Sản phẩm OCOP huyện Mỏ Cày Nam gia nhập thị trường

15/03/2021 - 06:46

BDK - Huyện Mỏ Cày Nam sở hữu vùng nguyên liệu dồi dào từ cây dừa và con heo, sản phẩm OCOP của huyện cũng nổi bật với các sản phẩm sáng tạo, độc đáo, mới lạ từ hai nguyên liệu nói trên. Nhờ đó, khi gia nhập thị trường sản phẩm OCOP trong nước và cả thị trường xuất khẩu, các sản phẩm truyền thống của huyện nhanh chóng thu hút khách.

Sản xuất dừa sấy giòn tại Công ty TNHH Funny Fruit, thị trấn Mỏ Cày. Ảnh: T. Thảo

Sản xuất dừa sấy giòn tại Công ty TNHH Funny Fruit, thị trấn Mỏ Cày. Ảnh: T. Thảo

“Đứng vững” nhờ OCOP

Hàng loạt doanh nghiệp có quy mô lớn trong tỉnh vất vả để xuất khẩu hàng hóa vì giá vận tải tăng gấp nhiều lần do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới. Công ty TNHH Funny Fruit, trụ sở tại thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam do Huỳnh Minh Thành làm giám đốc cũng gặp khó khăn trong việc xuất khẩu. Chính lối mở của sản phẩm OCOP đã giúp công ty này “đứng vững” trong bối cảnh kinh tế khó khăn đang diễn ra khắp nơi.

Công ty TNHH Funny Fruit thành lập năm 2019, sản xuất dừa sấy giòn. “Khi chưa có dịch Covid-19 xảy ra, mỗi năm chỉ cần 2 đơn hàng là tôi có thể xuất khẩu 100 tấn dừa sấy giòn. Khi dịch xảy ra, việc xuất khẩu của công ty gần như đứng lại. Nhờ tham gia sản phẩm OCOP, năm 2020, sản phẩm của công ty chỉ bán nội địa cũng đã tiêu thụ được khoảng 80 tấn dừa sấy giòn” - Huỳnh Minh Thành, Giám đốc công ty cho biết. 

Huỳnh Minh Thành thuộc thế hệ 9X, sinh ra và lớn lên ở huyện Mỏ Cày Nam. Minh Thành tốt nghiệp ngành y của Trường Đại học Trà Vinh, thế nhưng, lại yêu thích dừa và mong muốn đưa sản phẩm đặc sản của xứ Dừa đi xa hơn, ra thị trường trong nước và quốc tế. Minh Thành dành hơn 6 tháng nghiên cứu, thử nghiệm để cho ra công thức sấy dừa với độ đường và độ béo thấp, bảo quản được lâu hơn trong điều kiện nhiệt độ bình thường. Hiện 3 sản phẩm là dừa sấy giòn vị sữa, vị gừng và vị tỏi ớt của Công ty TNHH Funny Fruit đã được UBND tỉnh xếp hạng 4 sao. Công ty phát triển liên tục từ đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất với giá trị đầu tư hơn 500 triệu đồng, thuê mướn khoảng 20 lao động, chủ yếu là lao động nữ để thực hiện các giai đoạn chế biến sản phẩm. Công ty đã liên kết tiêu thụ với nông dân trồng dừa hữu cơ, tiếp tục hoàn thiện bao bì, quy cách đóng gói và nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm, nâng cấp mở rộng nhà xưởng, quy mô sản xuất để đạt chứng nhận HACCP và một số chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế khác.

Hiện mỗi năm Công ty TNHH Funny Fruit tiêu thụ 1.000 tấn dừa nguyên liệu, trong đó, có khoảng 200 - 300 tấn dừa nguyên liệu là được tuyển chọn để làm dừa sấy giòn (chọn dừa rám, độ tuổi dừa trái từ 15 - 17 ngày để sản phẩm đạt độ xốp tự nhiên). Dừa sấy giòn vị sữa, vị gừng và vị tỏi ớt của Funny Fruit đã kết nối được với 2 chuỗi siêu thị lớn trên toàn quốc là Big C (Go Market) và Mega VNN, đây là bước đệm lớn cho sự phát triển bền vững của sản phẩm đối với thị trường trong nước. Huỳnh Minh Thành cũng tích cực đưa sản phẩm tham gia các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Bentretrade. Ngoài ra, dừa sấy giòn cũng đã chinh phục được thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu.

Gia nhập thị trường

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Nam, qua 3 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018 - 2020, huyện Mỏ Cày Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hiện toàn huyện có 21 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao trở lên với 10 chủ thể tham gia chương trình. Trong đó có 8 sản phẩm được đánh giá 4 sao, 13 sản phẩm được đánh giá 3 sao theo Bộ tiêu chí quốc gia.

Các chủ thể tham gia chương trình đang từng bước hoàn thiện, cải tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. “Sau khi được đánh giá xếp hạng, nhiều sản phẩm đã được các đơn vị phân phối, bán lẻ, thương mại điện tử ký kết hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn, doanh thu bán sản phẩm trong năm của các nhóm sản phẩm đã được đánh giá tăng đáng kể. Cụ thể, 10 chủ thể sản xuất đã tăng doanh thu khoảng 50% so với trước khi tham gia OCOP”, bà Dương Thị Mỹ Trang - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nhận xét.

Kết quả thực hiện Chương trình trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018 - 2020 đã góp phần thực hiện mục tiêu hoàn thiện, phát triển các sản phẩm chủ lực tiềm năng, lợi thế của huyện. Qua đó, tập trung tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, gia tăng giá trị sản phẩm, góp phần phát triển sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân, nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Mỹ Trang - Thảo Trần

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích