Trong hai ngày 28, 29-5-2012, chúng tôi theo chân đoàn công tác, do Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh khảo sát một số cơ sở sản xuất kinh doanh thạch dừa trên địa bàn TP. Bến Tre.
Đây là một trong những đợt khảo sát quan trọng nhằm kiểm tra, đánh giá lại thực chất tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, qui trình công nghệ sản xuất thạch dừa thô, đồng thời đề xuất giải pháp chấn chỉnh đối với ngành sản xuất thạch dừa vốn tiêu thụ một lượng lớn nguồn nguyên liệu nước dừa và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nhàn rỗi trong nông thôn hiện nay.
Điểm đầu tiên chúng tôi đến là cơ sở thạch dừa Minh Châu ở ấp Mỹ An C xã Mỹ Thạnh An (TP. Bến Tre). Đây là cơ sở sản xuất thạch dừa thành phẩm với qui mô khá lớn. Cơ sở nằm trong khuôn viên rộng gần 2ha, sát sông Bến Tre. Tham quan qui trình sản xuất từ khâu nhận thạch thô về sản xuất qua gần 10 công đoạn mới tới thành phẩm, chúng tôi thấy nơi đây tổ chức sản xuất khá công phu và bài bản. Minh Châu chỉ sản xuất thạch thành phẩm, trung bình khoảng từ 7 đến 10 tấn thành phẩm/ngày và đã giải quyết khoảng trên 200 lao động có việc làm ổn định, thu nhập bình quân 3,9 triệu đồng/người/tháng. Điều rất đáng ghi nhận là Minh Châu không làm hàng xuất khẩu mà chỉ tiêu thụ trong nước gồm nhiều thị trường ở cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam, mà phần lớn đối tượng là các em học sinh. Ngày thường, cơ sở tiêu thụ khoảng 10 tấn nhưng vào dịp học sinh nghỉ hè, số lượng cũng khoảng 7 tấn. Tuy làm hàng tiêu thụ nội địa nhưng thị trường đầu ra của Minh Châu khá ổn định, nhờ chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đăng ký chất lượng và xây dựng thương hiệu trong nhiều năm qua. Tham quan thực tế tại xưởng sản xuất, chúng tôi thấy được sự đầu tư lớn và hệ thống máy móc hiện đại. Phần lớn các khâu sản xuất đều được tự động hóa, qui trình từ thạch thô đến khi ra thành phẩm được bố trí nhân công kiểm tra rất nghiêm ngặt, nhất là việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm này. Minh Châu cũng sử dụng thạch dừa thô để sản xuất thành phẩm nhưng là các đại lý làm ăn trong nhiều năm nên khá an toàn. Tuy nhiên, trước khi nhận hàng, cơ sở cử người kiểm tra chất lượng mới chuyển về sản xuất. Theo ông Trần Minh Đạo - chủ cơ sở Minh Châu cho biết, một số cơ sở sản xuất thạch dừa thô không đúng qui trình, bẩn mà báo chí phản ảnh trong thời gian qua đã làm cho ngành sản xuất thạch dừa gặp một số khó khăn nhất định. Tuy sản phẩm của Minh Châu có thương hiệu, chứng nhận chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng cũng bị ảnh hưởng lớn. Trong hai tuần qua, sản lượng đã sụt giảm khoảng 60%, giá thành cũng sẽ bị giảm bởi khách hàng là đại lý các nơi cũng “ăn theo” đòi giảm giá.
Ở một cơ sở sản xuất thạch dừa thô nằm cạnh bờ sông Bến Tre, ông chủ NTB cho biết, mới có khoảng hai tuần từ khi báo chí thông tin thạch dừa bẩn mà sản phẩm các tỉnh đều dội hàng, rất nhiều đại lý không tiếp tục nhận mà còn đòi trả về. Riêng ông thì cho rằng vài ngày nữa cơ sở ông cũng có thể sẽ đóng cửa để chuyển sang nghề khác. Ngoài chạy hàng cho Công ty Trung Lâm, ông còn trực tiếp sản xuất thạch dừa thô nhưng không nhiều, mỗi tuần chỉ sản xuất khoảng 13 tấn thành phẩm với lực lượng lao động khoảng 10 người và thành phẩm cũng giao cho Công ty Trung Lâm xuất khẩu. Khi hỏi qui trình sản xuất thạch dừa, ông B cũng không giấu diếm, cho rằng thông thường sử dụng 70% nước dừa, 30% nước máy, chất liệu gồm đường cát, dấm, thuốc tẩy và phân DAP, SA. Khi hỏi qui trình này do ai tập huấn, chỉ dẫn hoặc theo tài liệu nào, ông B bảo không có, chỉ học lóm từ bạn bè, rồi về nhà làm. Khi hỏi anh có biết hai loại phân DAP, SA mà anh đang sử dụng là chất cấm sử dụng trong sản xuất thạch dừa, ông B vẫn nói tỉnh bơ: Tôi mua của cơ sở Chí Công ở Phú Khương nhưng đây là loại người ta cho phép mà. Nhưng khi hỏi người ta là ai, thì anh không trả lời được. Quả tình khi chúng tôi đến kiểm tra thì đúng là phân hóa học mà nhà vườn sử dụng bón cho cây trồng. Khảo sát cơ sở làm thạch dừa thô đầu tiên của ông B làm cho chúng tôi thêm tò mò để tiếp tục đến nhiều cơ sở khác trên địa bàn TP. Bến Tre. Đó là cơ sở của ông PTQ ở ấp Mỹ An B, xã Mỹ Thạnh An. Cơ sở nằm sâu trong vườn dừa và ông Q làm nghề nay đã hơn 10 năm, trước đây sản xuất mỗi ngày khoảng 6 tấn thành phẩm thô nhưng nay chỉ còn 4 tấn/ngày, do ảnh hưởng của thị trường đầu ra. Điều làm chúng tôi rất ngạc nhiên là qui trình sản xuất của ông sử dụng chỉ 30% nước dừa, nước máy tới 70%. Còn qui trình sản xuất thì có nhiều điểm rất giống nhiều cơ sở khác, cũng sử dụng dấm, nước dừa, nước máy, đường và không thể thiếu phân SA, DAP, chỉ có điều ông có dự tập huấn qui trình sản xuất thạch dừa vài lần. Khi hỏi về phân sử dụng, ông Q cho rằng mua của đại lý My ở phường 2. Và ông quả quyết rằng phân SA, DAP đang sử dụng không phải là loại phân bón ruộng mà là chất dinh dưỡng vi sinh cho phép sử dụng 100%. Để chứng minh cho điều ông nói, ông dẫn chúng tôi ra hông nhà xem thử thì ra đó chính là loại phân dùng bón cho cây trồng, giá 350.000đ/bao SA, 750.000đ/bao DAP. Rời cơ sở ông Q, chúng tôi lại tiếp tục sang cơ sở ông NVP ở ấp An Thuận A - xã Mỹ Thạnh An. Ông cho biết, cơ sở ông đã làm được 4 năm và sản xuất trung bình mỗi tháng 30 tấn thạch thô giao cho cơ sở Bảy Chí ở phường 7. Công thức làm thạch cũng chỉ dấm, đường, nước dừa 70%, nước máy 30% và phân DAP, SA, ông cũng không có điều kiện học nghề mà chỉ học lóm nghề của người em rồi về làm theo. Nhìn cơ sở sản xuất rất sơ sài, vệ sinh kém, chúng tôi chỉ còn biết lắc đầu. Điểm dừng chân cuối cùng của đoàn là đến cơ sở thạch dừa của ông HVC ở ấp 2 A, xã Nhơn Thạnh. Cơ sở này sản xuất theo dạng gia đình, chỉ 3 tấn/ngày và giao hàng cho cơ sở A Chí. Nước sử dụng là 50% nước dừa, 50% nước mương không qua xử lý lắng lọc gì cả và cũng không thể thiếu phân DAP, SA…
Qua khảo sát thực tế một số cơ sở sản xuất thạch dừa thô, đoàn nhận thấy hầu như mỗi cơ sở đều có công thức riêng, không ai giống ai nhưng phần lớn đều rất nhếch nhác, mất vệ sinh, sử dụng nguồn nước thô không qua lắng lọc, đặc biệt là 100% cơ sở khảo sát đều có sử dụng phân DAP, SA - loại phân dùng cho cây trồng, là chất cấm dùng trong chế biến thạch dừa.
- Các cơ sở sản xuất thạch dừa đã nhầm lẫn một cách nghiêm trọng các chất pha chế “phụ gia” khi nấu thạch dừa. Bởi chất di-ammonium phosphate (DAP) và chất sunphat amon (SA) cho phép sử dụng trong khi nấu thạch không phải là phân bón cho cây trồng như nhiều cơ sở sử dụng. Hai loại phụ gia SA, DAP là hai loại chất dinh dưỡng vi sinh bổ sung cho quá trình lên men vi khuẩn phát triển trong môi trường hình thành thạch dừa, có nồng độ tinh khiết 99% hoàn toàn khác với hai loại phân SA, DAP ngoài thị trường dùng cho cây trồng. Cho nên, việc sử dụng phân bón DAP, SA làm chất phụ gia là hoàn toàn không có trong qui trình chế biến thạch dừa.
- Trong quá trình nấu thạch dừa, nước dừa chiếm gần 100%, còn lại là các chất phụ gia như đường cát, chất dinh dưỡng DAP, SA. Đặc biệt, không được đổ nước vào khi nấu thạch vì nước dừa tuy là chất dinh dưỡng nhưng rất dễ loãng, nếu pha thêm nước sẽ không đủ để lên men làm thạch.
(TS. Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học - Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu thuộc Bộ Công Thương). |