Sống lành mạnh để phòng tránh bệnh tật

20/09/2017 - 07:34
Tập thể dục thể thao 30 phút/ngày để bảo vệ sức khỏe.

Mặc dù ngành y tế đã xác định một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh không lây nhiễm là do lối sống không lành mạnh; đồng thời có nhiều khuyến cáo về việc phòng ngừa bệnh không lây nhiễm, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều người chủ quan, thờ ơ với căn bệnh giết người thầm lặng này.

 

Người dân còn thờ ơ

Buổi chiều muộn, quán ăn gia đình N.T ở xã Mỹ Thạnh An, TP. Bến Tre rất đông khách với đủ lứa tuổi. Trong số đó, bàn thì có 1 đến 2 chai rượu, bàn thì có sẵn một két bia ở cạnh. Mọi người vui vẻ chuyện trò. Đoạn cao hứng một khu vực cụng ly dzô... dzô, cười sảng khoái. Dẫu biết rằng, rượu vào lời ra và là “công cụ giao tiếp” theo quan niệm của nhiều người. Tuy nhiên, việc sử dụng bia rượu nói riêng hay bất kỳ chất kích thích nào thì người sử dụng vô tình góp phần gieo mầm bệnh vào chính bản thân mình.

Anh L.C.M. - nhân viên văn phòng chia sẻ: “Bản thân tôi cũng biết sử dụng chất kích thích là có hại cho sức khỏe nhưng không đến mức chết liền. Nên thỉnh thoảng làm vài chai với anh em để giải trí sau giờ làm việc”. Cùng chung quan điểm của anh M., nhiều người vẫn vô tư sử dụng bia rượu và chất kích thích khác như cà phê… dẫu biết đấy là yếu tố gây hại sức khỏe.

Thực tế còn rất nhiều yếu tố nguy cơ phát bệnh được nhiều người “duy trì”: ăn nhiều chất béo, ít ăn rau củ và trái cây hay lười vận động… Chính các yếu tố đó đã và đang ảnh hưởng trực tiếp làm gia tăng số trẻ bị béo phì, người cao huyết áp, tăng chất béo gây bệnh lý về tim mạch.

Dù biết vận động thể dục thể thao là tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng dễ dàng bước ra khỏi “chăn êm nệm ấm” trong mỗi sáng để làm vài động tác giúp cải thiện sức khỏe. Chị T.T.H.G. - là viên chức chia sẻ: “Sáng mà thức dậy để tập thể dục là cả một vấn đề. Bản thân biết vận động là tốt cho sức khỏe nhưng duy trì không lâu thì “mèo lại hoàn mèo”. Việc “ngủ nướng” mỗi sáng lại tiếp diễn. Nhiều lần tìm động lực cố gắng lắm nhưng tôi không duy trì được”. Hiện tại, bản thân chị G. bỏ qua suy nghĩ dậy sớm thể dục mỗi sáng.

Bác sĩ Bùi Ái Đoan - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh không lây và dinh dưỡng, Trung tâm Y tế dự phòng cho biết, tại 12 xã khám sàng lọc, khi hỏi về bệnh không lây nhiễm hầu hết người dân không biết. Tuy nhiên, hỏi bệnh huyết áp hay tiểu đường thì kết quả người dân có nghe và biết được những nguyên nhân gây bệnh. Thế nhưng, do điều kiện kinh tế của người dân, đặc biệt đối với người dân nông thôn còn khó khăn nên việc quan tâm sức khỏe chưa được chú trọng, ý thức phòng bệnh chưa cao. Hoặc có trường hợp biết nhưng vẫn duy trì thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý, đồng nghĩa họ chấp nhận sống chung với bệnh.

Cần lối Sống lành mạnh

Tại cuộc họp triển khai kế hoạch phòng chống bệnh lây nhiễm cấp tính vừa qua, bác sĩ Ngô Văn Tán - Giám đốc Sở Y tế có nêu, để giảm nguy cơ mắc bệnh trong dân, ngành y tế phải giải quyết từ gốc đến ngọn. Việc điều trị là cách giải quyết phần ngọn và tốn chi phí. Do đó, phải đi từ gốc, từ giai đoạn dự phòng trước khi phát hiện bệnh. Phải tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh trong dân, từ đó người dân mới chủ động chung tay cùng ngành phòng chống bệnh tật.

Theo bác sĩ Bùi Ái Đoan, hầu hết bệnh không lây nhiễm không thể chữa khỏi, khi đã mắc thì mang suốt đời nhưng có thể dự phòng. Để giảm nguy cơ phát triển bệnh không lây nhiễm, mỗi người cần xây dựng lối sống lành mạnh hơn. Bác sĩ Bùi Ái Đoan khuyên, mỗi người nên duy trì chế độ thể dục thể thao để cải thiện và duy trì sức khỏe. Trung bình, mỗi người cần 150 phút/tuần để tập thể dục thể thao. Đồng thời có chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh.

Đối với những người bị đái tháo đường tuýp 1, 2 hay đái tháo đường thai kỳ ở thai phụ, ngoài dùng thuốc thì việc điều chỉnh chế độ ăn hợp lý kết hợp thể dục thể thao 30 phút/ngày sẽ góp phần tích cực trong quá trình điều trị. Bệnh nhân cao huyết áp, cũng giống như bệnh nhân đái tháo đường, cần luyện tập thể dục thể thao và điều chỉnh chế độ ăn cử mỡ, cử mặn, giảm căng thẳng. Theo bác sĩ Bùi Ái Đoan, việc luyện tập thể dục thể thao là điều kiện để người bệnh tiếp xúc với cộng đồng và là yếu tố tích cực trong việc giảm căng thẳng. Do đó, đối với người bệnh hoặc người bình thường nếu thường xuyên luyện tập thể dục thể thao sẽ có đời sống tinh thần thoải mái, cải thiện sức khỏe, phòng được bệnh tật, trong đó có các bệnh không lây nhiễm.

Ngành y tế cũng đã khuyến cáo, người dân chủ động bảo vệ sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm và các bệnh lý khác bằng cách sống lành mạnh, điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, duy trì cân nặng lý tưởng; bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia để dự phòng bệnh không lây nhiễm, góp phần tăng tuổi thọ và giảm chi phí điều trị khi có bệnh.

 

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN