Sản xuất theo tiêu chuẩn gap tăng giá trị cho sản phẩm

29/05/2009 - 08:17

Đó là nhận định của các diễn giả với gần 300 nông dân của tỉnh tại Hội thảo sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GAP, do  Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức vào ngày 27-5-2009. Sản xuất theo tiêu chuẩn GAP là xu hướng ngày càng được người sản xuất lẫn người tiêu dùng quan tâm.

Mỗi quốc gia dựa theo bộ tiêu chuẩn GLOBAL GAP và căn cứ điều kiện thực tế để xây dựng, đánh giá và công nhận GAP, sản phẩm tiêu thụ phạm vi trong nước. Riêng  sản phẩm  đạt tiêu chuẩn GLOBAL GAP sẽ được tiêu thụ toàn cầu. Đối với những hộ dân có diện tích đất sở hữu vài hecta trở lên có thể độc lập  sản xuất theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP, còn diện tích đất chỉ giới hạn vài công phải liên kết  thành nhóm sản xuất.

Sản xuất theo tiêu chuẩn GAP nói chung và GLOBAL GAP nói riêng rất nghiêm ngặt, đòi hỏi người sản xuất phải trì chí. Trước hết, người nông dân phải thay đổi thói quen trong sản xuất. Sản xuất theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP phải đảm bảo 4 mục tiêu chính là an toàn cho người tiêu dùng (sản phẩm đảm bảo không chứa các dị vật, vi sinh vật và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, nitrat, dioxin), an toàn cho người lao động (nông dân được đào tạo và quản lý theo hệ thống), an toàn cho môi trường (hoạt động sản xuất không làm ô nhiễm môi trường)  và truy vết được sản phẩm (hồ sơ truy xuất đến nông trại sản xuất và khách hàng tiêu thụ sản phẩm). Đối với nhóm sản xuất GAP, đòi hỏi sự đoàn kết, tương thân, tương ái và tâm huyết của từng thành viên, bởi chỉ một thành viên sản xuất không đảm bảo quy trình thì cả nhóm không được công nhận.

Chi phí sản xuất và công nhận đạt tiêu chuẩn GAP gồm phí cố định (thuê đơn vị tư vấn, đầu tư trang thiết bị…) và tiền công đi lại của đơn vị có thẩm quyền công nhận. Người sản xuất có thể tìm đối tác tài trợ, cụ thể gắn với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp hoặc hỗ trợ lãi suất và có thể gắn với doanh nghiệp thu mua sản phẩm.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN