Sàng lọc để phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm

16/11/2020 - 07:04

BDK - “Bộ Y tế đã tăng cường quản lý bệnh tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường (ĐTĐ) bằng hệ thống phòng chống đã được thiết lập từ tuyến Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, công tác triển khai chưa thực sự quyết liệt, đồng bộ tại nhiều địa phương”, Th. BS. Huỳnh Văn Tú - Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống chấn thương và các bệnh không lây, Viện Y tế công cộng nhận định trong cuộc họp thảo luận về quản lý và điều trị THA và ĐTĐ tại tỉnh.

Người dân kiểm tra đường huyết sàng lọc bệnh đái tháo đường.

Người dân kiểm tra đường huyết sàng lọc bệnh đái tháo đường.

Tỷ lệ quản lý còn thấp

Theo Th. BS. Huỳnh Văn Tú, ước tính mỗi năm, trên cả nước có khoảng 520 ngàn người tử vong, trong đó có gần 380 ngàn trường hợp liên quan đến bệnh lý không lây nhiễm: ung thư, tim mạch, THA, hô hấp mạn tính, ĐTĐ... Các bệnh không lây nhiễm (BKLN), trong đó có THA và ĐTĐ đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của ngành y tế; là gánh nặng của toàn xã hội. Các BKLN đang là nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng quá tải bệnh viện (chiếm 77% gánh nặng bệnh tật), gia tăng nghèo đói và áp lực lên sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trước tình hình đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Quyết định số 376/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh ung thư, tim mạch, ĐTĐ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản và các BKLN khác giai đoạn 2015 - 2025, đều có chung mục tiêu là khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các BKLN. Trong đó, ưu tiên phòng chống các bệnh ung thư, tim mạch, ĐTĐ, COPD và hen phế quản, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để đạt được mục tiêu đó, thời gian qua, ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khám sàng lọc và tư vấn; phối hợp với các đơn vị có liên quan cùng vận động các tầng lớp xã hội, cộng đồng chung tay phòng chống các BKLN. Tuy nhiên, tỷ lệ quản lý BKLN ở các địa phương còn thấp.

Tại tỉnh, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ngành y tế tỉnh hiện đang quản lý 68 ngàn người có bệnh lý THA và trên 25 ngàn người bệnh ĐTĐ trên tổng số hơn 1,4 triệu dân. Số lượng bệnh nhân quản lý đạt tỷ lệ thấp so với tỷ lệ mắc bệnh hiện tại, chỉ chiếm khoảng 50% số trường hợp bệnh trong cộng đồng.

Sàng lọc để phát hiện sớm

Thực hiện kế hoạch chương trình mục tiêu Quốc gia y tế và dân số năm 2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai khám sàng lọc bệnh THA và ĐTĐ cho 14 xã trên địa bàn 9 huyện, thành phố. Mỗi địa phương sẽ khám tầm soát từ 300 - 400 người.

Mới đây, hướng đến can thiệp sức khỏe cộng đồng trong việc phòng tránh bệnh THA và ĐTĐ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai hoạt động khám sàng lọc miễn phí 2 bệnh trên cho gần 400 người dân thuộc xã Tường Đa, huyện Châu Thành. Hầu hết người dân đến sàng lọc đều được tư vấn và hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng, khuyến khích vận động. “Nghe thông báo được sàng lọc tại Trạm Y tế xã, điều kiện đi lại dễ dàng nên tôi đến kiểm tra sức khỏe. Rất mừng là không phát hiện bất thường. Sắp tới, tôi sẽ tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ để duy trì cơ thể khỏe mạnh”, ông Hồ Văn Lợi bộc bạch.

Theo bác sĩ Bùi Ái Đoan, BKLN diễn tiến âm thầm. Nếu không sàng lọc, đến khi bộc phát thì gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Đối với những người có yếu tố nguy cơ cao (trên 40 tuổi, hút thuốc, uống rượu, bia nhiều, béo phì, có người thân mắc 1 trong những BKLN: ĐTĐ, tim mạch, THA, ung thư…) thì cần thực hiện tầm soát định kỳ 2 lần/năm; đồng thời, kết hợp với lối sống lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá, ăn ít dầu mỡ, đường… và duy trì uống thuốc lâu dài.

“Việc phát hiện 2 bệnh lý THA và ĐTĐ là không khó. Đối với bệnh THA phần lớn không có triệu chứng cụ thể, chỉ phát hiện qua máy đo huyết áp. Thông qua việc kiểm tra đường huyết sẽ phát hiện bệnh ĐTĐ. Hiện nay, hầu hết các cơ sở y tế, một số trạm y tế đã tầm soát 2 căn bệnh này. Do đó, người dân chủ động sàng lọc để được bác sĩ tư vấn, hỗ trợ điều trị sớm nếu có bệnh”, bác sĩ Bùi Ái Đoan khuyến cáo.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN