* Điểm lại hoạt động
của Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu trong nhiệm kỳ qua, đâu là những nét riêng nổi bật,
thưa ông?
- Nhiệm kỳ qua, Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu có bước phát
triển khá ấn tượng. Tổ chức được tiếp tục củng cố, ban chấp hành các phân hội
chuyên ngành được kiện toàn, các chi hội huyện, thành phố hoạt động tốt hơn,
xúc tiến thành lập và củng cố hoạt động các câu lạc bộ ở các huyện để đủ điều
kiện tiến tới thành lập chi hội ở các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú,
Bình Đại... Đội ngũ nâng lên về lượng và chất (đầu nhiệm kỳ có 29 hội viên
(HV), nay đã nâng lên 339 HV, trong đó có số HV Hội chuyên ngành Trung ương là
62 HV, tăng 19 HV so với đầu nhiệm kỳ). Số tác phẩm được sáng tác phổ biến vượt
trội nhất là ở các lĩnh vực: văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật… Tổ chức bộ
máy của Hội tuy ít người nhưng được kiện toàn một bước, không ngừng cải tiến lề
lối làm việc, có phân công, phân nhiệm cụ thể. Vì vậy, tuy cán bộ phải kiêm nhiệm
nhiều vai trò, xong cơ bản vẫn hoàn thành nhiệm vụ, đạt yêu cầu.
Tạo điều kiện thuận lợi nhằm kích thích sự sáng tạo không
ngừng của HV là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ qua. Hội rất quan tâm đến hoạt
động mở trại sáng tác. Ngoài các trại sáng tác tổng hợp nhiều chuyên ngành tham
gia, Hội còn khuyến khích các phân hội mở trại sáng tác để chuyên sâu. Ngoài
ra, Hội còn lựa chọn tác giả có năng lực sáng tác dồi dào gửi tham dự các trại
sáng tác ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Hội Trung ương tổ chức. Hầu
hết trại sáng tác đều kết hợp “3 trong 1”: sáng tác, đi thực tế - thu nạp vốn sống,
mở rộng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, quản lý. Điều này rất có ích,
giúp văn nghệ sĩ tự soi rọi, tự phấn đấu vượt qua chính mình để sáng tạo tác phẩm
đạt chất lượng cao hơn.
Nhà thơ Kim Ba (bìa phải) trong Ngày Thơ Việt Nam năm 2016.
Ảnh: A. Nguyệt
Cũng cần đề cập đến Tạp chí Văn nghệ Hàm Luông. Tuy số lượng
in còn khiêm tốn (500 bản/kỳ), song về chất lượng, nội dung tạp chí luôn được
chăm chút kỹ lưỡng đã góp phần định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho HV, cộng tác
viên và công chúng yêu VHNT. Công tác xuất bản được Hội hết sức quan tâm, trong
nhiệm kỳ đã xuất bản 21 đầu sách. Có thể nói xuất bản sách là một trong những
điểm sáng của Hội trong nhiệm kỳ qua, vừa kích thích sáng tạo của HV, vừa góp
phần nâng cao vị thế của mỗi HV có sách được đầu tư, in và phát hành. Từ nguồn
kinh phí hỗ trợ sáng tạo VHNT của Trung ương dành cho các Hội VHNT địa phương
đã thực sự có tác động to lớn đến hoạt động phong trào của Hội; trong đó, ngoài
in và phát hành sách, còn trực tiếp đầu tư và hỗ trợ cho tác giả thực hiện tác
phẩm. Trong điều kiện một số HV còn khó khăn về đời sống kinh tế, nguồn hỗ trợ
này có tác động khá hữu hiệu để HV làm ra tác phẩm và có không ít tác phẩm đoạt
giải trong các cuộc thi VHNT ở khu vực ĐBSCL.
* Ông đánh giá thế
nào về chất lượng hoạt động sáng tạo nghệ thuật của các HV trên các lĩnh vực thời
gian qua?
- Nói về sáng tạo tác phẩm VHNT, trong nhiệm kỳ qua, HV
đã tích cực sáng tạo nên hàng ngàn tác phẩm mới. Cụ thể, mỗi năm giới mỹ thuật
có trên dưới 30 tác phẩm tham dự triển lãm Khu vực 8 ĐBSCL, HV nhiếp ảnh tham dự
trên dưới 300 ảnh cho cuộc thi ảnh nghệ thuật, đồng thời được đầu tư riêng cho
từ 15 - 20 bộ ảnh nghệ thuật.
Ít rầm rộ hơn, song giới văn học cũng thường xuyên có
sáng tác mới tham dự nội dung Tạp chí Văn nghệ Hàm Luông, gửi in ở các báo. Đặc
biệt, sau mỗi chuyến đi thực tế, giao lưu ngoài tỉnh, anh chị em chuyên ngành
văn học đều “tác chiến” nhanh, có ngay tác phẩm được sử dụng. Chỉ điểm qua các
giải thưởng VHNT cũng thấy được chất lượng tác phẩm cũng như sự nỗ lực vượt bậc
của HV. Như mới đây, Bến Tre đạt 1 giải nhất do Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng. Xa
hơn một chút là giải nhất truyện ngắn ĐBSCL, giải nhì Cuộc thi sáng tác tiểu
thuyết ĐBSCL (không có giải nhất)… HV ngành âm nhạc cũng nhận rất nhiều giải
thưởng ngoài tỉnh và cả Trung ương. Ở chuyên ngành múa, 5 năm qua cũng đã đạt rất
nhiều huy chương vàng, bạc… Có 1 HV đạt danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, 1 HV đạt danh
hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Đối với các cuộc thi VHNT ở khu vực ĐBSCL, Hội quan tâm
thường xuyên động viên, nhắc nhở để HV tham gia. Nếu có điều kiện, Hội tổ chức
một số chuyến đi thực tế để HV dung nạp tư liệu sáng tác, nhất là ở các chuyên
ngành văn học, nhiếp ảnh, múa… để hoàn thiện vốn sống, đặc biệt là nhằm kích
thích ý tưởng sáng tạo, đam mê nghề nghiệp, phấn đấu tự vượt qua chính mình của
mỗi HV. Dẫu chưa thể tự bằng lòng, song có thể nói, phong trào sáng tạo VHNT
trong HV ở nhiệm kỳ qua rất sôi nổi và có chiều sâu, thật sự để lại dấu ấn cá
nhân của HV rất rõ. Năng lực sáng tạo được kích hoạt và nhiều HV đạt thành quả
bất ngờ, được đồng nghiệp cả trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. Nhìn vào đội ngũ
HV với chất lượng sáng tác đã được thể hiện trong giai đoạn vừa qua, chúng tôi
rất tin tưởng, kỳ vọng vào khả năng tiếp tục chủ động sáng tạo của họ.
* Để góp phần phát
triển VHNT tỉnh nhà trong tình hình mới, Hội đã định hướng thế nào cho đội ngũ
văn nghệ sĩ trong thời gian tới?
- Nhiệm kỳ 2016 - 2021 có nhiều thuận lợi rất cơ bản,
song cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mà Hội cũng như toàn thể HV phải tiếp
tục đồng tâm hiệp lực, phấn đấu nhiều hơn, mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn mới vượt
qua, khắc phục được. Vấn đề về kinh phí luôn là bài toán khó đối với hoạt động
của Hội, cần đầu tư suy nghĩ, tìm nhiều giải pháp thiết thực để tháo gỡ, trong
đó, chú trọng giải pháp xã hội hóa. Nhưng xã hội hóa thế nào để vừa đảm bảo
đúng hướng, vừa tạo được nguồn lực để tiếp tục phát triển tốt hơn.
Bên cạnh đó, Hội sẽ tiếp tục tổ chức, động viên HV, văn
nghệ sĩ phấn đấu sáng tác nhằm mục đích “sáng tạo nhiều tác phẩm VHNT có giá trị
tư tưởng và nghệ thuật cao” trên cơ sở giữ gìn, phát huy những giá trị VHNT dân
tộc và tiếp thu VHNT thế giới có chọn lọc. Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thâm nhập
thực tế sáng tác, tích cực động viên HV, văn nghệ sĩ đi sâu sáng tác về địa
phương, về truyền thống lịch sử kháng chiến, văn hóa… để làm nên tác phẩm tốt,
có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng tốt hơn, tích cực hơn nhu cầu thưởng
ngoạn của công chúng.
Các trại sáng tác cũng được chú ý tổ chức nhiều hơn, đa dạng
thành phần tham dự, mở rộng đối tượng theo hướng xã hội hóa nhưng bảo đảm đạt
yêu cầu về chất, trại sáng tác mang tính chất chuyên sâu hơn. Đây là một trong
những cách thức để nâng cao chất lượng sáng tác của HV. Trong nhiệm kỳ mới, Hội
cũng dành sự quan tâm đến việc tổ chức nhiều hơn những cuộc thi sáng tác VHNT với
nhiều cấp độ cho nhiều lứa tuổi khác nhau, mục đích là kích thích những khả
năng sáng tạo còn tiềm ẩn để tích cực, chủ động phát hiện tài năng mới, đặc biệt
là lực lượng trẻ, bổ sung vào đội ngũ sáng tác, hoạt động VHNT tỉnh nhà. Sử dụng
kinh phí đầu tư cho hoạt động sáng tạo VHNT mà Trung ương dành cho Hội địa
phương đúng mục đích, bám sát quy chế đề ra để đạt hiệu quả cao nhất, tránh
lãng phí hoặc sử dụng không đúng mục đích.
* Xin cảm ơn ông!
Một hoạt động mà Ban chấp
hành Hội nhiệm kỳ mới phải suy nghĩ là đầu tư cho tác giả và nhóm tác giả thực
hiện các đề tài lớn, các công trình dự án lớn, chẳng hạn như về đề tài chiến
tranh cách mạng, về danh nhân của tỉnh, về thiếu niên nhi đồng, lý luận phê
bình đánh dấu chặng đường phát triển… |