Hôm nay, ngày 15-6-2016, Trung tâm Đào tạo Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại Bến Tre sẽ công bố quyết định thành lập và chính thức chiêu sinh vào năm học 2016-2017 (tại Trường Trung cấp nghề Bến Tre cũ, số 99A, quốc lộ 60, khu phố 1, phường Phú Tân, TP. Bến Tre). Để có thêm thông tin về quá trình hoạt động, đối tượng tuyển sinh cũng như chương trình đào tạo của Trung tâm sau khi thành lập, phóng viên Báo Đồng Khởi có cuộc trao đổi với PGS.TS Vũ Phan Tú - Giám đốc Trung tâm về vấn đề này.
* Phóng viên: Việc
thành lập Trung tâm Đào tạo Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh
sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với lĩnh vực giáo dục của tỉnh, thưa ông?
- PGS.TS Vũ Phan Tú: Như chúng ta đã biết, đến nay, Bến
Tre là một trong số các tỉnh chưa có trường đại học. Vì vậy, trong thời gian
qua, một số trường thành viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng đã triển
khai một số chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Bến Tre.
Nhằm thực hiện sứ mệnh phục vụ cộng đồng, gắn kết địa
phương một cách có hệ thống và đi vào chiều sâu với hiệu quả cao, Đại học Quốc
gia TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bến Tre đã thành lập Trung tâm Đào tạo Đại học Quốc
gia TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh nhằm góp phần giải quyết yêu cầu về đào tạo nguồn
nhân lực chất lượng cao tại tỉnh và khu vực Tây Nam Bộ. Điều này đóng góp một ý
nghĩa rất lớn cho lĩnh vực giáo dục của tỉnh thông qua việc hỗ trợ các trường
phổ thông trong tỉnh đào tạo, nâng cao phương pháp giảng dạy, học tập hiện đại
cho các giáo viên, học sinh; là nơi tiếp nhận lượng học sinh từ các trường phổ
thông trung học của tỉnh, góp phần định hướng đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.
* Sau khi thành lập,
trung tâm sẽ đào tạo những bậc học nào? Đối tượng chiêu sinh, có chiêu sinh học
sinh, sinh viên ngoài tỉnh?
- Trung tâm Đào tạo Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại
Bến Tre tập trung đào tạo chính quy trình độ đại học, sau đại học và được cấp bằng
bởi các trường thành viên, trực thuộc của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Trong năm học 2016-2017, Trung tâm sẽ triển khai 6 chương trình đào tạo trình độ
đại học (quản lý tài nguyên và môi trường; công nghệ sinh học; công nghệ thực
phẩm; kỹ thuật điện - điện tử; kỹ thuật công trình xây dựng; quản trị dịch vụ
du lịch và lữ hành); 4 chương trình đào tạo trình độ cao học (luật kinh tế; quản
lý tài nguyên và môi trường; công nghệ thực phẩm; kỹ thuật xây dựng công trình
dân dụng và công nghiệp).
Đối tượng chiêu sinh được thực hiện theo đúng Công văn số
4348 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 26-8-2015 về việc đào tạo nhân lực trình độ
đại học, cao học của các địa phương thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây
Nam Bộ.
Trong năm học 2016-2017, Trung tâm tập trung tuyển sinh
nguồn học sinh của tỉnh để kịp đáp ứng chỉ tiêu tuyển sinh của Đại học Quốc gia
TP. Hồ Chí Minh theo Công văn số 4348. Trong thời gian tiếp theo, Trung tâm sẽ
mở rộng đối tượng tuyển sinh là học sinh đến từ các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam
Bộ.
* Xin ông cho biết
thêm đôi nét về cơ cấu tổ chức và bộ máy hoạt động của Trung tâm sau khi thành
lập?
- Cơ cấu tổ chức và bộ máy bao gồm: Hội đồng trung tâm có
các nhiệm vụ chính như chỉ đạo Trung tâm hoạt động theo quy chế hoạt động và tổ
chức của Trung tâm; định hướng kế hoạch chiến lược của Trung tâm và giám sát hoạt
động của Ban giám đốc Trung tâm.
Ban giám đốc gồm giám đốc và hai phó giám đốc có nhiệm vụ
lãnh đạo thực hiện hoạt động của Trung tâm theo đúng quy chế và tổ chức của
Trung tâm do Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phê duyệt; triển khai kế hoạch
chiến lược của Trung tâm.
Các phòng chức năng bao gồm: phòng tổ chức hành chính,
phòng tài vụ, phòng đào tạo.