Soạn giả Dương Thị Thu Vân

05/05/2013 - 17:17

Đêm Tháp Mười đẹp như giấc mộng/ Con ngước nhìn lồng lộng dãy sông Ngân/ Hàm Luông yêu bỗng xích lại gần/ In bóng mẹ dưới trăng chèo khuấy nước.

Đó là cảm xúc bất chợt của cô văn công giải phóng quê Bến Tre trong một đêm hành quân qua Đồng Tháp Mười, được thể hiện trong bài ca cổ “Người mẹ bên bờ Hàm Luông”. Bài ca đã sớm trở thành tiết mục của Đoàn Văn công Khu 8, do chính tác giả biểu diễn và được Đài Phát thanh Giải phóng phát đi phát lại nhiều lần. Năm ấy - năm 1968 - cô mới mười tám tuổi, và bài “Người mẹ bên bờ Hàm Luông” là sáng tác đầu tay. Cô văn công ấy chính là soạn giả Dương Thị Thu Vân - hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sau này.

Dương Thị Thu Vân tên thật là Dương Thị Mến, sinh năm 1950, quê quán xã Hưng Khánh Trung (Mỏ Cày Bắc). Từ nhỏ, chị đã sớm bộc lộ năng khiếu văn nghệ. Năm 1961, mới mười một tuổi, chị đã tham gia công tác ở đội văn nghệ xã nhà. Rồi chỉ hai năm sau, chị thoát ly gia đình vào công tác tại Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Bến Tre. Như vậy, có thể nói, Dương Thị Thu Vân đã trở thành diễn viên chuyên nghiệp từ năm mười ba tuổi.

Năm 1968, Dương Thị Thu Vân được tuyển về Đoàn Văn công Đồng Tháp (Khu 8). Cũng chính năm này, chị đã bắt đầu sáng tác, ngoài bài ca vọng cổ “Người mẹ bên bờ Hàm Luông” còn có bài “Đất quê hương” - gồm 20 câu xàng xê, được nhiều người yêu thích.

Tháng 10-1974, Dương Thị Thu Vân chuyển công tác sang ngành An ninh Khu 8, làm cán bộ tuyên truyền. Sau giải phóng, chị về công tác ở Phòng Chính trị Công an tỉnh Bến Tre cho đến lúc nghỉ hưu (2003), với cấp bậc Thượng tá.

Dù ở cương vị công tác nào, niềm đam mê sáng tác vẫn luôn tràn đầy trong chị. Và ở môi trường mới, chị có thời gian chiêm nghiệm, cảm xúc được nuôi dưỡng đến mức chín muồi mới bắt tay vào viết. Điều đó đã làm nên thành công cho những tác phẩm của chị sau này. Những bài ca vọng cổ: “Nhớ Cha trong mùa phượng đỏ”, “Hát mãi ơn Người” (giải nhất cuộc thi sáng tác tân cổ, nhân kỷ niệm sinh nhật Bác lần thứ 100, do Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Bến Tre tổ chức); “Lỡ một chuyến về” (giải nhì - không có giải Nhất - cuộc thi viết bài ca vọng cổ đồng bằng sông Cửu Long năm 1992, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu); “Người chị Xứ Dừa” (giải nhất cuộc thi sáng tác do Hội Phụ nữ tỉnh Bến Tre tổ chức)… đã làm nên tên tuổi của soạn giả Dương Thị Thu Vân.

Năm 2007, tập ca cổ “Nhớ Cha trong mùa phượng đỏ”, do Nhà xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh ấn hành, đã tập hợp 30 tác phẩm của soạn giả Dương Thị Thu Vân viết từ trong kháng chiến cho đến sau này, được công chúng yêu thích, trân trọng.

Ngoài sáng tác ca cổ, Dương Thị Thu Vân còn sáng tác thơ. Năm 2002, Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu đã xuất bản tập thơ “Bên thềm xưa” gồm 59 bài của chị. Trong số ấy có nhiều bài Dương Thị Thu Vân sáng tác từ những năm chiến tranh.

Với soạn giả Dương Thị Thu Vân, ca cổ và thơ đều thể hiện cảm xúc chân thành, tha thiết với quê hương, đất nước. Ngôn ngữ biểu đạt trong sáng, mượt mà và đầy chất lãng mạn nên rất được độc giả, thính giả yêu thích, đón nhận.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN