhàng, bởi vì có thể ở đó không chỉ là một vài tai nấm mà có khi lên đến cả chục kg nấm tiềm tàng bên dưới. Hơn nữa, nếu dùng dao kim loại đào xới hoặc giẫm chân lên gốc nấm thì sang năm sau, chắc chắn chỗ đó nấm mối sẽ không mọc nữa. Nấm rất hiếm khi mọc ở những chỗ dễ nhìn thấy và thường xuyên có người hoạt động ở đó. Chúng thường mọc ẩn mình trong bụi rậm, nơi những gò đất cao…
Nấm mối thường mọc vào từ tháng Năm đến tháng Bảy và rộ nhất là tháng Sáu (âm lịch), nấm và ổ mối luôn là người bạn song hành. Đặc biệt, nấm mối sẽ mọc nhiều khi gặp điều kiện là sau một ngày nắng gắt và trước đó là đám mưa vừa đủ làm xốp đất. Nấm mối cũng sẽ mọc rộ theo 2 con nước rằm và ba mươi. Nấm mối ưa mọc vào ban đêm và hay nhú lên mặt đất khoảng 3 đến 4 giờ sáng. Thế nhưng, do nấm mối ngày càng khan hiếm nên việc săn nấm mối hiện nay phải tranh thủ đi tìm từ lúc chiều, còn chờ tới gần sáng thì nhiều người đã nhanh tay hơn mình. Hơn nữa, nấm mối rất nhanh tàn khi gặp ánh sáng mạnh.
Theo người dân miệt vườn lý giải, việc sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật và đặc biệt là việc sử dụng nước tiểu động vật như thỏ, dê, heo hay phân dơi khi chăm sóc bưởi da xanh, dừa là những nguyên nhân khan hiếm dần nấm mối.
Năm nay, giá nấm mối cao ngất ngưỡng, tại các chợ địa phương từ 400 - 500 ngàn đồng/kg, lên các chợ tỉnh thì 600 - 700 ngàn đồng/kg, còn ở TP. Hồ Chí Minh trên 1,2 triệu đồng/kg. Nhiều khả năng, người dân miệt vườn thất thu mùa nấm mối - loại nấm giá trị cao nhưng vẫn phụ thuộc vào tự nhiên và chưa có nơi nào trồng được nấm mối nhân tạo.