Sớm đưa khoa học công nghệ trở thành khâu đột phá, động lực phát triển KTXH

11/01/2012 - 07:46

Ngày 10-1, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2011 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2012. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân dự Hội nghị.

Đáp ứng kịp thời hơn cho nhu cầu phát triển

Năm 2011, Bộ Khoa học và Công nghệ đạt được nhiều kết quả tích cực. Các định hướng, nội dung, nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã bám sát Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Kết quả hoạt động khoa học công nghệ đã đáp ứng tốt hơn, kịp thời hơn nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phục vụ trực tiếp quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế (tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng) và hội nhập quốc tế.

Hiện nay, Bộ đã xác định Danh mục 25 sản phẩm và nhóm sản phẩm theo tiêu chí sản phẩm quốc gia với trên 350 sáng chế về công nghệ được sử dụng trong quá trình nghiên cứu, chế tạo và sản xuất các sản phẩm này; nghiên cứu, điều tra và đánh giá trên 1.000 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, chế tạo 28 nhóm ngành có nhu cầu và năng lực đổi mới công nghệ.

Xác định doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới công nghệ, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ, tạo tác động tích cực làm tăng đầu tư của khu vực ngoài ngân sách cho khoa học và công nghệ. Một trong các hướng hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả là tìm kiếm, trao đổi công nghệ, chuyên gia công nghệ với nước ngoài; hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành viện, trung tâm nghiên cứu trong doanh nghiệp để phục vụ quá trình đổi mới công nghệ;…

Đồng thời, Bộ đã quan tâm tạo lập môi trường pháp lý đảm bảo cho thị trường công nghệ vận hành hiệu quả thông qua hệ thống pháp luật về thị trường công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

Lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ là 2 mặt trận xung kích trong quá trình hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, có mối liên hệ trực tiếp và hữu cơ với hoạt động nghiên cứu sáng tạo của cộng đồng khoa học và công nghệ, hoạt động sản xuất-kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp… Hiện nay, hai lĩnh vực này đã hướng mạnh tới việc thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất-kinh doanh, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ để củng cố năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực như chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, thông tin khoa học và công nghệ; ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình… Mạng lưới tùy viên khoa học và công nghệ được mở rộng ở các quốc gia, địa bàn tiềm năng trong khu vực và thế giới, trở thành một kênh quan trọng  giúp khai thông các quan hệ hợp tác và tìm kiếm, thu thập thông tin và bí quyết công nghệ để phục vụ nhu cầu phát triển khoa học-công nghệ và kinh tế-xã hội của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu dự Hội nghị. - Ảnh: Chinhphu.vn

Về phương hướng phát triển khoa học và công nghệ năm 2012, Bộ xác định việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ là ưu tiên số một; cùng với đó là tập trung đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển các công nghệ nguồn, xây dựng hạ tầng khoa học và công nghệ quốc gia; đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ;…

Các nhiệm vụ cụ thể phát triển khoa học và công nghệ trong năm 2012 được xác định là tiếp tục hoàn thiện nền tảng pháp lý về khoa học và công nghệ, tập trung đưa các đạo luật đã ban hành đi vào cuộc sống; đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án khoa học và công nghệ; tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ; thúc đẩy hoạt động đổi mới, ứng dụng công nghệ, phát triển thị trường công nghệ; kiện toàn và nâng cao hiệu quả hệ thống sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ…

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, bên cạnh việc khẳng định những bước phát triển, những kết quả tích cực đạt được, các đại biểu trong và ngoài ngành cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong sự phát triển của ngành khoa học công nghệ như các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy mô còn nhỏ lẻ, chưa được đầu tư tới ngưỡng, tới sản phẩm cuối cùng, ít gắn kết, xâu chuỗi với nhau để tạo ra hiệu quả tổng hợp; chưa có chính sách hữu hiệu trong đào tạo, quy hoạch, sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ; chưa có các giải pháp đủ mạnh, khả thi để huy động khu vực tư nhân đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới công nghệ; nhận thức của công chúng, doanh nghiệp còn hạn chế về quyền sở hữu trí tuệ…

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ; các đại biểu đề xuất cần tiếp tục rà soát xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo hướng hiện đại, hài hòa với khu vực và quốc tế; tăng cường hơn nữa các giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng nhu việc đẩy mạnh hoạt động giám định về sở hữu công nghiệp trong thực tiễn...

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về khoa học và công nghệ; phát triển ngành công nghiệp điện tử; đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng bức xạ, năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước;… cũng là những nội dung lớn được các đại biểu đề cập tại Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Bộ Khoa học và Công nghệ phải quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu đưa khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. - Ảnh: Chinhphu.vn

Tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu, ứng dụng KHCN

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những đóng góp tích cực của ngành khoa học và công nghệ đối với sự phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước trong năm 2011 vừa qua, nhất là những đóng góp cho phát triển nông nghiệp – một ngành trụ cột của nền kinh tế. Những năm qua, trình độ khoa học và công nghệ của nước ta ngày càng được nâng cao, khoảng cách về khoa học và công nghệ ở một số lĩnh vực giữa Việt Nam và các nước được thu hẹp, việc đổi mới công nghệ trong các ngành, các doanh nghiệp được tăng cường, quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ có bước tiến mới…

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ rõ, chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học hiện nay còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; việc triển khai một số chương trình, dự án, đề án lớn về khoa học và công nghệ còn chậm; các phòng thí nghiệm được đầu tư kinh phí lớn song chưa được khai thác hết công suất… là những hạn chế rất lớn mà Bộ Khoa học và Công nghệ cần hết sức lưu ý và từng bước khắc phục.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong năm 2012 và các năm tới, Bộ Khoa học và Công nghệ phải quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu đưa khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trước hết là mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức khoảng 6%, đổi mới mô hình tăng trưởng; đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội;…

Đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trong năm 2012, Bộ Khoa học và Công nghệ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; đổi mới công nghệ trong sản xuất; tăng hàm lượng chất xám, khoa học công nghệ trong mỗi sản phẩm hàng hóa, dịch  vụ… phục đắc lực cho tái cấu trúc kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và sự phát triển bền vững của đất nước.

Đồng thời, quan tâm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu cơ bản; tập trung đẩy nhanh tiến độ, đầu tư cho các khu công nghệ cao, các phòng thí nghiệm trọng điểm; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ.

Đi liền với đó, tổ chức tốt việc thực hiện phát triển thị trường công nghệ; phát triển và xã hội hóa mạnh các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ, đặc biệt là các dịch vụ thông tin, tư vấn, đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, các dịch vụ sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng,…

Một nhiệm vụ khác là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học… vào các ngành nghề sản xuất, nhất là những ngành nghề sản xuất thế mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ xuất khẩu, những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.

Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ cần hết sức quan tâm tới hoạt động thanh tra, kiểm tra; đào tạo nguồn nhân lực và mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ; tích cực chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật và nhân lực cho phát triển điện hạt nhân…

Nguồn chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN