Sáng tạo của người Mỏ Cày Nam

14/10/2020 - 22:31

BDK - Những năm gần đây, nhiều cuộc thi sáng tạo cấp tỉnh, khu vực và quốc gia, thí sinh đến từ huyện Mỏ Cày Nam đã vinh dự giành lấy giải nhất. Không chỉ đem lại sự tự hào cho người dân huyện nhà, những thành tích ấy còn minh chứng cho sản phẩm sáng tạo của người Mỏ Cày Nam đã và đang góp thêm lợi ích cho sự phát triển chung của tỉnh, quốc gia.

Anh Lê Văn Liêm (bìa phải) nhận giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ VI năm 2018. Ảnh: T. Thảo

Anh Lê Văn Liêm (bìa phải) nhận giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ VI năm 2018. Ảnh: T. Thảo

Gần đây nhất, cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm 2020 diễn ra vào tháng 9-2020. Nhóm tác giả Lê Đăng Quang - Lê Đặng Kim Ngân, Trường THPT Che Guevara - THCS thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam đã giành giải nhất cuộc thi với sản phẩm “Thiết bị đo lường nồng độ bụi trong không khí”. Ông Nguyễn Huy Phục - Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, đơn vị tổ chức cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm 2020 cho rằng, thiết bị đo lường nồng độ bụi trong không khí là một sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo khá thành công.

Vào tháng 1-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo tổng kết cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm 2019-2020. Kết quả dự án “Ứng dụng công nghệ IoT để giám sát và điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng trong nhà màng trồng dưa lưới” của nhóm tác giả là học sinh đến từ Trường THPT Quản Trọng Hoàng và THPT Che Guevara là một trong hai dự án đạt giải nhất. Năm 2019, các cá nhân đến từ huyện Mỏ Cày Nam là Trần Thị Cẩm Tú, Lê Đăng Quang đã chinh phục Ban giám khảo và giành giải nhất cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh với ý tưởng “Thiết bị hỗ trợ tài xế xe ô tô, xe gắn máy khi bị tai nạn hoặc bị cướp”.

Cho đến những cuộc thi mang tính khu vực như Hành trình kiến tạo tương lai (dành cho học sinh và giáo viên tại các trường THCS trực thuộc các tỉnh Tây Ninh, Quảng Nam, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp và huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh). Nhóm học sinh Trường Tiểu học - THCS Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, bất ngờ giành vô địch với đề tài Ứng dụng kiến thức khoa học và các đặc điểm của thực vật trong việc tạo ra màu sắc, hương vị nước giải khát an toàn. Đây là cuộc thi do Samsung toàn cầu khởi xướng từ năm 2009, nhằm tạo ra sân chơi sáng tạo, giúp học sinh chủ động tìm tòi, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề liên quan đến địa phương của mình. Cuộc thi tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, môi trường, y tế và sức khỏe.

Bên cạnh nhóm học sinh có thành tích sáng tạo vượt trội, những người lớn thuộc giới trí thức đến người lao động ở huyện Mỏ Cày Nam cũng “nối dài” danh sách các cá nhân đạt giải nhất về thành tích sáng tạo. Cụ thể, cô Ngô Song Đào - giáo viên môn Sinh học Trường THCS Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, đạt giải nhất hội thi “Ý tưởng khởi nghiệp” năm 2018 do Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức, với sản phẩm nhang sinh học làm từ lá quao. Trước đó, nhang trừ muỗi sinh học của cô Ngô Song Đào đã đoạt giải quốc gia về khởi nghiệp nông nghiệp năm 2017.

Cô Ngô Song Đào chia sẻ: “Những học sinh đạt giải nhất tại cuộc thi Hành trình kiến tạo tương lai và tôi đều có chung đặc điểm là có cuộc sống rất khó khăn. Chúng tôi chỉ biết học và học để vươn lên và chiến thắng khó khăn. Tôi tin rằng, trong thời gian tới, bằng tình yêu cháy bỏng với quê hương Mỏ Cày Nam, lãnh đạo huyện sẽ lan tỏa nhiệt huyết đến từng công chức, viên chức và người dân Mỏ Cày Nam, mang lại sự đổi mới cho quê hương”.

Tác giả Lê Văn Liêm, ấp Phú Quới, xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam, hai lần liên tiếp đạt giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ V (2014-2015) với “Thiết bị xe chỉ xơ dừa tám trục bố trí theo phương dọc VL-8.5”, và lần thứ VI (2016-2017) với “Thiết bị sản xuất dây thừng chỉ xơ dừa không nối”.

Trong mỗi góc đời sống ở huyện Mỏ Cày Nam, sức sáng tạo của người con quê hương Đồng khởi vẫn diễn ra âm thầm và bền bỉ, đóng góp cho sự phát triển của địa phương và người dân quê mình. Như cô Song Đào vì muốn bảo vệ sức khỏe những học sinh thức đêm học bài, người dân không bị muỗi đốt vào ban đêm, giảm số ca bệnh sốt xuất huyết hàng năm mà cô đã miệt mài nghiên cứu ra sản phẩm nhang xua muỗi sinh học làm từ lá quao. Hay như chàng “kỹ sư chân đất” Lê Văn Liêm, chỉ với tay nghề sửa xe đạp, vì yêu quê hương, yêu sợi chỉ xơ dừa mà anh đã mày mò chế tạo máy xe chỉ xơ dừa, máy xe thừng không nối, anh Liêm nói: “Tôi yêu chỉ xơ dừa. Vì đối với người dân nông thôn, nhất là người nghèo, chỉ xơ dừa mang lại thu nhập hàng ngày, giúp người dân cải thiện cuộc sống”.

Bà Huỳnh Thị Như Thủy - Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, thành viên Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VI đánh giá máy xe thừng không nối của anh Lê Văn Liêm: “Giải pháp có tính sáng tạo về công nghệ do chưa có thiết kế nào được đưa vào sản xuất và ứng dụng trước đây ở trong tỉnh cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long”. Các sản phẩm của người Mỏ Cày Nam như nhang xua muỗi sinh học làm từ lá quao, máy xe chỉ xơ dừa, máy xe thừng không nối giúp người dân bảo vệ sức khỏe, an toàn trong lao động, lại thêm tăng thu nhập, tăng giá trị của chỉ xơ dừa lên gấp nhiều lần so với làm bằng thủ công, sản phẩm làm ra dễ xuất bán. Được biết, sản phẩm nhang xua muỗi sinh học hiện đã ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác Nhật Bản.

Ông Nguyễn Việt Thành - Phó chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam cho rằng: “Sáng tạo của người dân huyện Mỏ Cày Nam như là một tố chất truyền thống, minh chứng là Nghị quyết số 15-NQ/TW các nơi đều nắm nhưng huyện Mỏ Cày Nam lại vận dụng một cách sáng tạo để thực hiện cuộc Đồng khởi 1960 thành công”.

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích