Trong bối cảnh đất nước đổi mới, Việt Nam đã gia nhập sân chơi thương mại quốc tế, việc xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa các nước là một lợi thế cạnh tranh tự do nhưng những rào cản về an toàn vệ sinh dịch tễ là một trong những thách thức mới của chúng ta. Ngoài ra, ngày nay lối sống của người tiêu dùng thay đổi và xu hướng do chất lượng cuộc sống tăng, dẫn đến nhu cầu về sản phẩm rau quả an toàn là điều tất yếu. Muốn sản xuất trái cây có hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có khả năng xuất khẩu thì phải theo qui trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Vậy người nông dân cần chuẩn bị gì cho bước đường sắp tới ?
Để đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu cây ăn trái phải kết hợp khai thác các loại trái cây đặc sản của Việt Nam với việc tạo ra các yếu tố cạnh tranh như chất lượng cao, giá thành thấp, vệ sinh an toàn thực phẩm, hình thức đẹp và dịch vụ thương mại tốt. Xác định đúng vùng sản xuất có lợi thế. Sản xuất trên diện tích lớn, cùng qui trình để có số lượng lớn và chất lượng đồng đều. Phát triển cây ăn trái đặc sản theo hai hướng: cải tạo nâng cao chất lượng vườn cây đã có đồng thời tăng nhanh diện tích trồng mới để từng bước hình thành vùng chuyên canh đặc sản gắn liền với thương hiệu sản phẩm. Các doanh nghiệp tiêu thụ kết hợp với nông dân xây dựng quan hệ sản xuất – tiêu dùng theo hướng các trang trại, hợp tác xã, gắn trực tiếp với tiêu thụ, xuất khẩu chặt chẽ và ổn định.
Định hướng cho việc sản xuất trái cây an toàn theo hướng GAP, ngay từ khâu chọn giống đầu tiên nên chọn những giống tốt, đồng giống, chất lượng đồng đều.
Về đất trồng: không trồng cây ăn trái ở những nơi có nguy cơ cao về ô nhiễm hóa học hoặc trước khi trồng cần có những biện pháp xử lý để quản lý rủi ro.
Về phân bón: chỉ được dùng các loại phân hữu cơ như phân xanh, phân chuồng đã ủ hoai mục. Tuyệt đối không được dùng các loại phân hữu cơ còn tươi. Sử dụng hợp lý và cân đối giữa các loại phân (hữu cơ, vô cơ). Có thể bổ sung phân bón lá (có trong danh mục được phép sử dụng ở VN) và phải theo đúng hướng dẫn. Hạn chế tối đa sử dụng chất kích thích và điều hòa sinh trưởng cây trồng. Kể cả khâu nước tưới cho vùng sản xuất rau quả an toàn cũng phải sử dụng nguồn nước sạch, không được dùng trực tiếp các nước thải từ công nghiệp thành phố hoặc nước ao mương, tù đọng, ô nhiễm. Việc sử dụng nguồn nước tưới không bảo đảm cũng đã gây tích lũy độc chất như: chì, thủy ngân,… trong trái làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường .
Về phòng trừ sâu bệnh cần phải được kiểm soát nghiêm ngặt. Đây là khâu đặc biệt quan trọng trong quá trình thực hành sản xuất nông sản theo GAP. Áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên nguyên tắc hạn chế thấp nhất sự thiệt hại do sâu bệnh gây ra, có hiệu quả kinh tế cao, ít độc hại cho người và môi trường. Trong trường hợp cần thiết phải dùng đến thuốc hóa học thì nên tăng cường sử dụng các loại thuốc sinh học. Tuyệt đối không dùng các loại thuốc cấm, thuốc hạn chế sử dụng ở VN hoặc hạn chế tối đa dùng các loại thuốc có độ độc cao, chậm phân hủy và phải đảm bảo đúng thời gian cách ly. Tuyệt đối không nhúng rau quả (xử lý sản phẩm đã thu hoạch) bằng các hoá chất bảo vệ thực vật.