Sáng mãi niềm tự hào

23/05/2016 - 06:46

Bến Nhà Rồng. Nguồn: panoramio.com

Tôi đang đứng ở Bến cảng Nhà Rồng! Sau lưng là phố xá ồn ào, náo nhiệt nhưng tôi như không hề cảm nhận được nữa, bởi phía trước là màu xanh của cây lá, màu đỏ hồng thân thuộc của ngôi nhà có biết bao hình ảnh, tư liệu về Bác. Hít một hơi thật dài, để cảm xúc rưng rưng chảy khắp huyết quản, tôi bước vội qua cánh cổng để đến gần hơn bên Người.

Nơi đây, 105 năm trước, vào ngày 5-6-1911, Bác Hồ (lúc bấy giờ lấy tên là Văn Ba) đã xuống tàu Amiral Latouche Tréville từ bến cảng Sài Gòn, để đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Người đã đi qua Pháp và nhiều nước với nhiều châu lục khác nhau, để sau 30 năm trở lại đất nước, trực tiếp lãnh đạo nhân dân Việt Nam đứng lên giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.

Để ghi nhớ sự kiện trên, sau ngày đất nước thống nhất, ngôi Nhà Rồng được giữ lại làm Di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của Người - nơi đây đã mở cửa đón khách tham quan phần trưng bày về “Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1945)”. Đến ngày 30-10-1995, “Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” được UBND TP. Hồ Chí Minh chuyển thành “Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh”.

Bảo tàng triển lãm các chuyên đề như: “Hồ Chí Minh - Cuộc hành trình của thời đại”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với thế hệ trẻ, “Bác Hồ với miền Nam - miền Nam với Bác Hồ” và “Đền thờ Bác Hồ ở Nam Bộ”… Tôi dừng chân rất lâu trước hình ảnh Bác và miền Nam. Những câu chuyện được nghe kể, được đọc trên sách báo bấy lâu đang hiển hiện bằng hình ảnh trước mắt tôi. Tình cảm của Bác là đây.

Tôi áp tay vào tấm kính, dồn hết tình cảm của người con đất Bến Tre ngắm nhìn, cảm nhận hình ảnh chiếc thùng tưới mà Bác đã dùng để tưới cây vú sữa do nhân dân miền Nam gửi tặng những năm 50 của thế kỷ trước. Câu chuyện rằng: “Mùng 3 Tết năm 1955, nhận cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi biếu, tự tay Bác trồng gần bên ngôi nhà Bác ở. Dù bận nhiều công việc quan trọng, hằng ngày, trước giờ làm việc buổi sáng, sau giờ làm việc buổi chiều, Bác vẫn vun tưới cho cây. Tháng 5-1958, sang ở và làm việc tại nhà sàn, Bác cho chuyển cây vú sữa sang trồng ở đầu nhà. Mỗi khi đi xa về, chưa đến cổng nhà sàn, Bác đã nhìn thấy cây vú sữa!

Miền Nam luôn trong trái tim Người! Cây vú sữa vốn ở quê hương miền Nam quanh năm nắng ấm, đem ra trồng ở miền Bắc, mùa đông lạnh giá, Bác nhờ anh em phục vụ bện rơm, quấn quanh thân cây, lấy mùn tấp vào gốc để chống rét cho cây. Mùa mưa bão, Bác nhờ anh em chằng chống cho cây khỏi đổ. Cây vú sữa ra hoa, kết quả, nhưng lứa đầu quả nhỏ và không nhiều. Bác nói với các đồng chí phục vụ: Có lẽ mình chưa biết rõ cách chăm bón nên cây ra quả nhỏ và ít, các chú cần học hỏi kinh nghiệm… Anh em làm theo, quả nhiên, cây vú sữa có nhiều quả và quả to hơn”…

Trong hàng trăm hình ảnh, tài liệu, hiện vật, tôi ấn tượng bản chép tay khổ lớn ca khúc “Dấu chân phía trước” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ thơ Hồ Thi Ca, trao tặng Bảo tàng vào ngày 19-5-2002. Bài hát này đã nói hộ tiếng lòng của bao lớp người: Khi tôi còn là hạt bụi/Người đã lên tàu đi xa… Da diết, tự hào. Chỉ có thể là vậy!

Cũng xuất phát từ trái tim, năm 2012, họa sĩ Nguyễn Minh đã thể hiện bức chân dung Bác có cờ Đảng, cờ Tổ quốc, hoa sen, ghép lại từ hơn 10.000 ảnh nhỏ (số ảnh tư liệu là 5.000) là sưu tập ảnh di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh, thành phố. Có thể nói đây là một công trình vô cùng công phu.

Đó còn là niềm tự hào về nụ cười tỏa sáng của nữ anh hùng Tạ Thị Kiều - người con quê hương Đồng Khởi vinh dự đứng bên cạnh Bác, trong lần ra thăm miền Bắc.

Sinh thời, Bác luôn dành cho đồng bào miền Nam những tình cảm thiêng liêng cao quý nhất. Đó còn là những trăn trở của Bác. “Ở miền Nam Việt Nam, những người dưới 25 tuổi không biết nghĩa chữ tự do. Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi khổ đau riêng và gộp cả những đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau của tôi”, “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”…

Lá thư Bác gửi bộ đội, cán bộ, đồng bào miền Nam ra Bắc, ngày 21-9-1954, Bác viết: “Để thi hành hiệp định đình chiến, đồng bào đã tạm xa quê hương, nhưng lại được gần Trung ương Đảng, Chính phủ, gần quân đội và đồng bào miền Bắc. Nam, Bắc vẫn là một nhà… Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập, dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó, rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta”. Đáp lại tình thương yêu, tin tưởng của Bác Hồ, đồng bào miền Nam luôn làm theo lời Bác, thực hiện đến cùng sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc...

Tạm biệt, cũng là lúc chiếc điện thoại đã chứa đầy những hình ảnh mà tôi muốn mãi cùng tôi trên chặng đường phía trước. Đây đó văng vẳng câu hát: “Phố Sài Gòn khi xuân đẹp nắng tươi/Thăm Bến Nhà Rồng lòng tôi bỗng lệ rơi” (Thăm Bến Nhà Rồng, tác giả Trần Hoàn). Bác đã đi xa, nhưng kỷ vật của Người vẫn còn đó, những lời dạy của Người để lại cho chúng ta vẫn vẹn nguyên giá trị. Vì vậy, với niềm tự hào, con cháu Bác hãy cùng sống, học tập, lao động, xây dựng đất nước ngày càng to đẹp hơn như Bác hằng mong muốn.

K.Minh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN