Sản xuất nông nghiệp gặp khó vì giá phân bón tăng cao

26/11/2021 - 06:24

BDK - Bưởi, hoa kiểng chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2022 đang cần lượng phân bón lớn để cho ra sản phẩm đạt chất lượng. Giá phân bón tăng cao trong vài tháng qua, đến nay đã chạm mức “tăng gấp đôi”, khiến người nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn trong mùa vụ cuối năm 2021.

Giá phân bón tăng cao ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận vườn nhãn Ido của ông Nguyễn Hữu Thanh (xã Long Hòa, huyện Bình Đại).

Giá phân bón tăng cao ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận vườn nhãn Ido của ông Nguyễn Hữu Thanh (xã Long Hòa, huyện Bình Đại).

Giá phân bón tăng gấp đôi

Những ngày cuối tháng 11-2021, mùa nhãn Ido nghịch vụ, tại xã Long Hòa, huyện Bình Đại bắt đầu vào vụ thu hoạch. Ông Nguyễn Hữu Thanh, ngụ xã Long Hòa, huyện Bình Đại vừa hái bán xong một nửa sản lượng nhãn Ido, tương đương 20 tấn. “20 tấn tôi bán một cách vất vả. Bán từng 200 - 300kg cho mỗi thương lái, trong khi trước đây thương lái vô tận nhà mua hết, nhãn không đủ bán”, ông Nguyễn Hữu Thanh cho biết.

Ông Thanh nhẩm tính, nếu bán hết sản lượng 40 tấn (trồng diện tích 7ha) có thể chỉ hòa vốn chứ không có lời. Do phân bón bắt đầu tăng giá cách đây 2 - 3 tháng. Đến nay, các loại phân bón đã tăng giá gấp đôi. Cụ thể, phân DAP từ 650 ngàn đồng/bao, nay lên 1,2 - 1,3 triệu đồng/bao, phân Ure Phú Mỹ từ 450 ngàn đồng/bao nay tăng lên 900 ngàn đồng/bao. Trong khi đó, giá nhãn Ido hiện tại từ 15 - 17 ngàn đồng/kg (trước khi có dịch Covid-19 giá nhãn Ido dao động ổn định từ 25-32 ngàn đồng/kg). Ông Nguyễn Hữu Thanh lo lắng: “Nhãn mỗi năm chỉ có 1 mùa trái, mà năm nay nào là nước mặn chết cây, dịch Covid-19 khiến sản xuất và tiêu thụ đều bị ngưng trệ, rồi lại giá phân bón tăng cao khiến nông dân lâm vào cảnh vô cùng khó khăn”. 

Tại xã Sơn Đông, TP. Bến Tre, vườn bưởi của ông Phạm Thanh Tri đang cho trái chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Quan sát giá phân bón tăng từ nhẹ đến tăng vọt trong vài tháng trở lại đây, ông Tri nói: Từ đầu mùa mưa năm nay, ông đã chuyển hẳn sang sử dụng phân hữu cơ. Nhờ tận dụng phân dê từ hoạt động chăn nuôi của gia đình, ông tự ủ hoai khoảng 3 - 4 tháng để bón cho cây bưởi. Đến phân Kali bón cho bưởi, ông cũng tìm loại sản phẩm phân hữu cơ sản xuất trong nước, với giá thành vừa phải để sử dụng. Ông nhờ Trung tâm Khuyến nông tỉnh giới thiệu các loại phân bón hữu cơ chất lượng. Đồng thời, áp dụng biện pháp tỉa trái, không để cây mang nhiều trái. Sử dụng phân hữu cơ rất có lợi, tuổi thọ cây bền và chất lượng trái cũng đảm bảo hơn. Những nông dân muốn để nhiều trái cho vụ chính bưởi Tết thì phải xài phân vô cơ cây mới đủ sức nuôi trái.

“Đối với vườn bưởi để nhiều trái bán Tết, cây bưởi cần được bón phân mỗi tháng. Trong 3 - 4 tháng cuối năm, tổng cộng số phân bón phải dùng trên 1 công đất là 60kg (khoảng 1,2 triệu đồng/công, tăng gấp đôi so với trước đây). Trong khi đó, giá bưởi Tết chưa biết thế nào nên một số nông dân sử dụng phân vô cơ đang rất băn khoăn”, ông Tri chia sẻ.

Kỹ thuật giảm phân bón

Vùng sản xuất hoa kiểng, cây giống Chợ Lách hiện đang vào vụ hoa Tết, giá phân bón tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến mùa hoa. Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết: Giá phân bón tăng gấp đôi (so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19 bùng phát), chi phí đầu vào cao, giá bán thì không tăng, lợi nhuận của người dân sản xuất cây giống, hoa kiểng sẽ giảm từ 50% trở lên so với mọi năm. Trước tình hình giá phân bón tăng như hiện nay, việc sản xuất cây giống ít khó khăn hơn so với sản xuất hoa kiểng. Do cây nguyên liệu để sản xuất cây giống đã có sẵn như gốc sầu riêng đã phải ương trong 2 năm, mít phải ương cây nguyên liệu trong 6 tháng, thì người sản xuất cây giống chỉ còn khâu chăm sóc cây.

Việc sản xuất hoa kiểng cần bón nhiều phân cho công thức xử lý ra hoa, ra đọt, làm nụ. Thời điểm này, nhiều nông dân huyện Chợ Lách tập trung sản xuất hoa kiểng. Trong đó, hộ sản xuất nhỏ lẻ rất nhiều, họ phải bỏ ra số vốn gấp đôi mọi năm cho vụ hoa kiểng 2022. Các đại lý phân bón tại huyện gần như không bán “chịu” cho người dân nữa, do đại lý phải chuyển tiền trước cho đại lý cấp trên mới có phân bán.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm khuyến cáo: Nông dân cần sử dụng đúng quy trình kỹ thuật giảm phân bón, bình thường bón rải vào gốc rất nhiều phân thì nay rải tiết kiệm tưới gọn vào phần bầu cây giống. Thời gian tưới phân cách nhau 10 - 15 ngày (trước đây nhiều nông dân 7 ngày đã tưới). Kế đến là quan tâm kỹ thuật cắt tỉa cho cây gọn lại, khoảng cách sản xuất giữa các cây thưa ra để chăm sóc cho tốt và bón lượng phân hợp lý.

Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do giá nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón như: Khí NH3, lưu huỳnh, cùng với giá dầu, chi phí vận chuyển tăng dẫn đến giá thành sản xuất tăng khiến giá các loại phân Ure, DAP, Kali trên thế giới cũng như thị trường trong nước tăng theo.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích