Dừa cho mật ngọt, kỳ 2

Sinh kế với nghề lấy mật dừa nước

27/03/2023 - 05:25

BDK - Theo chân các “ong thợ” lấy mật dừa, chúng tôi có dịp được trải nghiệm từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Sau lần hẹn đầu đi khám phá quy trình thu mật hoa dừa trên bờ, lần này chúng tôi tiếp tục đợi hơn nửa tháng để đến một vườn dừa nước đã được xử lý trước đúng 40 ngày và có thể thu mật.

Anh Lê Minh Cường thu mật dừa nước

Anh Lê Minh Cường thu mật dừa nước.

Mật từ dừa nước

Cây dừa nước (hay còn gọi là dừa lá) mọc nhiều ven các con mương, kênh, rạch, sông, biển. Lá dừa được đốn chằm lộp mái nhà, dựng rạp. Buồng dừa nước giai đoạn cơm vừa nạo, hoặc dán cháo tức cơm dừa còn mềm ăn rất ngon nhưng số nhiều trái dừa nước (còn được gọi là hạt) tự già và rụng rơi trôi nổi, nẩy nở tự nhiên khắp nơi theo dòng nước.

Anh Lê Minh Cường có nhà ở sâu trong ấp An Phú, xã An Khánh, huyện Châu Thành và gần 2 con rạch lớn của khu vực ấp này. Anh kể, hồi nhỏ có thấy ông, bà từng lấy mật dừa nước làm nước màu dừa, bánh kẹo để dùng trong gia đình. Rồi thời gian trôi đi, thế hệ sau này càng ít ai biết và quan tâm đến công việc này. Anh chính thức bắt đầu với công việc tưởng “lạ mà quen” này từ hơn  1 năm nay qua sự tìm kiếm và gợi ý hợp tác của anh Tô Chí Hải. Theo anh Hải đánh giá, giờ anh Cường đã trở thành “ong thợ” chuyên nghiệp nhất đối với cây dừa nước.

Mặc dù được cảnh báo là phải len lỏi vào sâu trong các vườn có nhiều kênh, rạch, lội qua nhiều vũng sình lầy và còn có rất nhiều muỗi đen, bù mắc… nhưng chúng tôi vẫn rất thích thú chờ đợi ngày được lội vũng để tận mắt chứng kiến cách “ong thợ” thu mật từ cây dừa nước. Lần đường theo ong thợ này, chúng tôi xoắn quần cao tới đầu gối, lội qua một con rạch để đặt chân lên một khu vực đất bị con rạch bao bọc xung quanh hoàn toàn giống như một cồn nổi có hình chữ S. Xung quanh cồn nổi là rất nhiều lớp cây dừa nước được trồng để giữ bờ, rợp bóng mát rượi. Còn trên bờ nào là dừa ta, dừa xiêm, chanh. Anh cho biết, đất này của người anh em trong xóm được anh liên kết hợp tác để thu hoạch mật dừa.

Chỉ riêng khu vực nhỏ tròm trèm chưa đến 2.000m2 này, đã có đến hàng trăm quày dừa nước oằn cuống lủng lẳng. Tới đây, chúng tôi vẫn chưa biết cách lấy mật là thế nào. Anh trình diễn ngay việc thu mật bằng cách gài cuống buồng dừa vào thế thật vững chắc và có độ cong xuống vừa phải theo hướng oằn của quày dừa, rồi dùng con dao rựa để chặt bỏ buồng dừa. Tiếp tục dùng con dao mỏng thật bén để dạt một lớp mỏng ở vị trí mới chặt. Lúc này, mật dừa đã bắt đầu tươm ra chút ít và có thể dùng túi để hứng mật. Mật mới tươm có màu trắng, vị ngọt, hơi chát và sánh. “Ong thợ” cho biết sau 3 ngày, mật sẽ cho ra đều đặn trung bình từ 1 - 2kg/ngày. Quy trình chăm sóc kích thích, mát-xa cuống dừa nước ở giai đoạn này cũng tương tự như mát-xa hoa dừa trên cạn.

Khác biệt ở dừa nước là mật thu từ cuống dừa đã có trái chứ không phải ở giai đoạn hoa như đối với dừa trên bờ. Thời gian xử lý trước khi cho thu mật cũng kéo dài lâu hơn, từ 40 - 50 ngày. “Ong thợ” lành nghề với kinh nghiệm tốt sẽ biết chọn quày dừa nào sẽ thu được mật nhiều. Thông thường quày dừa ở giai đoạn cơm nạo là thời gian lý tưởng để thu mật. Một quày dừa có thể thu tối đa từ 60 - 80 lít mật, xuyên suốt từ 1,5 - 2 tháng. Sản lượng tối đa của mật dừa nước có thể cao hơn mật hoa dừa trên cạn hàng chục kg.

Cải thiện thu nhập

Với giá Công ty TNHH Mật dừa Bến Tre thu mua từ 8 - 10 ngàn đồng/kg mật. Bình quân với 50 quày dừa, cao điểm cho 100kg mật/ngày. “Ong thợ” Lê Minh Cường đã có thể tăng thu từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Đây được xem là khoản thu nhập kiếm thêm bên cạnh huê lợi từ canh tác vườn bưởi da xanh, chăn nuôi gà của anh. Để có thể thu mật thường xuyên, anh Cường hợp tác với nhiều hộ khác có vườn dừa nước dọc theo các kênh, rạch trong ấp An Phú để xử lý buồng và thu mật xoay vòng.

Qua thử nghiệm ở các vùng trồng khác nhau, anh Tô Chí Hải cho biết, dừa ở nơi có phù sa bồi đắp, dòng thủy triều lên xuống sẽ cho thu mật được sản lượng nhiều hơn. Ở đồng bằng, dừa nước cho hoa theo mùa nhưng nếu tỉa thưa với mật độ vừa phải, dừa nước có thể cho hoa quanh năm. Do đó, có thể thu mật, tạo sinh kế cho cộng đồng ở vùng trồng dừa nước quanh năm.

Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Huy (sinh năm 1996) mưu sinh bằng nghề buôn bán trái cây, vé số… kết hợp lấy mật dừa cũng thuộc đội nhóm thu mật dừa nước. Anh Huy cho biết, công việc này không khó cũng không dễ, nhưng nếu để ý là sẽ làm được. Mỗi ngày vợ chồng anh dành 4 - 5 tiếng đồng hồ (sáng 2 tiếng, chiều 2 tiếng) bình quân thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Có thời điểm 2 vợ chồng anh có thể xử lý hơn trăm quày dừa/ngày, cao điểm thu mật được 200kg mật/ngày.

“Để được vào vườn thu mật, tôi phải mua lại buồng dừa nước của bà con, với giá 15 - 20 ngàn đồng/buồng và xin được phép thu mật từ các cuống dừa đó. Nhưng cũng hên xuôi lắm vì có buồng mua rồi mà xử lý không ra mật hoặc thu được rất ít… Thấy vậy chứ cực lắm, chịu khó mới làm nổi. Nhưng làm nghề này nếu có kết hợp làm thêm công việc khác nữa thì ngon”, anh Huy chia sẻ.

Trong chuyến đi, chúng tôi lượm lặt được câu nói vui của các “ong thợ”: “Nghề này nếu ai chịu cực thì cũng khó mà nghèo lắm”. Đúng vậy! với nông dân quen chân lắm tay bùn, quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” nhưng thu nhập không ổn định thì đây là cơ hội mới và rất dễ tiếp cận để đa dạng sinh kế, cải thiện thu nhập, không cần vốn đầu tư, chỉ cần sự quyết chí vươn lên khó khăn để thoát cảnh nghèo khó. Còn với những người buôn bán nhỏ, hoặc làm thuê mướn công việc bấp bênh, hoặc làm vườn, chăn nuôi thì thu mật dừa nước cũng sẽ giúp hộ gia đình thoải mái hơn trong trang trải cuộc sống, đầu tư cho con cháu đủ điều kiện học hành.

Qua trải nghiệm thú vị, chúng tôi mới có dịp “bỏ túi” thêm một cơ hội nghề nghiệp mới, có khả năng nhân rộng mô hình, tạo an sinh cho cộng đồng người dân vùng sông nước dày đặc kênh rạch ở xứ Dừa. Một nghề mà người dân nông thôn đã có đủ vốn liếng để tham gia. Đó là sự cần cù, chịu khó và có cả tài nguyên dừa nước dồi dào, vô hạn. Người có vườn dọc sông nước có thể tự khai thác. Người không có vườn nhưng có thể liên kết, hợp tác với chủ vườn để khai thác bằng nhiều cách như mua buồng dừa, chia sẻ lợi nhuận…

“Hướng tới, khi dây chuyền sản xuất đường dừa hoàn thiện, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động khai thác mật dừa để tăng sản lượng mật thô cho nhà máy sản xuất bằng cách phát triển đội hình lấy mật dừa nước. Đồng thời, khuyến khích nhân rộng mô hình trong cộng đồng để bất kỳ người dân trong vùng có thể tiếp cận công việc thu mật dừa nước, góp phần đa dạng kinh kế, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống khu vực nông thôn...”, anh Tô Chí Hải bộc lộ tâm quyết.

Hiện đội thu mật dừa nước có khoảng 10 thành viên, là những người có thời gian nhàn rỗi, công việc không ổn định hoặc đang mưu sinh bằng nhiều công việc khác như buôn bán nhỏ, bán vé số, trồng trọt, chăn nuôi tại nhà, làm thuê mướn… Bằng việc tham gia đội thu mật, kết hợp với nhà vườn, các thành viên này được cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống hơn.

Cẩm Trúc

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN